Anh Thành là hướng dẫn viên tiếng Trung có 17 năm kinh nghiệm, chuyên tour Bắc Kinh - Hàng Châu - Thượng Hải. Vừa trở về sau 7 ngày đưa khách du xuân, anh Thành cho biết 17 năm làm nghề là chừng đó thời gian anh đón Tết xa nhà, với không ít kỷ niệm nhớ đời.
Tết không phải dịp nghỉ ngơi
Có lẽ ấn tượng nhất là chuyến đón giao thừa (31/12) ở Thượng Hải vừa qua. Đoàn khách anh Thành phụ trách có 17 người gồm các thành viên của hai đại gia đình, trong đó có 4 trẻ nhỏ. Bữa tối ngày cuối cùng của năm, đoàn ăn tại một nhà hàng đối diện khách sạn. Tuy nhiên, sau khi dùng bữa, 4 trẻ nhỏ trong đoàn bị đau bụng dữ dội khiến anh Thành tá hoả. Anh đành gọi nhân viên nhà hàng sang và hội ý với trưởng đoàn để đưa các cháu đi bệnh viện xét nghiệm, lúc này chính trưởng đoàn cũng bắt đầu đau bụng.
Bữa ăn tiêu chuẩn với các tour Trung Quốc là 8 món kèm một canh. Ảnh: NVCC. |
"Băn khoăn mãi việc cả đoàn cùng ăn mà chỉ vài người có biểu hiện ngộ độc thực phẩm, tôi sực nhớ lại lúc vào nhà hàng, một thành viên đã mang theo ruốc cá, khi ăn có người ngửi thấy mùi lạ nhưng vẫn dùng", anh Thành kể. Trao đổi với nhau, cuối cùng cả đoàn thống nhất nguồn cơn nên quyết định mua thuốc và men tiêu hoá, thay vì đi viện. Kế hoạch xem pháo hoa cũng vì thế bị huỷ bỏ.
Cả đêm giao thừa, anh Thành thấp thỏm trực điện thoại, phòng khi sự việc có diễn biến phức tạp hơn, rồi ngủ thiếp đi. 6h sáng, anh giật mình với tiếng chuông điện thoại, ở đầu dây bên kia khách thỏ thẻ nhờ anh gọi lễ tân thay ga giường vì con nhỏ bị "Tào Tháo đuổi" làm vấy bẩn.
Kết thúc cuộc này thì chuông lại reo, phòng khác gọi. "Tôi thở phào nhẹ nhõm vì không phải nhận một cuộc gọi đi cấp cứu nào, ai ngờ điện thoại lại reo. Nhấc máy thì khách khác nhờ gọi nhân viên khách sạn thông bồn cầu vì hoạt động cả đêm, tắc giấy", anh Thành nhớ lại.
Sau đó cả đoàn gặp mặt, hỏi han tình hình để bàn về kế hoạch đi tiếp Disneyland hay không và may mắn tất cả thống nhất lên đường.
Đến dịp Tết Nguyên đán mới đây, anh Thành lại rơi vào tình huống khó xử khi nhận đi tour thay hướng dẫn viên khác. Hành trình ở Trung Quốc suôn sẻ nhưng đêm trước khi di chuyển từ Bắc Kinh đến Tô Châu, anh nhận ra vé tàu vẫn để tên hướng dẫn viên kia.
"Vé tàu đi chặng này phải đúng với tên trên hộ chiếu, bên công ty đối tác đã xuất vé nhầm. Khi tôi gọi thông báo, họ khá hốt hoảng vì thời gian gấp, lúc kiểm tra hệ thống để mua lại vé thì không còn chiếc nào của chặng này", anh Thành kể. Cuối cùng, họ đề xuất anh Thành vẫn đưa khách ra tàu, sau đó mua vé máy bay cho mình để đến Tô Châu.
Di chuyển từ Bắc Kinh đến Tô Châu không có hướng dẫn viên địa phương đi cùng, anh Thành càng không thể yên tâm khi đoàn phải xuống giữa chừng vì tàu chạy nhiều chặng. Anh quyết định "lách luật" bằng cách mua vé từ Bắc Kinh đến ga gần nhất để lên tàu với đúng hộ chiếu.
"Vé nhầm tên mình đã mua nên ghế trên tàu chắc chắn trống. Mình lên được tàu rồi sẽ ngồi ở ghế đó. Nhân viên ga tàu Trung Quốc chỉ đối chiếu vé và hộ chiếu khi lên, còn lúc trên tàu và khi xuống họ chỉ kiểm tra vé". Do đó anh Thành vừa không tiêu tốn phí phát sinh để đặt vé máy bay, vừa có thể đưa đoàn đi đến nơi về đến chốn. Nhờ kinh nghiệm đúc rút được sau nhiều năm làm nghề mà anh thường khá bình tĩnh để xử lý các sự cố phát sinh. Chính cách giải quyết này công ty đối tác phía Trung Quốc cũng không không ngờ đến.
Khách chen chân ở cửa Di Hòa Viên ngày Tết. Ảnh: NVCC. |
Đón Tết nơi đất khách
Anh Thành cho biết ngày Tết ở Trung Quốc, các nhà dân thường dán câu đối đỏ và việc đốt pháo rất phổ biến ở vùng nông thôn. Năm nay, riêng ở Bắc Kinh, nơi được phân chia thành 7 vành đai, người dân từ vành đai thứ 5 trở ra được phép đốt pháo. Trong khi trước đó luật quy định phạm vi từ vành đai 3 trở ra. Ở trung tâm thành phố, chính quyền sẽ bố trí các khu vực riêng để người dân mang pháo đến đốt.
Trong mâm cỗ đầu năm của người dân Trung Quốc không thể thiếu sủi cảo, món ăn được cho là đem lại may mắn. Đây cũng là món thường được bổ sung trong thực đơn năm mới cho các đoàn khách Việt. Người dân cũng có thói quen đi chùa, họ thường cầu nguyện và tung đồng xu qua các lỗ trống trong hoa văn trên lư hương trong chùa, nếu trúng thì sẽ được ứng nguyện.
Theo anh Thành, Tết ở Trung Quốc và Việt Nam có nhiều điểm tương đồng. Đường sá ở các thành phố lớn rất vắng vẻ trong khi điểm du lịch, chùa chiền thì đông đúc. Nhiều nơi bán vé với số lượng nhất định trong ngày để hạn chế tình trạng quá tải. Tuy nhiên, tình trạng tắc nghẽn vẫn diễn ra thường xuyên trên các tuyến đường dẫn vào.
"Ngày Tết tắc đường 2-3 tiếng trên cao tốc có khi là chuyện bình thường. Có đoàn khách còn kẹt 4-5 tiếng trên Vạn Lý Trường Thành, không thể xuống vì đường tắc. Đôi khi đoàn phải bỏ qua các điểm quá đông vì không thể chen chân, tránh lạc", anh Thành nhớ lại.
Để đảm bảo an toàn cho các đoàn khách, anh Thành thường dặn dò rất kỹ giờ giấc, điểm hẹn và cách xử lý khi bị lạc, bởi hầu hết khách đi tour này đều không biết tiếng Trung mà ở đây tiếng Anh không phổ biến. "Khi khách mất phương hướng vì tách đoàn, chúng tôi thường dặn họ đứng nguyên vị trí đó thay vì đi tiếp, hướng dẫn viên tìm sẽ dễ hơn". Dù vậy, có lần anh vẫn phải mất đến 3 tiếng chỉ để tìm một khách đi lạc ở Di Hòa Viên, Bắc Kinh, sau đó còn bị người này mắng "như tát nước vào mặt" vì tưởng đoàn bỏ rơi.