Các Bộ ngành nói gì với đề xuất tăng thuế môi trường

Trước khi Chính phủ đề xuất việc tăng kịch khung thuế môi trường với xăng dầu, Bộ Tài chính là cơ quan soạn thảo đề xuất này, đã xin ý kiến các Bộ, ngành, địa phương và các bên.

Trong đó, Bộ Nội vụ, Bộ Thông tin & Truyền thông, Bộ Quốc phòng, Ngân hàng Nhà nước, Thanh tra Chính phủ... đồng ý với đề xuất tăng thuế. Tuy nhiên, một số cơ quan khác cảnh báo cần xem xét, nghiên cứu kỹ và có lộ trình hợp lý.

Thuế môi trường với xăng dầu được đề xuất tăng lên 4.000 đồng một lít từ 1/7.

Thuế môi trường với xăng dầu được đề xuất tăng lên 4.000 đồng một lít từ 1/7.

Cụ thể, Bộ Tài nguyên & Môi trường cho rằng cần bổ sung thêm những nội dung đánh giá việc ngân sách nhà nước chi cho nhiệm vụ bảo vệ môi trường tương ứng với từng giai đoạn. Bộ này cũng nhấn mạnh cần làm rõ vì sao không điều chỉnh thuế bảo vệ môi trường đối với nhiên liệu bay. 

Bộ Giao thông Vận tải thì cho rằng việc ban hành các chính sách thúc đẩy công tác bảo vệ môi trường là cần thiết. Tuy nhiên, các mặt hàng xăng dầu sẽ tác động đến chi phí vận tải. Trong khi đó, theo cơ quan này, Chính phủ đang thực hiện nhiều giải pháp nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp vận tải hoạt động và đặc biệt là các giải pháp nhằm giảm chi phí vận tải logictics. 

Cơ quan này đề xuất nếu tăng thuế bảo vệ môi trường đối với xăng dầu phải làm có lộ trình, điều chỉnh một cách hợp lý và cần nghiên cứu kỹ đánh giá tác động về mặt kinh tế. Tương tự, Bộ Kế hoạch và Đầu tư cũng đề nghị cơ quan soạn thảo cần phải lượng hóa các tác động xấu của chính sách này.

Nhận định việc cơ cấu lại các nguồn thu ngân sách là cần thiết, song Bộ Công Thương cũng thấy phải xem xét, tính toán cẩn trọng khi tăng thuế. Bởi theo cơ quan này, xăng dầu là mặt hàng thiết yếu và là nguyên liệu đầu vào cho hoạt động sản xuất, kinh doanh.

"Việc điều chỉnh thuế cũng cần được cân nhắc trong bối cảnh đang khuyến khích sử dụng nhiên liệu sinh học (xăng E5, xăng E10) thay thế các loại xăng không chì. Ngoài ra còn cần đảm bảo giá xăng trong nước không biến động lớn, gây ảnh hưởng đến thị trường và người tiêu dùng", Bộ Công Thương nêu ý kiến.

Cùng quan điểm này, song Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch chỉ rõ các chính sách tại phương án của Bộ Tài chính chưa làm rõ được cơ sở khoa học của chính sách điều chỉnh khung thuế bảo vệ môi trường. Các lý do đưa ra cũng chưa thống nhất và thuyết phục, đặc biệt là so sánh giá bán lẻ xăng dầu ở Việt Nam với một số nước trên thế giới, văn bản góp ý của cơ quan này cho hay.

Theo Bộ Văn hóa - Thể thao & Du lịch, bản chất của việc điều chỉnh tăng mức thuế bảo vệ môi trường là bù đắp cho ngân sách Nhà nước, khi Việt Nam thực hiện cắt giảm thuế nhập khẩu các loại hàng hóa như xăng, dầu, than đá… Ngoài ra, tiền thu được sẽ được nộp vào ngân sách Nhà nước và chi cho nhiều hoạt động khác nhau trong đó có chi bảo vệ môi trường.

Tuy nhiên, cơ quan này cho rằng, trong báo cáo giải trình lại chưa nói một cách thỏa đáng những nội dung này, gây hiểu nhầm quy định tăng thuế bảo vệ môi trường với thông điệp bảo vệ môi trường. Tờ trình và báo cáo đánh giá tác động cũng chưa thể hiện được sự cần thiết và phù hợp với tình hình kinh tế xã hội Việt Nam hiện nay.

Bộ này còn cảnh báo, việc tăng thuế, chịu tác động mạnh mẽ nhất là người dân, doanh nghiệp. Hàng hóa sản xuất trong nước sẽ giảm khả năng cạnh tranh. 

Đồng quan điểm này, Bộ Ngoại giao góp ý Bộ Tài chính cần có thêm đề xuất khắc phục, nhất là đối với nhóm người dân có thu nhập thấp. 

Bộ Xây dựng cũng góp ý, việc tăng thuế phải đảm bảo hài hòa lợi ích quốc gia và lợi của người dân, doanh nghiệp.  

Bộ Công an cũng cho rằng, khi tăng thuế bảo vệ môi trường với các mặt hàng như xăng, dầu, nhiên liệu bay, sẽ tác động đến giá bán của hàng hóa, ảnh hưởng đến đời sống, sản xuất, xã hội và nền kinh tế đất nước. Do đó, theo Bộ này, Bộ Tài chính cần nghiên cứu kỹ trước khi đưa ra biểu thuế phù hợp.

Trong tờ trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Chính phủ đề xuất tăng mức thuế với xăng từ 3.000 đồng lên 4.000 đồng, với dầu diesel từ 1.500 đồng lên 2.000 đồng. Dầu mazut và dầu nhờn, dầu hỏa, mỡ nhờn cũng tăng lên 2.000 đồng mỗi lít. 

Như vậy, các mặt hàng trên đều được Chính phủ đề xuất tăng lên mức kịch trần theo khung cho phép của Ủy ban Thường vụ Quốc hội dù trước đó đề xuất của Bộ Tài chính đã vấp phải nhiều phản ứng. Theo tính toán, ngân sách sẽ có thêm 14.368 tỷ đồng một năm từ việc tăng thuế bảo vệ môi trường với xăng dầu này.

Nguyễn Hà

Let's block ads! (Why?)