Đào chỉ còn chào giá 100.000-150.000 đồng/cây dày đặc nhánh hoa đã nở kèm nụ. Những gốc lớn và có thế đẹp giá giảm cực mạnh, từ bạc triệu xuống còn 300.000 đồng/chậu vẫn xếp hàng chờ khách mặc cả. Màu hoa đào hàm tiếu làm hồng rực một góc đường Lê Lai, quận 1, đoạn đối diện khách sạn New World. Người bán và đội ngũ xe thồ còn đông hơn cả khách mua.
Đào đại hạ giá từ bạc triệu xuống còn 100.000-300.000 đồng/gốc nhưng khách vẫn mặc cả thêm. Ảnh: Hà Thanh |
Ở một góc đường khác của công viên chuyên tổ chức chợ hoa hàng năm này, hướng dương, thược dược, cúc, mào gà… cũng khát nắng vì sát giờ dọn về vẫn không có khách chọn mua.
Cúc 30.000 đồng/cặp, vạn thọ 25.000 đồng hai chậu, hướng dương cỡ đại 40.000 đồng hai cây, hoa trổ hoa to bằng cái đĩa. Cát tường xếp hàng dài với giá bán lẻ ngang bằng giá bán sỉ, 15.000 đồng một chậu vẫn thưa khách hỏi. Vào thời điểm này, người buôn hoa chỉ chờ đợi người mua đề nghị một mức giá để thuận tình bán đổ bán tháo.
Người bán hoa đang phải liên tục dời hàng trăm chậu cúc, vạn thọ ế ẩm khi thời gian càng tiến gần đến 12h trưa ngày 30 Tết vì đội vệ sinh phải dọn dẹp, làm sạch công viên này để trả lại mặt bằng thông thoáng cho người dân thành phố đón xuân. Ảnh: Hà Thanh |
Chỉ còn vài phút trước giờ chợ hoa 23 Tháng 9 đóng cửa, xe rác và đội vệ sinh đã dọn cuốn chiếu nhiều khu, chị Mận thẫn thờ bên hàng trăm chậu cúc nở bung dát vàng một góc đường. Đội vệ sinh dọn đến đâu, chị và người nhà lại bê hoa chạy dời đi nơi khác, tiếp tục đại hạ giá, mời khách mua ủng hộ.
Giống cúc gia đình chị Mận bán được chuyển lên Sài Gòn từ làng hoa Sa Đéc, năm nay gặp thời tiết trái mùa nên độ mượt và đẹp 10 phần chỉ giữ được 7 phần. Đã thế, suốt những ngày đầu chợ hoa này ra mắt, chị gần như chẳng bán được gì.
“Chợ hoa năm nay ế ẩm quá, 3-4 ngày đầu tôi chỉ ngồi không, sốt ruột vô cùng. Từ 28 Tết mới bắt đầu bán được lai rai chút đỉnh. Cúc giờ này còn hàng trăm chậu nên thua lỗ nặng. Đành ăn Tết nghèo, hy vọng ở mùa sau”, chị Mận nửa tâm sự với khách, nửa như an ủi chính mình.
Lượng hàng còn tồn ở chợ hoa Công viên 23 Tháng 9 sẽ buộc phải dọn dẹp để làm vệ sinh cho thành phố đón năm mới. Sau 12h trưa ngày 30 Tết, người buôn hoa đến lúc phải chọn lựa bỏ lại hoa ra về để xe rác mang đi hay tiếp tục gom ra một góc đường khác bán đổ bán tháo đến xế chiều ngày 30 tháng Chạp.
Hoa còn ê hề trưa ngày 30 Tết tại góc đường Đỗ Xuân Hợp, quận 9, TP HCM. Ảnh: Hà Thanh |
Người buôn mai và những loại cây bon sai thường cắt tỉa lại cành cho gọn rồi chất lên xe tải chở về, hẹn mùa sau dưỡng cây đẹp hơn, gỡ gạc lại. Thế nhưng, người buôn hoa tươi và đào không bán kịp thì gần như phải bán đổ, bán tháo, thậm chí bỏ hoa về tay không. Vì nếu mang hoa về, lại phải mất thêm chi phí chuyên chở và cận ngày 30 Tết chắc chắn cũng chẳng còn bán thêm được cho ai.
Tình trạng hoa ế ẩm cũng diễn ra dọc theo các tuyến đường ven Sài Gòn. Đơn cử trên tuyến đường Đỗ Xuân Hợp, quận 9, nằm ở phía Đông TP HCM, hàng trăm chậu vạn thọ, cúc và mào gà xác xơ trong nắng trưa 30 Tết. Tuy nhiên, vì đây là những điểm bán hoa lẻ tự phát, không phải chợ tập trung như ở Công viên 23 Tháng 9 nên thời gian để mọi người bán tháo vẫn còn kéo dài đến tận xế chiều.
Tình trạng hoa Tết ế ẩm năm nay cũng diễn ra tại chợ hoa lớn của Sài Gòn. Chủ một vựa hoa tại chợ Hồ Thị Kỷ có thâm niên chục năm trong nghề tiết lộ: “Thật khó lý giải được nhu cầu mua hoa của người Sài Gòn dịp Tết Mậu Tuất này. Hoa đắt tiền thì ế chỏng chơ trong khi hoa rẻ tiền cũng chỉ được khách mua nhỏ giọt. 70% các vựa hoa đang phải chịu cảnh ế hàng mùa Tết này”.
Hà Thanh