Đến cuối 2017, doanh thu bình quân hàng năm trên diện tích đất nông nghiệp ở Lâm Đồng là 158 triệu đồng mỗi hécta. Trong đó, doanh thu mỗi héc ta rau ứng dụng công nghệ cao đạt 400 - 500 triệu đồng; hoa đạt 800 triệu đến 1,2 tỷ đồng; chè chất lượng cao đạt 250 triệu đồng.
Tiến sĩ Phạm S - Phó chỉ tịch UBND tỉnh Lâm Đồng cho hay, tổng diện tích sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao của địa phương này đạt gần 51.800 hécta, chiếm 20% tổng diện tích đất canh tác. Toàn tỉnh có 68 chuỗi nông sản an toàn, 20 sản phẩm nông nghiệp được công nhận nhãn hiệu chứng nhận.
Thu hoạch hoa cúc chất lượng cao Đà Lạt. Ảnh: Báo Lâm Đồng |
“Các kỹ thuật canh tác mới đang từng bước được áp dụng như canh tác không dùng đất trong sản xuất rau, củ, giống. Cùng với đó là công nghệ cảm biến điều khiển nhiệt độ, độ ẩm, CO2, cường độ ánh sáng, điều khiển từ xa thông qua internet (IOT). Các công nghệ nhà kính, nhà lưới, quản lý môi trường, tưới nước tiết kiệm, công nghệ sinh học, công nghệ thông tin cũng ngày càng ứng dụng quy mô lớn…”, ông Phạm S điểm qua về tình hình ứng dụng công nghệ trong nông nghiệp Lâm Đồng.
Theo vị lãnh đạo này, sự phát triển nông nghiệp tỉnh nhà một phần nhờ vào việc tích cực phối hợp với Cơ quan hợp tác quốc tế Nhật Bản (JICA), Viện Hàn lâm khoa học xã hội Việt Nam để xây dựng dự phát triển triển nông nghiệp đa ngành và cải thiện môi trường đầu tư với 8 bước chiến lược.
Trọng tâm trong 8 bước chiến lược này bao gồm các hoạt động như xây dựng một khu công – nông nghiệp, một trung tâm sau thu hoạch, một trung tâm giao dịch hoa… cùng với việc xây dựng thương hiệu, đào tạo nhân lực, R&D và phát triển du lịch canh nông.
Nhiều dự án cụ thể cũng đang được sự quan tâm của các doanh nghiệp và tổ chức Nhật Bản. Đơn cử như dự án sàn giao dịch hoa được hai công ty là OTA và Himeji ngở lời quan tâm. Trong khi đó, việc đào tạo nông dân dự kiến sẽ được Tổ chức Hợp tác giao lưu Hokkaido Hopeland Việt Nam đảm trách.
Tại Nghệ An, ông Đinh Viết Hồng – Phó chủ tịch UBND tỉnh cho hay đã cùng JICA triển khai dự án hợp tác kỹ thuật quy hoạch phát triển nông nghiệp tỉnh trong 3 năm, từ 2016 đến 2019. Hai năm qua, đã hoàn thành cơ sở dữ liệu sản xuất, công ty chế biến, nhà bán lẻ để xây dựng chuỗi giá trị thực phẩm.
Ông Sakuma Hiroyuki - Cố vấn phát triển nông nghiệp tỉnh Nghệ An của JICA cho hay, chương trình hợp tác đã triển khai được 41 dự án sản xuất nông nghiệp theo hợp đồng. Ngoài 13 dự án đã hủy do không thành công thì những dự án còn lại khá tiềm năng, xoay quanh các sản phẩm như gừng, gà, bưởi, matcha, rau an toàn…
Dự án trồng và sản xuất gừng sang Nhật Bản tại huyện Kỳ Sơn, Nghệ An. |
Trong đó, gừng Kỳ Sơn đã có được hợp đồng để xuất sang Nhật để cạnh tranh với gừng Trung Quốc tại thị trường này. Gà Thanh Chương và bưởi Thái Hòa cũng vào được siêu thị, nhà hàng và được bao tiêu mua sỉ.
Tuy nhiên, việc học tập kinh nghiệm của người Nhật là chưa đủ. Theo các chuyên gia, hai tỉnh này cần thu hút đầu tư FDI từ Nhật Bản vào lĩnh vực nông nghiệp nhiều hơn.
“Quan hệ hợp tác lĩnh vực nông nghiệp hai nước đang phát triển tốt đẹp. Năm 2015, chúng ta đã có ký kết hợp tác phát triển chuỗi giá trị nông nghiệp thí điểm tại Nghệ An và Lâm Đồng. Trong quá trình xây dựng chuỗi, cùng với sự hỗ trợ của chính phủ thì tôi cho rằng sự đầu tư của khối tư nhân rất quan trọng”, ông Hayashi Motoo – Chánh văn phòng Liên minh Nghị sĩ hữu nghị Nhật Việt, Nguyên Bộ trưởng Kinh tế, Thương mại và Công nghiệp Nhật Bản nhận xét.
Hiện nay, dù rất quan tâm đến đầu tư nông nghiệp tại Việt Nam nhưng số lượng các doanh nghiệp Nhật đã rót tiền chưa nhiều. Tính đến 2016 có khoảng 34 doanh nghiệp đã đầu tư với tổng vốn 230 triệu USD. Riêng tại Lâm Đồng, vốn là địa phương có điều kiện lý tưởng để thu hút đầu tư thì đến nay cũng chỉ mới có 6 dự án nông nghiệp của Nhật với tổng vốn đăng ký gần 7,8 triệu USD.
“Tỷ trọng đầu tư của doanh nghiệp Nhật vào nông nghiệp Việt Nam chưa cao. Họ thường đi đơn lẻ trong khi nên đi theo chuỗi thì có thể được ưu đãi nhiều hơn từ chính quyền địa phương. Ngoài ra, các doanh nghiệp này phụ thuộc rất nhiều vào các công ty tư vấn đầu tư. Đây là điều chuyên nghiệp nhưng tôi cho rằng, họ nên đến các địa phương để tham khảo thêm tình hình thực tế từ các nhà quản lý và từ các trung tâm xúc tiến đầu tư, thương mại của nơi đó”, Tiến sĩ Trần Minh Hải – Giám đốc Trung tâm Đào tạo và Tư vấn Kinh tế hợp tác, Trường Cán bộ Quản lý Nông nghiệp Phát triển Nông thôn II khuyến nghị.
Viễn Thông