iFactory là một “startup” tại Khu công nghệ phần mềm Đại học Quốc gia TP HCM (ITP). Công ty này chuyên về các giải pháp phần mềm, giúp doanh nghiệp quản lý và nâng cao hiệu suất. Gần đây, công ty nhận được hợp đồng xây dựng quy trình chuyển đổi số của vài đơn vị tại Việt Nam, hiện là nhà cung cấp cho Nike và Adidas.
Tiến sĩ Nguyễn Anh Thi – Giám đốc ITP nói rằng, nhờ yêu cầu của hai hãng giày mà các nhà cung cấp Việt và iFactory có cú bắt tay. Khi Nike và Adidas muốn hoàn thiện quy trình quản lý kỹ thuật số thì họ cũng yêu cầu đối tác cũng triển khai để quy trình được thông suốt, đồng bộ.
Dù miễn cưỡng hay tự nguyên thì có một sự thật là ngày càng nhiều doanh nghiệp tại Việt Nam tính đến chuyện “chuyển đổi số”.
Nếu hai năm trước “startup” bỗng chốc bùng nổ khi nhà nhà, người người kéo nhau khởi nghiệp thì năm ngoái, “Cách mạng công nghiệp lần thứ tư” hay gọi tắt là “Cách mạng 4.0” trở thành từ khóa “hot”. Hầu hết các diễn đàn, hội thảo lớn nhỏ đều ít nhiều nhắc đến 4.0 như một chủ đề không thể bỏ qua.
"Chuyển đổi số" được dự báo là từ khóa được nhắc nhiều trong năm 2018. |
“Từ ‘chuyển đổi số’ (Digital Transformation) có lẽ là từ khóa của năm 2018”, ông Thi đưa ra dự đoán.
Vậy chuyển đổi số là gì? Giải thích một cách đơn giản, vị chuyên gia cho biết, bất kỳ doanh nghiệp nào cũng có chuỗi giá trị. Chuỗi giá trị truyền thống là chuỗi tuyến tính. Bắt đầu từ phát triển sản phẩm, lập kế hoạch sản xuất, sau đó là mua sắm, sản xuất, phân phối rồi đến dịch vụ khách hàng.
Với phát triển của công nghệ cảm biến, in 3D, phân tích dữ liệu…,từng khâu được số hóa. Do đó, dữ liệu số trở thành tài sản trung tâm. Chuỗi giá trị từ tuyến tính được chuyển sang dạng mạng lưới, với trung tâm là dữ liệu số và phân tích dữ liệu để ra quyết định.
“Khi dùng chuyển đổi số tức là chuỗi giá trị doanh nghiệp bị biến đổi đi nhưng sự biến đổi đó diễn ra từ từ trong bối cảnh Việt Nam”, ông Thi nhận xét.
Thực tế, có một logic dễ hiểu để ‘chuyển đổi số’ có triển vọng thành từ khóa ‘hot’ năm nay trong giới kinh doanh bởi nó là bước đầu để doanh nghiệp tiếp cận cuộc “Cách mạng kỹ thuật số”, hay rộng hơn là “Cách mạng 4.0”. Khi các khái niệm này đã được bàn bạc nhiều về lý thuyết trong năm qua thì 2018 là lúc doanh nghiệp nào thực sự muốn tham gia “cách mạng” bắt tay vào làm, bằng bước khởi động “chuyển đổi số”.
Theo các chuyên gia tại Diễn đàn CEO trẻ và công nghệ diễn ra gần đây ở TP HCM, việc chuyển đổi số thực tế còn góp phần giúp doanh nghiệp nội địa khắc phục 3 điểm yếu xoay quanh 3 chữ I. Đó là Insight (thông tin thị trường, hành vi, xu hướng người tiêu dùng); Innovation (đổi mới sáng tạo) và Implementation (khả năng và hiệu quả thực thi).
Trên thế giới, không ít những ông lớn đã có chiến lược kỹ thuật số với nhiều giải pháp nhằm tồn tại trong bối cảnh cạnh tranh. Ví dụ Walmart kết hợp cùng IBM triển khai công nghệ blockchain theo dõi thịt lợn Trung Quốc để lấy niềm tin của khách hàng.
Ứng dụng thực tế ảo tăng cường của Ikea. |
Hay như Ikea phát triển sản phẩm thực tế tăng cường, cho phép người dùng ghép sản phẩm ảo 3D vào không gian thật tại nhà. Từ đó, khách hàng có thể đánh giá xem sản phẩm có phù hợp với căn phòng hay không và ra quyết định mua hàng qua ứng dụng.
“Chuyển đổi số” là cần thiết nhưng sẽ cấp thiết với mức độ khác nhau bởi ‘Cuộc cách mạng kỹ thuật số’ ảnh hưởng không đồng đều lên các ngành. Theo nhóm chuyên gia Nguyễn Quốc Toàn – Vũ Quốc Hiển của EY Việt Nam, các ngành bị ảnh hưởng nặng nề nhất trong ‘Cuộc cách mạng kỹ thuật số’ sẽ phải thay đổi chuỗi giá trị hiện tại và phát triển các sản phẩm mới, nếu không sẽ bị đào thải. Đó chính là các ngành truyền thông, viễn thông, tài chính, du lịch, vận chuyển, và bán lẻ.
“Trong xu hướng ‘mọi thứ, mọi lúc, mọi nơi’ của 2,6 tỷ người dùng điện thoại thông minh, doanh nghiệp nào lựa chọn chiến đấu bằng những phương pháp truyền thống sẽ bỏ lỡ nhiều cơ hội tăng trưởng, từ đó sẽ dần héo mòn và bị lãng quên. Công ty nào phát huy được thế mạnh của công nghệ số, dữ liệu và phân tích sẽ có được sự hiểu biết sâu sắc và trở thành người chiến thắng trên thị trường”, nhóm chuyên gia bình luận.
Viễn Thông