Viện Nghiên cứu Kinh tế và Chính sách (VEPR) vừa công bố báo cáo "Đánh giá tác động của việc tăng thuế VAT lên tổng thể nền kinh tế và phúc lợi hộ gia đình". Trước đó, Bộ Tài chính đề xuất dự thảo luật sửa đổi về thuế giá trị gia tăng với phương án thuế suất thuế VAT được điều chỉnh tăng thêm 20%, nghĩa là những mặt hàng đang có thuế suất từ 5% sẽ tăng lên 6% và mặt hàng hiện thuế suất 10% lên 12%.
Tuy Bộ trưởng Tài chính Đinh Tiến Dũng cũng báo cáo trước Quốc hội rằng, cơ quan này quyết định sẽ không tăng thuế VAT lên 12% như dự kiến, mà vẫn giữ ở mức 10%. Tuy nhiên, theo ông, cơ quan này sẽ cơ cấu lại các hàng hoá, dịch vụ chịu thuế 0%, 5%.
Nhóm chuyên gia thuộc VEPR cũng đưa ra dự báo tác động tăng thuế VAT theo một phương án nữa là áp dụng mức thuế 10% cho tất cả các mặt hàng (ngoại trừ các mặt hàng đang được miễn thuế). Phương án này theo đơn vị nghiên cứu thì có ưu điểm là đơn giản hóa việc thu thuế và tránh gian lận trong việc trốn thuế VAT bằng cách điều chỉnh danh mục mặt hàng chịu thuế từ 10% thành 5% trong sản xuất và kinh doanh.
Số người nghèo, cận nghèo có thể sẽ tăng nếu cơ quan quản lý tăng thuế VAT. Ảnh: Giang Huy |
Với 2 phương án này, nhóm chuyên gia thuộc VEPR cho biết phương án một (tăng thuế suất lên 1,2 lần) có tác động tới hộ gia đình mạnh hơn phương án hai (áp dụng thuế suất VAT thống nhất 10%).
Cụ thể, phương án một mà Bộ Tài chính đề xuất làm giảm chi tiêu khoảng 0,89%, trong khi phương án 2 làm giảm 0,32%. Số người nghèo tăng lên từ những người ở ngưỡng cận nghèo trong hai phương án lần lượt là 240.000 và 202.000 người. Theo các chuyên gia thuộc VEPR, xét về tác động lên nghèo đói thì VAT chỉ có tác động lên nhóm thu nhập thấp ở cận chuẩn nghèo. Các hộ gia đình có mức sống cao cũng bị giảm mức chi tiêu, nhưng mức giảm này không làm cho họ rơi vào nghèo như nhóm cận nghèo.
"Các hộ gia đình có đặc điểm như đông người, có tỷ lệ cao trẻ em và người già trên 80 tuổi, chủ hộ có học vấn thấp và kỹ năng thấp, hộ làm việc trong nông nghiệp dễ rơi vào nghèo đói hơn các nhóm khác khi tăng thuế VAT", báo cáo đánh giá.
Trong khi đó, theo nhóm nghiên cứu, phương án tăng thuế VAT lên mức chung 10% thì tác động nhỏ hơn một chút. Các nhóm hộ tiêu dùng nhiều thực phẩm như rau và thịt sẽ bị ảnh hưởng nhiều hơn, chẳng hạn H’Mong là dân tộc chịu ảnh hưởng mạnh.
Nhóm nghiên cứu cũng chỉ ra việc tăng thuế không làm tăng sản lượng thực của nền kinh tế và làm giảm phúc lợi của tất cả các hộ gia đình. Do đó, các chuyên gia thuộc VEPR không đồng tình với đề xuất tăng thuế VAT của Bộ Tài chính đã đưa ra.
Theo nhóm nghiên cứu, VAT là nguồn thu thuế lớn nhất cho ngân sách Nhà nước, chiếm khoảng một phần tư tổng thu ngân sách. Trong khi thuế suất VAT phổ thông thuộc mức thấp của thế giới, tỷ lệ động viên ngân sách từ thuế VAT của Việt Nam đứng hàng đầu, phản ánh sự khá hiệu quả của thuế VAT tại Việt Nam. Tuy nhiên, theo các chuyên gia, việc tăng thu ngân sách từ VAT của Việt Nam hầu như chỉ bằng con đường tăng thuế suất.
"Trong bối cảnh áp lực ngân sách tăng cao, Chính phủ nên nghĩ tới việc cải cách lại các loại thuế tài sản vì hiện nay tỷ trọng đóng góp của các loại thuế này vào ngân sách còn khiêm tốn. Tuy nhiên, do các loại thuế trực thu dễ gây cảm giác đau đớn cho người nộp thuế, trước khi tăng thuế, Chính phủ cần nâng cao tính minh bạch và trách nhiệm giải trình trong thu chi ngân sách để có thể thuyết phục người dân", chuyên gia thuộc VEPR cho hay.
Với những phân tích đó, nhóm chuyên gia cho rằng, Nhà nước cần cân nhắc việc điều chỉnh thuế VAT trong thời gian tới, vì đây là việc đánh đổi giữa tăng ngân sách với tăng trưởng kinh tế và giảm nghèo của Việt Nam.
Nguyễn Hà