Lương công nhân Việt tăng nhanh nhưng vẫn không đủ sống

Nguyễn Thị Chính, 30 tuổi, đang làm việc tại một nhà máy sản xuất đồ gỗ ở khu công nghiệp Quang Minh, cho biết: “Thu nhập quá thấp. Lương tháng của tôi hơn 6 triệu đồng. Sau khi trừ tiền đóng bảo hiểm, tôi chỉ cầm về hơn 5,5 triệu đồng một chút”.

Chính cho biết lương công nhân ở nhà máy cô đã cao hơn nhiều so với lương tối thiểu do nhà nước quy định, nhưng vẫn không đủ sống. Cô định bỏ việc về quê, nơi hơn 10 năm trước cô ra đi, lên thành phố tìm việc.

Tháng 1 vừa qua, Chính phủ đã tăng lương tối thiểu vùng thêm 6,5% lên 2,76 triệu đến 3,98 triệu đồng một tháng tùy theo địa bàn.

Chính là một trong rất nhiều lao động chật vật sống với mức lương còm cõi hiện nay.

Thế nhưng, Việt Nam lại đang là nước có mức tăng trưởng về lương nhanh thứ hai châu Á, theo một báo cáo gần đây của Công ty nhân sự toàn cầu Korn Ferry. Báo cáo này dựa trên số liệu thu thập từ 20 triệu lao động tại 25.000 doanh nghiệp ở 110 nước mà công ty này đang theo dõi.

Lương ở Việt Nam tăng mạnh khi tiêu dùng tư nhân, cùng với xuất khẩu, nổi lên là động lực chính cho tăng trưởng, hãng tin Nikkei Asian Review trích báo cáo của ngân hàng HSBC cho biết.

Mặc dù tốc độ tăng nhanh, thu nhập trung bình của người lao động Việt Nam vẫn thấp, chưa đáp ứng được chi phí sinh hoạt cơ bản hàng ngày.

Trong quý IV/2017, thu nhập bình quân mới đạt 5,5 triệu đồng mỗi người một tháng, tăng 7,6% so với cùng kỳ năm trước, theo báo cáo của Tổng cục Thống kê.

Theo một khảo sát gần đây của Viện Công nhân và Công đoàn về tiền lương, thời gian làm việc, điều kiện an toàn vệ sinh lao động trong các doanh nghiệp, 33% trong số gần 2.600 lao động được hỏi cho rằng thu nhập của họ thấp, phải chi tiêu tằn tiện, sống kham khổ. 12% nói rằng thu nhập không đủ sống, phải làm thêm.

Viện phó Viện Công nhân và Công đoàn Vũ Minh Tiến cho biết 36% lao động làm thêm giờ chỉ vì muốn có một bữa ăn ca. “Lương của họ quá thấp, không đủ tiền thuê nhà, nuôi con nên muốn làm thêm giờ để đủ ăn chứ không phải làm giàu”, ông nói.

Theo kết quả nghiên cứu về tiền lương do Hiệp hội toàn cầu về phát triển bền vững ISEAL Alliance đưa ra gần đây, mức lương để đủ sống đối với một công nhân ở TP HCM là hơn 6,4 triệu đồng mỗi tháng, ở nông thôn là gần 4 triệu đồng.

Nhưng thu nhập thực tế của công nhân ngành may ở TP HCM trung bình chỉ là 4,8 triệu đồng. Tương tự, lương công nhân ngành chế biến thủy sản ở Sóc Trăng bình quân chỉ đạt 3,2 triệu đồng.

Cuộc sống tằn tiện của công nhân tỉnh lẻ

Trong khi người lao động than phiền lương thấp, nhiều doanh nghiệp cho rằng Chính phủ quy định tốc độ tăng lương tối thiểu quá nhanh, gây nhiều khó khăn cho họ. Doanh nghiệp trả lương thực tế cho người lao động dựa trên cơ sở lương tối thiểu, và kỹ năng, kinh nghiệm của họ.

Kể từ năm 2007, hàng năm Chính phủ đều tăng lương tối thiểu. Theo đó, lương thực tế của người lao động tại các doanh nghiệp trong nước và các doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài lần lượt tăng 21,9% và 15,2% mỗi năm, theo Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI).

VCCI cho rằng việc tăng lương quá nhanh có thể khiến người lao động mất việc, vì các doanh nghiệp vốn đầu tư nước ngoài có thể lựa chọn các thị trường khác, nơi giá nhân công rẻ hơn Việt Nam, để đầu tư.

Phó chủ tịch Hiệp hội Dệt may Việt Nam Trương Văn Cẩm lo ngại tăng lương quá nhanh sẽ làm giảm sức cạnh tranh của doanh nghiệp, dẫn đến nguy cơ mất việc làm của người lao động.

“Việc tăng lương sẽ làm giảm cơ hội việc làm, nhất là ở vùng sâu, vùng xa. Doanh nghiệp sẽ không đủ sức chi trả cho công nhân nếu mức lương tối thiểu quá cao”, ông  Cẩm cho hay.

Tuy nhiên, một số chuyên gia không cho rằng chỉ riêng việc tăng lương tối thiểu có thể khiến các doanh nghiệp thay đổi kế hoạch đầu tư.

Forbes trích lời Daniel Kostzer, chuyên gia cao cấp về tiền lương của ILO, cho biết Đông Nam Á, trong đó có Việt Nam, trở nên hấp dẫn với các nhà đầu tư trong lĩnh vực sản xuất vì có lực lượng lao động chăm chỉ, và tính kỷ luật của công nhân cao.

“Thậm chí nếu mức lương tối thiểu trong khu vực này tiếp tục tăng, những yếu tố tích cực kể trên cũng đủ để giữ chân nhà đầu tư”, ông nói.

Ngân Anh

Let's block ads! (Why?)