Vượt qua cửa khẩu Xà Xía - Hà Tiên (Kiên Giang) khoảng 30 km, chúng tôi đến được khu bảo tồn Anlung Pring rộng 217 ha thuộc Aparasát, xã Ton Hon, huyện Kampontrach, tỉnh Kampốt của Vương Quốc Campuchia – nơi mà anh em trong Câu lạc bộ Nhiếp ảnh và Du lịch cho biết sếu đầu đỏ vừa về được hơn trăm con.
Sếu đầu đỏ ở đây là loại sếu Phương Đông - loài lớn nhất trong họ sếu nhưng cũng rất nhạy cảm với sự thay đổi của môi trường. Các tài liệu cho biết sếu trưởng thành cao khoảng 1,5 đến 1,8 mét, độ sải cánh từ 2,2 đến 2,5 mét, trọng lượng trung bình từ 8 đến 10 kg.
Theo thống kê của Hội sếu quốc tế (ICF) của Mỹ, sếu đầu đỏ Phương Đông hiện nay còn dưới 1.000 con. Trước những năm 1999, sếu đầu đỏ sinh sống nhiều ở Tràm Chim Tam Nông (Đồng Tháp) nhưng dần dần bỏ đi về Kiên Giang và nhiều năm nay xuất hiện ở Ton Hon. Để giữ chân đàn sếu, chính quyền Campuchia đã thành lập khu bảo tồn Anlung Pring.
Sếu đầu đỏ ăn tạp, có thể ăn các thức ăn thô thường gặp tại đầm lầy và các vùng nước nông như rễ, củ cây cỏ, côn trùng, động vật giáp xác và một số loài thú có vú nhỏ. Sếu đầu đỏ được xem là loài chim chung thuỷ nhất, chỉ kết đôi một lần trong đời. Khi một con mất đi, con còn lại sẽ thuỷ chung, thậm chí "tuyệt thực" để đi theo bạn đời. |
Chúng tôi đến khu bảo tồn Anlung Pring khi ánh nắng chiều vàng rực bắt đầu trải dài trên những bàu nước cạn. Phóng tầm mắt nhìn ra những cánh đồng ngút ngàn nhưng chúng tôi không thấy chú sếu nào. Trong khi trưởng nhóm lo thủ tục, đóng lệ phí, anh Bone Ouk, nhân viên quản lý tại đây mời mọi người lên Buffalo Cafe và chúng tôi được quan sát sếu đầu đỏ qua ống nhìn đặt tại đây. Với chiếc ống nhòm này, ba chú sếu đầu đỏ ở khoảng cách hơn 1.000 mét đang ăn củ năng trên cánh đồng xa xa thu vào tầm mắt.
Nhờ ít người, chúng tôi được phép rời đài quan sát để vào một bờ ruộng, nơi có thể tiếp cận bầy sếu gần hơn chút. Thế nhưng những ống kính dưới 800mm cũng đành bất lực vì sếu vẫn còn quá xa.
Sếu ở đây túm tụm theo từng nhóm nhỏ, mỗi nhóm có một con luôn thẳng cổ quan sát xung quanh như canh gác cho đồng loại cắm cúi ăn. Anh bạn Bone Ouk luôn theo sát chúng tôi để đảm bảo không ai có thể làm gì để đàn sếu sợ hãi.
Bên cạnh sếu, nơi đây còn có những đàn chim giống như chim Ốc Cao đông đến cả nghìn con bay rợp trời và nhiều loại chim hoang dã khác mải mê ăn mồi. Có mấy anh nằm trúng ổ kiến lửa, bị đốt đau mà không dám suýt xoa. Xung quanh có mấy nhánh có năng nở bông (hoa Hoàng Đầu Ấn).
Mặt trời tắt, chúng tôi đành ra về để hôm sau tiếp tục trở lại săn ảnh sếu lúc bình minh.
Từ lâu sếu đầu đỏ đã được đưa vào sách đỏ. |
Năm giờ sáng, trời ở Ton Hon còn tối nhưng đi theo hướng dẫn của anh Bone Ouk, chúng tôi đã lặng lẽ dấn sâu thêm một chút vào Anlung Pring và chui vào các bụi rậm nằm im chờ sếu ra ăn sáng. Bone Ouk cho biết sếu có đáp xuống khoảnh đất trước mặt hay không còn phải nhờ…hên xui, có khi chúng đáp nhưng cũng có khi lại đáp xuống cách chúng tôi cả cây số thì phải chịu.
Sương đêm khá lạnh, chúng tôi người ngồi người nằm dài trên đất, ai cũng mặc quần áo, đội nón màu lính, có anh bẻ nhánh cây ngụy trang trên nón như …du kích quân. Trời dần mờ sáng, sương còn che phủ, tiếng sếu kêu đã trở thành quen thuộc với chúng tôi bỗng vang lên khiến mọi người ngóc đầu nhìn.
Một đàn 4 con sếu đầu đỏ từ xa bay đến, đáp nhẹ nhàng xuống lùm cây thưa cách chúng tôi khoảng 400 mét làm mọi người như nín thở. Tiếc là sương sớm làm hình ảnh những chú sếu trở nên mờ ảo. Những cành cây thưa trước những chú sếu làm các máy ảnh không lấy được nét ngay, khiến chúng tôi bồn chồn tiếc rẻ. Khi mặt trời lên, bị ngược nắng và các chú sếu vỗ cánh bay đi nhập với đàn khác cách đó cả cây số làm mọi người đành thu dọn máy móc lặng lẽ trở ra.
Hẹn thêm một lần khác, hy vọng sẽ gặp nhiều sếu hơn, gần hơn để biết đâu có duyên được những tấm hình đẹp hơn mà mọi người vẫn ao ước một lần chụp được trong đời.
Đỗ Thị Huỳnh Hoa