'Vua tôm' lãi đột biến khi vừa trở lại sàn chứng khoán

Công ty cổ phần Tập đoàn Thuỷ sản Minh Phú (mã CK: MPC) vừa công bố báo cáo tài chính quý cuối năm 2017 với hàng loạt chỉ tiêu tăng trưởng đột biến. Công ty ghi nhận 6.024 tỷ đồng doanh thu thuần bán hàng và cung cấp dịch vụ, tăng hơn 2.170 tỷ đồng so với cùng kỳ năm trước. Dù chi phí bán hàng và quản lý doanh nghiệp tăng mạnh, cộng thêm lần đầu hợp nhất khoản lỗ trong công ty liên doanh – liên kết nhưng lợi nhuận ròng của “Vua tôm” vẫn cao gấp 13 lần cùng kỳ, tương đương 284 tỷ đồng.

Luỹ kế doanh thu thuần và lợi nhuận sau thuế cả năm của Minh Phú lần lượt đạt 16.852 tỷ đồng và 714 tỷ đồng, tương ứng mức tăng hơn 40% và 770% so với năm trước. Từng một thời tuyên bố “muốn lợi nhuận bao nhiêu là quyền của Minh Phú”, nhưng sau vài năm kinh doanh chật vật thì khoản lãi đột biến này vẫn chưa đủ giúp doanh nghiệp đầu ngành thuỷ sản hoàn thành mục tiêu 840 tỷ đồng lợi nhuận đề ra từ đầu năm.

Kết quả này có thể xem một trong là những tín hiệu dự báo tương lai tươi sáng của Minh Phú khi doanh nghiệp này vừa đưa cổ phiếu trở lại sàn chứng khoán chưa đầy bốn tháng. Điều này được chứng minh bằng mạch tăng liên tiếp trong ba phiên giao dịch gần nhất, trong đó có một phiên tăng trần trước lên mức 81.600 đồng trước khi thị trường đóng cửa nghỉ Tết âm lịch. Công ty cũng đang cho thấy quyết tâm thực hiện lời hứa với nhà đầu tư về việc tìm đối tác chiến lược và tái cơ cấu tập đoàn khi thành lập thêm công ty con đảm nhiệm việc chuyên nghiệp hoá hoạt động bán hàng nội địa và xuất khẩu.

Lãi cao gấp 9 lần năm trước vẫn chưa đủ giúp Minh Phú hoàn thành mục tiêu 840 tỷ đồng lợi nhuận.

Lãi cao gấp 9 lần năm trước vẫn chưa đủ giúp Minh Phú hoàn thành mục tiêu 840 tỷ đồng lợi nhuận.

Quay trở lại câu chuyện Minh Phú trước thời điểm huỷ niêm yết tự nguyện cách đây hai năm, doanh nghiệp này từng là trụ cột trong lĩnh vực xuất khẩu thuỷ sản của Việt Nam với kim ngạch vượt trên 100 triệu USD. Tuy nhiên, khi hoạt động đang ở thời kỳ đỉnh cao cũng là lúc những dấu hiệu phát triẻn “chệch đường ray” bắt đầu xuất hiện mà nguyên nhân chính xuất phát từ bất ổn thị trường.

Theo ban lãnh đạo công ty, hoạt động xuất khẩu của Minh Phú thời điểm đó gặp rất nhiều khó khăn. Các nước Ấn Độ, Indonesia phá giá đồng tiền, khiến giá sản phẩm tôm từ các nước này trong năm 2015 chỉ bằng 50% so với các năm trước. Ngoài ra, chi phí nuôi tôm trong nước cao khiến giá tôm Việt Nam cao hơn các nước khác 20%. Với tình hình giá tôm ngày càng giảm, một số khách hàng đã ký hợp đồng trì hoãn nhận hàng hoặc hủy hợp đồng.

Với vị thế là doanh nghiệp lớn trên thị trường xuất khẩu, nếu Minh Phú bất chấp thị trường chạy theo cuộc đua về giá, giải phóng lượng hàng tồn kho, có thể năm 2015 Minh Phú sẽ cứu vãn được tình hình kinh doanh, nhưng ảnh hưởng những năm sau đó sẽ vô cùng nặng nề. Giá tôm của Minh Phú vốn không thể cạnh tranh với các nước khác do chi phí cao và tỷ giá. Nếu đẩy thị trường quốc tế vào cuộc chiến về giá, những năm sau đó chắc chắn Minh Phú sẽ không thể trụ được, chưa kể chuỗi giá trị con tôm của công ty sẽ đứng trước nguy cơ đổ vỡ.

Trong tình cảnh khó khăn về hoạt động kinh doanh, cơ cấu tài chính của Minh Phú cũng bộc lộ những điểm yếu nhất định. Năm 2014 ở thời kỳ đỉnh cao khi tổng tài sản của công ty đạt gần 9.300 tỷ đồng, thì đến hơn 7.000 tỷ đồng được tài trợ bằng nợ phải trả. Việc sử dụng đòn bẩy tài chính, tương tự như nhiều doanh nghiệp thủy sản lớn khi đó có thể khuếch đại các chỉ số sinh lời nhưng khi gặp khủng hoảng, đây lại trở thành con dao 2 lưỡi với doanh nghiệp. Quyết định huỷ niêm yết thời điểm đó tuy đột ngột, nhưng giới phân tích cho rằng phần nào giúp Minh Phú tránh được tác động tiêu cực từ phản ứng của nhà đầu tư trên thị trường chứng khoán.

Phương Đông

Let's block ads! (Why?)