Facebook đang lâm vào một cuộc khủng hoảng chưa từng có liên quan tới dữ liệu người dùng. Cuối tuần trước, giới truyền thông đưa tin Facebook đã để Cambridge Analytica tiếp cận trái phép dữ liệu của 50 triệu người dùng Mỹ trong chiến dịch bầu cử tổng thống năm 2016. Sự việc đang thu hút sự chú ý của toàn thế giới và ngày càng phức tạp.
Cambridge Analytica là gì?
Cambridge Analytica là công ty được nhóm chiến dịch tranh cử của Tổng thống Mỹ - Donald Trump thuê năm 2016. Công ty này được rót vốn một phần nhờ tỷ phú đầu tư Robert Mercer và gia đình - nhà tài trợ cho Đảng Cộng hòa của ông Trump.
CEO Cambridge Analytica - Alexander Nix trong một hội thảo năm 2016. Ảnh: Engadget |
Cambridge Analytica cũng có nhiều mối quan hệ với các cựu cố vấn và cố vấn hiện tại của ông Trump. Cựu chiến lược gia trưởng của Nhà Trắng - Steve Bannon là cựu phó giám đốc công ty này. Cố vấn Kellyanne Conway của Nhà Trắng cũng từng cố vấn cho họ.
Cambridge Analytica còn hợp tác với Công ty truyền thông SCL Group (Anh) - chuyên cung cấp dữ liệu, phân tích và chiến lược cho các chính phủ và tổ chức quân sự trên thế giới. Phần giới thiệu trên Twitter của Cambridge Analytica cho biết họ cung cấp dịch vụ "tìm đối tượng mục tiêu theo hành vi", cũng như "hỗ trợ các chiến dịch chính trị" và "hỗ trợ kỹ thuật số".
Tại sao Cambridge Analytica lại là tâm điểm chú ý?
Scandal bùng phát từ cuối tuần trước, khi New York Times và truyền thông Anh đưa tin Cambridge Analytica cố tác động lên cử tri Mỹ bằng việc dùng thông tin lấy được của 50 triệu người dùng Facebook. Facebook thì cho biết số dữ liệu này đã được thu thập từ vài năm trước, một cách hợp pháp, bởi giáo sư tâm lý học Aleksandr Kogan.
Khi đó, Facebook cho phép ông Kogan thu thập thông tin từ những người download ứng dụng của ông này, để làm một bài test về tính cách. Người dùng Facebook cũng cho Kogan quyền thu thập thông tin bạn bè của họ.
Facebook đang bị chỉ trích vì không quản lý được thông tin người dùng. Ảnh: AFP |
Tuy nhiên, sau đó, Kogan lại đưa số dữ liệu này cho SCL Group và Cambridge Analytica, khi ấy đang phát triển các công cụ có thể sử dụng để tác động lên cử tri. Facebook cho biết việc chuyển dữ liệu này là phạm luật. Cambridge Analytica khẳng định đã xóa hết dữ liệu năm 2015 khi họ nhận ra đã vi phạm quy định của Facebook.
Từ cuối tuần trước, công ty này vẫn liên tục bảo vệ mình trên Twitter. "Quảng cáo không mang tính cưỡng ép. Con người thông minh hơn chứ", họ cho biết.
Diễn biến mới nhất
Facebook đã phong tỏa tài khoản mạng xã hội của Cambridge Analytica và SCL, đồng thời yêu cầu Cambridge Analytica đồng ý một cuộc kiểm tra để xác định toàn bộ dữ liệu đã bị xóa bỏ. Cambrige Analytica đồng ý, nhưng cuộc kiểm tra đã bị Anh hoãn lại.
Văn phòng Ủy ban Thông tin Anh thông báo đang chờ lấy lệnh của tòa án để thực hiện cuộc điều tra của chính cơ quan này. Còn Facebook sẽ thực hiện điều tra riêng.
Trong khi đó, nội bộ Cambridge Analytica cũng đang lục đục. Công ty này đã đình chỉ chức vụ với CEO Alexander Nix từ hôm qua, sau các báo cáo cho thấy ông từng bàn bạc về hối lộ và gài bẫy. Lệnh đình chỉ này có hiệu lực ngay lập tức, "để chờ một cuộc điều tra độc lập, toàn diện", công ty cho biết trong thông báo.
Thông báo này được đưa ra chỉ ngay trước khi kênh Channel 4 News của Anh đến giờ phát sóng một bản tin trong series tìm hiểu các việc làm của công ty này. Một đoạn video rò rỉ hôm qua cho thấy Nix khẳng định đã gặp ông Trump "nhiều lần" và công ty này phụ trách việc thu hút sự chú ý cho các hoạt động tranh cử của ông.
"Chúng tôi đã làm tất cả việc nghiên cứu số liệu, phân tích, chọn đối tượng. Chúng tôi chạy toàn bộ chiến dịch kỹ thuật số, trên TV, và dữ liệu của chúng tôi cung cấp thông tin làm chiến lược", Nix nói.
Trong một video khác, Alex Tayler - Giám đốc dữ liệu của Cambridge Analytica cũng nói rằng các nghiên cứu của công ty này đứng sau việc ông Trump thắng phiếu đại cử tri.
"Ông Trump thua 3 triệu phiếu phổ thông, nhưng lại thắng phiếu đại cử tri, đó là nhờ dữ liệu và nghiên cứu. Đó là lý do vì sao ông ấy đắc cử", Tayler cho biết.
Trong một thông báo, Nix phủ nhận công ty này tham gia hối lộ hoặc gài bẫy. Cambridge Analytica cũng cho biết sẽ có một điều tra độc lập. "Các bình luận của ông Nix do Channel 4 bí mật ghi lại được, cùng các cáo buộc khác không đại diện cho giá trị hay hoạt động của công ty. Và việc đình chỉ cho thấy sự nghiêm túc của chúng tôi với sự vi phạm này", thông báo cho biết.
Cuộc khủng hoảng tại Facebook
Sự việc cũng khiến Facebook chịu ảnh hưởng nghiêm trọng. Mạng xã hội lớn nhất thế giới đang đối mặt với sự dò xét và ngờ vực từ các nhà làm luật cũng như công chúng thế giới. Chính trị gia tại cả Mỹ, Anh và EU đều đang kêu gọi Facebook cùng CEO Mark Zuckerberg trả lời các câu hỏi liên quan đến Cambridge Analytica. Các chuyên gia nhận định, công ty này sẽ chẳng thể làm được gì nếu như bản thân Facebook không "bật đèn xanh" hoặc không thực sự mạnh tay trước những thương vụ chính trị như vậy.
Cổ phiếu Facebook đã mất giá 6,8% hôm thứ Hai - mạnh nhất gần 4 năm. Hôm qua, mã này tiếp tục mất hơn 4,4% sau thông tin Ủy ban Giao dịch Liên bang Mỹ được cho là đang điều tra sự việc, và Giám đốc Bảo mật của Facebook - Alex Stamos sắp nghỉ việc. Tổng cộng trong 2 phiên đầu tuần, cổ phiếu Facebook đã giảm từ 185 USD xuống 165 USD, khiến vốn hóa mất hơn 60 tỷ USD.
Bản thân CEO Mark Zuckerberg cũng bị chỉ trích vì kỹ năng lãnh đạo kém trong sự việc này. Nhà đầu tư công nghệ nổi tiếng Jason Calacanis cho rằng khả năng ứng phó khủng hoảng của Zuckerberg là "rất tệ" và nên "từ chức CEO để COO Sheryl Sandberg lên thay".
Hà Thu(theo CNN/Blooomberg)