Cửa hàng tiện lợi đang phủ khắp TP HCM

Trong báo cáo thị trường bất động sản TP HCM quý I/2018, Jones Lang LaSalle (JLL) Việt Nam cho biết, 3 tháng qua, tốc độ phát triển của các cửa hàng tiện lợi tại đô thị hơn 10 triệu dân này diễn ra đầy tích cực và hứa hẹn sẽ tiếp tục “gây bão” trong phần còn lại của năm.

Thống kê của JLL cho biết, tính đến cuối tháng 3/2018, toàn TP HCM có hơn 1.800 cửa hàng tiện lợi và siêu thị mini phủ khắp khu vực nội – ngoại thành. Tổng diện tích của các cửa hàng này đạt 272.000 m2 sàn toàn thành phố, tăng 5,1% so với quý trước (tức tháng 12/2017). Dự kiến các chuỗi cửa hàng tiện lợi tung ra thị trường sẽ tiếp tục gia tăng trong những quý còn lại của năm 2018 vì có sự xuất hiện của các tay chơi mới đầy tham vọng.

Theo đánh giá của đơn vị này, cuộc đua phủ sóng của các thương hiệu cửa hàng tiện lợi tại TP HCM đang ngày càng trở nên quyết liệt bất chấp chi phí mặt bằng tại khu vực trung tâm đô thị này dần trở nên đắt đỏ và khó tìm kiếm hơn.

Các cửa hàng tiện lợi chủ yếu sử dụng mặt bằng là nhà phố mặt tiền cho thuê tầng trệt hoặc nguyên căn (diện tích hạn chế so với lượng hàng hóa bày bán) hay khối đế của các công trình cao tầng có tính năng thương mại cao. Giá thuê các mặt bằng loại này cũng đắt đỏ không kém mặt bằng trong các trung tâm thương mại, nếu xét trên đơn giá mỗi m2.

Số cửa hàng tiện lợi tại TP HCM đã vượt ngưỡng 1.800 shop và sẽ còn tiếp tục tăng mạnh từ năm 2018 trở đi. Ảnh: Foody.vn

Số cửa hàng tiện lợi tại TP HCM đã vượt ngưỡng 1.800 shop và sẽ còn tiếp tục tăng mạnh từ năm 2018 trở đi. Ảnh: Foody.vn

JLL dự báo, do chiến dịch bành trướng đang ở giai đoạn mở rộng địa bàn phủ sóng, gia tăng sự hiện diện không chỉ tại TP HCM mà còn ở nhiều tỉnh thành lớn khác trên cả nước nên số lượng cửa hàng tiện lợi sẽ không ngừng tăng lên mạnh mẽ.

Theo số liệu mới được tổ chức International Grocery Research Organization (IGD) công bố, Việt Nam được dự báo là sẽ trở thành thị trường có tốc độ phát triển các cửa hàng tiện lợi nhanh nhất khu vực châu Á vào năm 2021, xếp trên Philippines và Indonesia.

Các nhãn hàng quốc tế như Family Mart đến từ Nhật Bản, Circle K đến từ Mỹ, Shop&Go và B’s mart đến từ Đông Nam Á đang thống lĩnh thị trường và chiếm gần 70% tổng số cửa hàng tiện lợi hiện nay.

Theo đánh giá của CBRE Việt Nam, thị trường này sẽ nổ ra sự cạnh tranh từ các cửa hàng tiện lợi trong nước và quốc tế vì tay chơi nào cũng muốn chiếm thêm thị phần thông qua việc mở rất nhiều cửa hàng tiện lợi khắp cả nước.

Đơn vị tư vấn khảo sát này cho biết, Vinmart, một thương hiệu cửa hàng tiện lợi lớn trong nước đang có kế hoạch mở thêm 3.000 cửa hàng khắp Việt Nam trong những năm tới. Gần đây, GS25, một chuỗi cửa hàng tiện lợi của Hàn Quốc đã vào thị trường Việt Nam và đang muốn mở hơn 2.500 cửa hàng khắp cả nước trong 10 năm tới. “Đây là tín hiệu cho thấy sức nóng của thị trường này trong năm 2018 và những năm kế tiếp”, CBRE đánh giá.

Báo cáo về thị trường bán lẻ của Savills Việt Nam gần đây công bố, tính đến cuối năm 2016, tại Việt Nam cứ 54.400 người thì có một cửa hàng tiện lợi. Dữ liệu này hiện nay đã thay đổi đáng kể do cơn lốc cửa hàng tiện lợi đổ ập vào TP HCM và nhiều tỉnh thành khác trên cả nước trong 12-24 tháng qua.

Còn nghiên cứu của A.T.Kearney cho hay, Việt Nam được đánh giá là quốc gia có độ tuổi dân số rất thích hợp cho các chuỗi cửa hàng tiện lợi, với 57% người dân dưới 35 tuổi. Do vậy, thời gian tới sẽ còn nhiều nhà bán lẻ ngoại tấn công thị trường Việt.

Vũ Lê

Let's block ads! (Why?)