Lý do kỳ vọng địa ốc Sài Gòn tăng nóng năm Mậu Tuất

Tổng giám đốc DKRA, Phạm Lâm đưa ra dự báo về tương lai tươi sáng của thị trường bất động sản trong 12 tháng tới, dựa trên 4 cơ sở tác động trực tiếp đến ngành này.

Hạ tầng liên tục được đầu tư khủng

Trong suốt năm 2017, dấu ấn của các dự án hạ tầng trong đà phát triển bất động sản TP HCM rất lớn và xu hướng này vẫn sẽ tiếp diễn trong năm 2018 vì thành phố có tham vọng vươn mình thành một siêu đô thị tầm cỡ. Có hàng chục câu cầy lớn nhỏ và tuyến lưu thông mới được lên kế hoạch xây dựng khắp các cửa ngõ cũng như trục đô thị chính của thành phố (khu Đông, Nam và cả phía Tây). Kinh phí để phát triển hạ tầng riêng trong năm 2017 ước tính vượt trên chục nghìn tỷ đồng và điểm rơi hoàn thiện hạ tầng nhiều khả năng kéo sang năm 2018-2019.

Hạ tầng là bệ phóng thúc đẩy sự tăng trưởng của địa ốc vì cầu đường lên thì cao ốc, nhà cửa, khu đô thị cũng chạy theo sau. Do đó, dựa trên biến số hạ tầng, hoàn toàn có thể kỳ vọng về một kịch bản sáng lạn của bất động sản trong 12 tháng tới.

Bất động sản TP HCM được dự báo có thể kéo dài chu kỳ tăng trưởng trong năm 2018. Ảnh: Lucas Nguyễn

Bất động sản TP HCM được dự báo có thể kéo dài chu kỳ tăng trưởng trong năm 2018. Ảnh: Lucas Nguyễn

Làn sóng dân nhập cư vẫn đổ về Sài Gòn

TP HCM nhiều thập niên qua đã trở thành một cực nam châm mạnh mẽ hút dòng người nhập cư từ khắp nơi đổ về đây học tập, du lịch, làm việc, sinh sống lập nghiệp và giao thương. Trong vài năm trở lại đây, sự gia tăng dân số cơ học tại đô thị này thậm chí còn nhanh hơn mọi dữ liệu thống kê. Mật độ dân số đông đòi hỏi phải phát triển lượng nhà ở cực lớn mới đáp ứng được nhu cầu an cư của mọi người. Đây là yếu tố quan trọng thúc đẩy thị trường bất động sản phát triển, dựa trên nhu cầu nhà ở tăng đều theo từng năm.

M&A với khối ngoại mạnh mẽ

Sự tham gia của nhà đầu tư nước ngoài (nhóm nhà đầu tư tổ chức) đến từ khu vực Đông Á (Nhật, Hàn, Singapore đã và đang góp phần tạo nên diện mạo mới cho thị trường bất động sản TP HCM. Các nhà phát triển bất động sản nước ngoài có ưu thế khá toàn diện nhưng còn khiếm khuyết ở kênh phân phối còn khối nội lại thường gặp vấn đề về việc thu xếp dòng vốn dài hạn, còn gặp một số hạn chế về minh bạch trong quản lý.

Trong năm 2017 nhiều đại gia bất động sản trong nước đã liên kết với quỹ đầu tư ngoại để huy động vốn rẻ, niêm yết để tiếp cận vốn từ thị trường chứng khoán dễ hơn. Xu hướng này có thể tiếp tục lan sang năm 2018. Khối nội có thể lôi kéo đối tác nước ngoài để phát triển dự án dựa trên thế mạnh quỹ đất dồi dào. Đây là tín hiệu tích cực giúp thị trường phát triển bền vững về lượng cũng như về chất.

Cú hích từ cơ chế đặc thù của TP HCM

Năm 2018 TP HCM bước vào giai đoạn thí điểm cơ chế đặc thù trong quản lý và phát triển đô thị linh hoạt hơn. Cơ chế đặc thù này cho phép thành phố huy động nguồn lực để phát triển hạ tầng một cách toàn diện. Cầu đường lên thì địa ốc cũng tăng trưởng mạnh mẽ. Số lượng dự án bất động sản và công trình nhà ở sẽ mọc lên nhanh chóng theo những trục hạ tầng mới. Hãy còn khá sớm để dự đoán cụ thể điều gì sẽ xảy ra khi cơ chế đặc thù được TP HCM áp dụng vào thực tiễn nhưng về mặt tinh thần, đây là cú hích mới hứa hẹn thúc đẩy sự tăng trưởng của bất động sản.

Vũ Lê

Let's block ads! (Why?)