Thị trấn Santo Tomas nằm ở độ cao 366 m trên mực nước biển, thuộc dãy Andes có thời tiết khắc nghiệt quanh năm. Ngay từ nhỏ, người dân nơi đây đã phải sống trong môi trường với các dốc đá cheo leo, gió bão liên miên và thức ăn khan hiếm. Do vậy, họ còn được biết đến là những con người kiên cường, mạnh mẽ, theo CNN.
Trận đấu luôn có một trọng tài. Ảnh: Youtube. |
Cũng bắt nguồn từ tính cách mạnh mẽ này mà người dân Santo Tomas có một truyền thống đón năm mới kỳ lạ. Vào dịp đầu năm, họ sẽ tổ chức Takanakuy - lễ hội chiến đấu.
Vào sáng sớm ngày Giáng sinh, mọi người sẽ cùng tham gia vào lễ hội đánh nhau này. Trước đó vài ngày, họ sẽ uống rượu, nhảy múa, ca hát trong trang phục truyền thống. Sau khi thức dậy, họ sẽ tham gia vào trận chiến. Mọi người trong gia đình cũng sẵn sàng chiến đấu với nhau.
Lễ hội Takanakuy cũng có những quy định riêng. Do đó, đàn ông sẽ đấu với đàn ông, phụ nữ đấu với phụ nữ. Trẻ em, người già, người tàn tật cũng tham gia. Họ chia thành từng cặp, dùng khăn quấn chặt tay rồi ôm hôn nhau trước khi vào trận đấu.
Dù đều là những người quen biết, thậm chí là thân thuộc, khi vào trận đánh mọi người đều dốc hết sức lực. Trọng tài sẽ cầm roi để giữ trận đấu được công bằng, tránh cho một người bị đánh quá nhiều, quá đau.
Bên cạnh ý nghĩa cầu may cho năm mới, lễ hội này cũng là cơ hội để những người dân có hiềm khích với nhau giải tỏa mọi bức xúc. Họ có thể đánh nhau thoải mái, nhưng vẫn phải trong vòng kiểm soát của cảnh sát. Một số khác cũng tham gia vào lễ hội nhưng không phải vì hiềm khích cá nhân mà họ chỉ muốn vui vẻ. Dù thắng hay thua, họ cũng không quá quan trọng kết quả.
Bên cạnh đó, những người tham gia cũng phải tuân thủ nghiêm ngặt các điều kiện như: không cắn, đạp đối thủ ngã xuống đất; tuân theo hướng dẫn của trọng tài; luôn có cảnh sát địa phương giám sát chặt chẽ để đề phòng trường hợp mọi thứ nằm ngoài tầm kiểm soát.
Tại Chumbivilcas, nơi được coi là thủ phủ của Santo Tomas, chỉ có 3 cảnh sát. Hệ thống luật pháp của Peru hầu như không tồn tại ở nơi hẻo lánh này.