Có thể không phong phú như hệ thống 7-Eleven Thái Lan mà nhiều người kỳ vọng, nhưng sự xuất hiện của 7-Eleven tại Việt Nam với hàng chục món ăn chế biến sẵn, từ gỏi cuốn, cơm cuộn, cơm chiên, mỳ Ý đến hột vịt lộn hay bắp xào… lúc nào cũng đầy ắp trong ngăn tủ mát là một dấu hiệu cho thấy thị trường thực phẩn nấu sẵn ở Việt Nam đang đến hồi nhộp nhịp.
Đứng sau những món ăn nấu sẵn trong hệ thống này là Sài Gòn Food. Theo cách gọi của công ty thì đây dòng sản phẩm "Bữa Ăn Tươi". Không lâu trước hợp tác với nhà bán lẻ, công ty đã đầu tư thêm nhà xưởng với diện tích 10.000m2, kho lạnh 3.000 tấn, để sản xuất 100.000 suất ăn tươi mỗi ngày.
Khách hàng lựa chọn các món ăn chế biến sẵn trong cửa hàng của 7-Eleven Việt Nam. Ảnh: Viễn Thông |
“Hơn 10 năm trước, chúng tôi đã ấp ủ nghiên cứu ‘Bữa Ăn Tươi’ nhưng điều kiện về dây chuyền sản xuất, hệ thống phân phối và thăm dò thị trường lúc ấy chưa cho phép thực hiện. Cho đến khi 7-Eleven gợi ý hợp tác, cũng là thời điểm Sài Gòn Food chuẩn bị xây dựng nhà máy mới. Tư tưởng lớn gặp nhau, chúng tôi cùng nhau phát triển dự án” – Bà Lê Thị Thanh Lâm, Phó tổng giám đốc Công ty từng chia sẻ.
Thị trường Ready Meal không chỉ có thực phẩm chế biến sẵn quy mô công nghiệp và bảo quản ngắn ngày, công ty của bà Lâm còn có các món cháo tươi đóng gói, hạn dùng đến 6 tháng trong điều kiện thường. Trước đó, từ tháng 8/2014, CJ Cầu Tre đã "tả xung hữu đột" vào thị trường này với các bát bún bò Huế, mỳ spaghetti xốt bò nấu sẵn, với hạn dùng đến 12 tháng khi đặt trong ngăn đá tủ lạnh.
“Món bún bò bán rất chạy. Ngay như con cháu ở nhà tôi cũng thích và rất hay mua ăn cho tiện”, một công nhân trong nhà máy của Cầu Tre từng chia sẻ với phóng viên VnExpress. Với giá chưa đầy 30.000 đồng, bát bún bò của công ty này đang là đối thủ nặng ký với dòng sản phẩm mỳ, phở ăn liền có thịt thật của Massan hay Vifon, khi giá mỗi sản phẩm cũng đã trên dưới 15.000 đồng.
Nhưng bát bún bò của CJ Cầu Tre hay cháo tươi của Sài Gòn Food có thể sẽ không còn "thênh thang" khai thác thị trường. Một cái tên khá mới là Minh Hưng Group vừa công bố dự án xây dựng nhà máy chế biến thực phẩm công nghệ cao quy mô 15 hécta tại Long An.
Ông Lâm Đạo Hưng – Chủ tịch Hội đồng quản trị Minh Hưng Group cho hay, nhà máy sẽ dùng công nghệ xử lý áp suất cao (High Pressure Processing – HPP) để sản xuất các loại thực phẩm như phở, bún bò hay nước mía, nước thanh long, dưa hấu…
Dự án là hợp tác của Minh Hưng Group cùng Tập đoàn MHEviron (Canada) và Avure Technologies. Trong đó, Avure Technologies sẽ cung cấp công nghệ và thiết bị, MHEviron sẽ cung cấp vốn, kinh nghiệm hoạt động và chuyên môn thương mại hóa. Giai đoạn một với quy mô đầu tư 500 tỷ đồng dự kiến sẽ được khởi công vào tháng 9 tới và vận hành vào năm sau.
“Chúng tôi muốn dùng công nghệ HPP để làm những món ăn truyền thống của Việt Nam như phở hay bún bò Huế. Mục tiêu hợp tác của chúng tôi là mang đến những bát phở tươi, chế biến sẵn, ăn liền. Đây là một lĩnh vực khá mới trong ngành thực phẩm và chúng tôi hy vọng mình là một người tiên phong”, ông Hưng tuyên bố và nhấn mạnh tham vọng của hợp tác này là biến Việt Nam thành "bếp ăn của thế giới" với các sản phẩm đồ ăn liền và thức uống.
Một số khách mời nếm thử nước trái cây sản xuất bằng công nghệ HPP. Ảnh: Viễn Thông |
Ngoài phở, bún bò, nhà máy còn dùng mía, thanh long, dưa hấu và chanh dây để làm nước uống. Con "át chủ bài" trong cuộc đua này của Minh Hưng Group là công nghệ HPP. Nếu như bún bò của CJ Cầu Tre được nấu rồi cấp đông nhanh và sâu từ -35 độ C đến -40 độ C, đòi hỏi người dùng phải bảo quản ngắn đá và hâm nóng bằng lò vi sóng trong 3 – 5 phút thì sản phẩm của ông Hưng sẽ tiện để bảo quản hơn.
“Sản phẩm không cần cấp đông và dùng nhiệt độ cao. Với công nghệ này thì người dùng chỉ cần bảo quản nó ở 4 độ, giúp sản phẩm ở trạng thái tươi hoàn toàn. Tất cả gia đình đều có tủ lạnh, chúng ta có thể bỏ vào ngăn mát và bảo quản đến 6 tháng”
Vấn đề còn lại là giá, với chi phí đầu tư cao, dao động từ 1,2 đến 5 triệu USD mỗi dây chuyền, bát bún bò của Minh Hưng Group có thể sẽ đắt hơn của CJ Cầu Tre.
“Tôi nghĩ người tiêu dùng sẽ sẵn sàng trả giá cao cho thực phẩm ngon, an toàn và tiện lợi. Lúc nào cũng sẽ có một nhóm khách hàng đón nhận. Tương tự như Starbuck, hệ thống này có những món rất đắt nhưng khách hàng ở Việt Nam vẫn vào uống đấy thôi”, ông Tom Woodward – Phó giám đốc Kinh doanh Avure Technologies bình luận.
Thị trường thực phẩm chế biến nói riêng và thực phẩm nói chung vẫn là một địa hạt rất béo bở. Khi bình luận về thương vụ đầu tư 32,5 triệu USD vào Công ty cổ phần Ba Huân, Vietnam Opportunity Fund - quỹ đầu tư lớn nhất của VinaCapital không giấu những kỳ vọng vào ngành hàng này.
“Thương vụ này phù hợp với chiến lược chúng tôi đang triển khai là đầu tư cổ phần tư nhân vào những doanh nghiệp hưởng lợi từ nền tăng trưởng kinh tế nội địa, mà cụ thể là nhóm ngành thực phẩm và nước giải khát”, người đứng đầu VOF nói.
Viễn Thông