Chủ tịch Ủy ban chứng khoán: 'Nhà đầu tư đã phản ứng thái quá'

Tối muộn 3/7, ông Nguyễn Văn Dũng, Chủ tịch Ủy ban chứng khoán Nhà nước đã có những chia sẻ để trấn an thị trường, sau phiên giao dịch khiến VN-Index mất hơn 41 điểm, xác lập mức đáy thấp nhất kể từ đầu năm 2018.

Chủ tịch Ủy ban chứng khoán cho rằng nhà đầu tư cần bình tĩnh để tìm kiếm cơ hội, thay vì cố bán bằng mọi giá.

Chủ tịch Ủy ban chứng khoán cho rằng nhà đầu tư cần bình tĩnh để tìm kiếm cơ hội, thay vì cố bán bằng mọi giá.

Theo ông Dũng, hai nguyên nhân có thể tác động đến thị trường chứng khoán Việt Nam là Cục Dự trữ liên bang Mỹ (Fed) tăng lãi suất điều hành và căng thẳng thương mại quốc tế, nhất là căng thẳng thương mại Mỹ Trung.

"Tôi cho rằng đây là nguyên nhân chính dẫn đến việc các quỹ đầu tư nước ngoài gia tăng rút vốn khỏi một số thị trường châu Á. Và tất nhiên, dù được đánh giá là đất nước có kinh tế vĩ mô ổn định, nhưng Việt Nam cũng không tránh khỏi bị ảnh hưởng bởi tác động của kinh tế toàn cầu", ông Dũng nhận định.

Tuy nhiên, người đứng đầu cơ quan quản lý thị trường chứng khoán cho rằng nhà đầu tư dường như đang phản ứng thái quá so với mức độ ảnh hưởng thực tế từ các diễn biến trên thị trường quốc tế.

"Tôi có cảm giác nhiều nhà đầu tư đã phản ứng thái quá với những thông tin về tình hình quốc tế, nhà đầu tư nước ngoài rút vốn và những thông báo kỷ luật của Ban Kiểm tra Trung ương cuối tuần qua", Chủ tịch Ủy ban chứng khoán Nhà nước nhận xét và cho rằng nhiều nhà đầu tư đang cố bán cổ phiếu bằng mọi giá thay vì bĩnh tĩnh xem xét thị trường.

Dưới góc độ là cơ quan điều hành, Chủ tịch Ủy ban chứng khoán mong nhà đầu tư trong và ngoài nước cần có cách nhìn khách quan vào tình hình hiện tại để tìm kiếm cơ hội. "Không thể phủ nhận tác động của tình hình kinh tế, chính trị thế giới như đã nêu trên, nhưng cũng cần nhìn nhận góc độ tác động đến kinh tế Việt Nam và thị trường chứng khoán", ông Dũng nói và cho rằng ở khía cạnh tích cực trong trung và dài hạn, thị trường chứng khoán Việt Nam còn đó nhiều yếu tố nền tảng để phát triển.

Một ví dụ được ông Dũng nêu ra là chỉ số P/E chung của thị trường chứng khoán hiện nay chỉ có 16,1 lần (không tính cổ phiếu Vinhomes mới lên sàn tháng 5). Bên cạnh đó, sau thời gian dài sụt giảm, giá của các cổ phiếu trong rổ VN30 đã xuống thấp hơn nhiều so với thời điểm đầu năm 2018, nhiều cổ phiếu bluechips giảm về mức đáy trong vòng hơn một năm qua. 

"Đây được cho là mức thấp so với nhiều thị trường chứng khoán các nước và là cơ hội hấp dẫn các nhà đầu tư", ông Dũng nhận xét. 

Không có cổ phiếu ngân hàng nào giữ được sắc xanh trong phiên 3/7, trong khi những cái tên nổi bật đều nằm sàn.

Không có cổ phiếu ngân hàng nào giữ được sắc xanh trong phiên 3/7, trong khi những cái tên nổi bật đều nằm sàn.

So với mức đỉnh hơn 1.200 điểm vào đầu tháng 4, chỉ trong gần 3 tháng, VN-Index đã giảm gần 300 điểm, tương đương gần 25%. Hàng chục tỷ USD vốn hóa đã bị cuốn trôi sau những phiên bán tháo. Thanh khoản thị trường ngày càng sụt giảm, trong khi niềm tin vào sự phục hồi của nhà đầu tư bị thử thách đáng kể.

Phiên giao dịch hôm 3/7 đánh dấu phiên sụt giảm mạnh thứ hai kể từ đầu năm 2018 đến nay, chỉ sau phiên giao dịch ngày 5/2. VN-Index giảm hơn 41 điểm, tương đương 4,34% xuống còn 906 điểm - mức thấp nhất của thị trường kể từ đầu năm. Tính theo quy mô vốn hóa, gần 6,5 tỷ USD đã bị cuốn trôi khỏi thị trường.

Trong bản tin gửi nhà đầu tư cuối giờ chiều, hầu hết các công ty chứng khoán đều đưa ra nhận định trung lập về xu hướng, với khuyến nghị "tiếp tục theo dõi sát sao thị trường". 

Công ty chứng khoán Sài Gòn - Hà Nội (SHS) cho rằng, việc mốc 900 điểm chưa bị vi phạm nên thị trường khiến VN-Index đang ở trong trạng thái nhạy cảm và phiên giao dịch tiếp theo có thể gợi mở cho xu hướng sắp tới. Trong trường hợp tiếp tục sụt giảm, ngưỡng 895 điểm sẽ là mức hỗ trợ gần nhất.

Trong khi đó, Công ty chứng khoán BIDV thì cho rằng thị trường vẫn chưa có dấu hiệu ổn định và nhà đầu tư "cần quan sát thêm", thay vì quyết định giải ngân bắt đáy.

Minh Sơn

Let's block ads! (Why?)