Tài khoản bỗng dưng mất 85 triệu đồng

Chị Nguyễn Thị Phương Thùy (quận 12, TP HCM) cho biết, chị đang dùng thẻ ATM của Ngân hàng Đông Á (DongA Bank) và trong tài khoản có số dư gần 86 triệu đồng. 

Theo chị Thùy, vào rạng sáng 27/6, tức từ 3h31 phút đến 3h33 phút, hệ thống từ DongA Bank gửi tin nhắn đến điện thoại của chị và thông báo tài khoản này đã chuyển 60 triệu đồng vào 3 tài khoản khác nhau. Mỗi lần chuyển khoản là 20 triệu đồng.

Sau đó, từ 3h33 đến 3h34 phút, chị Thùy tiếp tục nhận được thông báo là tài khoản của chị bị rút 20 triệu đồng tiền mặt với mỗi lần rút là 10 triệu đồng.

Chị Thùy cho rằng lúc đó đang ngủ nên không hay biết. Đến tầm 4h sáng lại có một tin nhắn đến thông báo thẻ ATM của chị vừa rút thêm 5 triệu đồng. Chị lập tức kiểm tra lại thì vẫn thấy thẻ còn trong giỏ xách. "Tôi liền gọi lên tổng đài để phong tỏa tài khoản thì đã quá muộn. Tài khoản của tôi chỉ còn hơn 900.000 đồng”, chị Thùy nói.

Tin nhắn báo tài khoản chị Thùy bị trừ 20 triệu do chuyển khoản. 

Tin nhắn báo tài khoản chị Thùy bị trừ 20 triệu do chuyển khoản. 

Sáng hôm sau, chị vội chạy lên Ngân hàng Đông Á trình bày và khiếu nại thì được ngân hàng cho biết tiền trong tài khoản của chị được rút ở một trụ ATM trên địa bàn quận Tân Phú, TP HCM và thông tin sự việc đã được chuyển lên hội sở DongA Bank. Ngân hàng cũng thông báo với chị Thùy là trong vòng 5 ngày sẽ có kết quả.

Chị Thùy chia sẻ thêm, trước giờ chưa từng tiết lộ mật khẩu cá nhân cho ai. Thẻ này chị đã mở ở chi nhánh Gò Vấp khá lâu từ thời còn là sinh viên, sau đó bị mất và chị mở lại tại chi nhánh Cộng Hòa cách đây tầm 3 năm và chưa từng xảy ra sự cố gì. 

"Trước đêm bị mất tiền, vào buổi chiều hôm đó tôi có ghé vào ATM ở Quang Trung để rút 2 triệu đồng tiền mặt. Nơi đó hơi vắng nên không biết có bị cài cắm thiết bị đánh cắp thông tin nào không", chị Thùy chia sẻ. 

Trao đổi với VnExpress, đại diện Ngân hàng Đông Á cho biết đã tiếp nhận vụ việc trên và đang tiến hành kiểm tra để tìm nguyên nhân. "Chúng tôi sẽ cố gắng có kết quả sớm nhất để phản hồi và giải quyết cho khách hàng", ông nói.

Ngân hàng cũng chia sẻ, với xu hướng tội phạm công nghệ cao đang gia tăng nhanh tại thị trường Việt Nam, công tác đảm bảo an toàn cho chủ thẻ đã được nhà băng này đặt lên hàng đầu. 

DongA Bank cho biết thêm, ngoài việc tội phạm công nghệ cao dùng thiết bị để sao chép dữ liệu rồi làm thẻ giả rút tiền của khách, thì kết quả điều tra của cơ quan công an thời gian qua cho thấy nguyên nhân bị mất tiền còn do nhiều chủ thẻ đã bị lộ thông tin thẻ khi cho người nhà mượn, cho sử dụng thẻ trước đó…

Đại diện ngân hàng này khuyến cáo, để hạn chế rủi ro khi sử dụng thẻ, khách hàng cần giữ gìn thẻ, bí mật số Pin, không cho người khác mượn, sử dụng thẻ, cũng như kịp thời liên hệ ngay với Trung tâm chăm sóc khách hàng để được hỗ trợ kịp thời.

Đại diện Cục cảnh sát phòng, chống tội phạm sử dụng công nghệ cao Bộ Công an (C50) từng chỉ ra các phương thức phổ biến của bọn tội phạm trong việc đánh cắp tài khoản ngân hàng.

Thứ nhất là ăn cắp dữ liệu thẻ ngay tại ATM. Với hình thức đánh cắp này, tội phạm dùng một bảng nhựa trong đó chứa thiết bị lấy cắp thông tin thẻ (gọi là thiết bị skimming) ốp phía ngoài khe quẹt thẻ. Khi có thiết bị này, lúc đưa vào khe cắm, thẻ sẽ đi qua thiết bị skimming trước rồi mới vào khe cắm thẻ. Bằng hình thức này, tội phạm sẽ lấy được toàn bộ thông tin lưu trữ trên dải từ của thẻ. 

Sau khi lấy được thông tin thẻ ngân hàng và mã PIN, các đối tượng sẽ sử dụng thiết bị làm giả thẻ ngân hàng thông qua phần mềm chuyên dụng và thiết bị đọc, in dữ liệu thẻ từ được bán trên mạng internet rồi rút tiền tại các máy ATM.

Ngoài ra, các đối tượng thường lợi dụng sơ hở của người dùng để chiếm đoạt thông tin tài khoản ngân hàng. Tội phạm lập các website trúng thưởng gửi tin nhắn qua facebook, zalo, viber..., thông báo chủ tài khoản đã trúng thưởng tài sản, hiện vật có giá trị lớn đề nghị truy cập vào các website để đăng ký nhận giải. Hoặc tội phạm có thể lập các website giả mạo website của ngân hàng, gửi link thông báo tài khoản của khách hàng có tiền chuyển vào nhưng bị lỗi cần phải cung cấp thông tin để kiểm tra.

Khi mã xác thực OTP gửi về điện thoại, đối tượng giả danh nhân viên ngân hàng thông báo đã gửi mã trúng thưởng để xác thực, đề nghị người bị hại cung cấp để hoàn tất thủ tục.

Sau khi lấy được thông tin, kẻ gian dùng để mua mã thẻ điện thoại, thẻ game trên các website bán trực tuyến hoặc chuyển tiền sang các tài khoản trung gian để rút tiền hoặc thuê người rút tiền trong và ngoài nước.

Lệ Chi

Let's block ads! (Why?)