CEO VPBank: Lợi nhuận 5 năm tới không chỉ trông vào FE Credit

Động lực tăng trưởng cho giai đoạn tới là vấn đề được các cổ đông Ngân hàng Việt Nam Thịnh Vượng (VPBank) quan tâm nhất tại cuộc họp thường niên ngày 19/3, đặc biệt sau một năm thành công với lợi nhuận hơn 8.000 tỷ đồng và kết thúc cho giai đoạn 5 năm đầu tiên của ban điều hành.

Trước các cổ đông, đại diện VPBank thừa nhận "con gà đẻ trứng vàng" FE Credit là điểm nhấn trong giai đoạn này. "Tuy nhiên, câu chuyện cho 5 năm tiếp theo không chỉ dừng ở đó", ông Nguyễn Đức Vinh, Tổng giám đốc VPBank mở đầu phần trả lời về kế hoạch tương lai.

Ông Nguyễn Đức Vinh, Tổng giám đốc VPBank trong phiên họp thường niên chiều 19/3. Ảnh: Minh Sơn

Ông Nguyễn Đức Vinh, Tổng giám đốc VPBank trong phiên họp thường niên chiều 19/3. Ảnh: Minh Sơn

Công ty này sau khi đi vào hoạt động đã trở thành động lực tăng trưởng cho ngân hàng khi đóng góp khoảng 20% tổng dư nợ, đem về tới 50% thu nhập lãi thuần. Tuy nhiên, vị này cũng khẳng định, dù FE Credit vẫn là một động lực tăng trưởng nhưng VPBank không thể tiếp tục trông đợi vào duy nhất nó trong kế hoạch 5 năm tới, khi mà tốc độ tăng trưởng bình quân dự báo sẽ chỉ còn 30%.

Thay vào đó, theo ông Vinh, mảng hoạt động ngân hàng số (digital banking), các sản phẩm hướng vào nhóm khách hàng trên đại chúng (retail banking), thẻ tín dụng... sẽ là những trọng tâm mới.

Mảng hoạt động ngân hàng số dự kiến sẽ mở rộng cho VPBank từ 300.000 đến 350.000 khách hàng mỗi năm. Đây cũng là mảng giúp tăng lượng khách hàng tiềm năng cho các dịch vụ khác. Riêng với thẻ, ông Vinh cho biết số lượng thẻ tín dụng của VPBank hiện chiếm khoảng 10% toàn thị trường. Dù không phải con số quá lớn, nhà băng này hiện đã đứng thứ 3 về quy mô chi tiêu qua thẻ tín dụng. 

Đặt mục tiêu xây dựng những động lực tăng trưởng nguồn thu mới, song hành cùng mảng hoạt động tín dụng tiêu dùng đã khá thành công, Tổng giám đốc VPBank kỳ vọng sẽ đạt lợi nhuận khoảng 30.000 tỷ đồng sau 5 năm nữa với quy mô tổng tài sản từ 600.000 đến 700.000 tỷ đồng.

Về kế hoạch cụ thể trong năm 2018, nhà băng này đặt mục tiêu lợi nhuận tăng gần 33% so với 2017, lên mức 10.800 tỷ đồng. Tổng tài sản đến cuối năm dự kiến cũng tăng hơn 29% lên gần 360.000 tỷ đồng. Ông Vinh cũng tiết lộ con số dự phòng rủi ro trích lập năm nay có thể đạt tới 10.000 tỷ đồng.

Đối với câu chuyện bán vốn cho nhà đầu tư nước ngoài, Chủ tịch VPBank, ông Ngô Chí Dũng cho rằng việc lựa chọn phương án phát hành riêng lẻ ngay trong năm 2018 là do thị trường chứng khoán đang tốt và đây là cơ hội để ngân hàng này có thể tiếp tục huy động vốn ngoại, sau đợt phát hành thành công giữa năm 2017.

Chủ tịch VPBank cũng tiết lộ, việc phát hành tăng vốn nhằm chuẩn bị sẵn nguồn lực cho những kế hoạch lớn hơn, có thể là hoạt động mua bán - sáp nhập (M&A) và một số kế hoạch khác. Dự kiến trong năm 2018, VPBank sẽ chào bán riêng lẻ tối đa 15% vốn cho đối tác ngoại với mức giá dự kiến, được Chủ tịch ngân hàng khẳng định là "cao hơn rất nhiều" so với thị giá hiện tại.

Ngoài ra, trong năm nay, nhiều kế hoạch tăng vốn cũng được các cổ đông ngân hàng này thông qua. Trong đó đáng chú ý là kế hoạch chia cổ phiếu thưởng và trả cổ tức bằng cổ phiếu cho các cổ đông.

Dự kiến dùng toàn bộ phần lợi nhuận chưa phân phối và thặng dư vốn cổ phần năm 2017, VPBank đã đề xuất và được thông qua kế hoạch trả cổ tức bằng cổ phiếu với tỷ lệ 31,25% và cổ phiếu thưởng tỷ lệ 20,35%. Nhà băng này cũng dự kiến mua lại cổ phần ưu đãi cổ tức làm cổ phiếu quỹ và chia cho các cổ đông. Lũy kế tất cả các phương án, mỗi cổ đông nhà băng này có thể nhận khoản cổ tức và cổ phiếu thưởng gần 67%.

Trong năm 2018, Chủ tịch Ngô Chí Dũng cho biết, VPBank sẽ tiếp tục duy trì mức cổ tức và cổ phiếu thưởng trên 60% với kế hoạch kinh doanh đã được thông qua.

Minh Sơn

Let's block ads! (Why?)