Uber sẽ gặp khó ở Nhật vì 'Hoàng tử taxi'

Ông Ichiro Kawanabe không thể đặt một chuyến Uber tại Nhật. Hãng công nghệ Mỹ thậm chí còn cấm ông sở hữu tài khoản Uber.

Tuy nhiên, đây không phải vấn đề với Kawanabe, ông hiếm khi gặp vấn đề trong việc di chuyển. Bởi vì, Ichiro Kawanabe đang điều hành Nihon Kotsu – hãng taxi lớn nhất nước Nhật.

uber-se-gap-kho-o-nhat-vi-hoang-tu-taxi

Ichiro Kawanabe đang thực hiện một cuộc cách mạng cho ngành taxi Nhật. Ảnh: Bloomberg.

Đi taxi là một trải nghiệm độc đáo đối với những du khách đến với xứ sở mặt trời mọc. Taxi ở đây rất dễ gọi và thường cung cấp dịch vụ hoàn hảo, từ cửa tự động cho tới những tài xế đeo găng luôn nhiệt tình đưa đón hành khách.

Dù giá cước thuộc đắt nhất thế giới, taxi truyền thống vẫn lấn át Uber tại thị trường Nhật nhờ các quy định nghiêm ngặt và dịch vụ chất lượng. Uber chỉ chiếm chưa đến 1% thị phần chuyến đi mỗi tháng tại Tokyo, theo một nguồn tin thân cận từ Uber và Hiệp hội Taxi Nhật.

Bật ứng dụng Uber tại Nhật, rất ít xe xuất hiện bên cạnh. Rời trung tâm Tokyo hay gần Yokohama, người dùng khó có thể tìm thấy một chiếc Uber nào. Dù vậy, tình trạng này có thể sớm thay đổi sau khi SoftBank công bố kế hoạch rót vốn vào Uber hồi giữa tháng trước.

Tuy nhiên, trước khi kế hoạch của Uber và SoftBank được hiện thực hóa, ông chủ Nihon Kotsu đang tạo một cuộc cách mạng cho ngành công nghiệp trị giá 1,72 tỷ yen của Nhật, với ứng dụng gọi xe taxi và kế hoạch cố định giá cước, chia sẻ các chuyến đi. Tham vọng của Kawanabe đã khiến Uber phẫn nộ và đưa ông vào danh sách đen.

“Chúng tôi đang sử dụng Uber như là một ví dụ cho những điều không nên làm”, Kawanabe nhắc tới những mâu thuẫn của Uber với các nhà quản lý, tài xế và chuỗi scandal. Kawanabe cho biết ông không thể tạo tài khoản mang tên mình và không nhận được phản hồi từ Uber khi hỏi lý do. “Họ đang tạo ra quá nhiều kẻ thù. Tôi không thích kiểu văn hóa doanh nghiệp như vậy”, ông nói.

Kawanabe năm nay 47 tuổi. Ông nội của Kawanabe thành lập hãng taxi Nihon Kotsu năm 1928. Ngay từ khi còn nhỏ, Kawanabe đã được ông dặn dò mình sẽ là người thừa kế doanh nghiệp của gia đình. “Tôi luôn tin một ngày nào đó sẽ điều hành công ty”, Kawanabe nói.

Sau khi nhận bằng MBA tại Kellogg School of Management và làm chuyên gia tư vấn tại McKinsey & Co, Kawanabe đã phải tiếp quản hãng taxi gia đình sớm hơn dự kiến vì ông nội mất. Bố Kawanabe đã mất trước đó 10 năm.

Sau đó, doanh nhân trẻ, tràn đầy ý tưởng này kết hôn cùng cháu gái của cựu Thủ tướng Yasuhiro Nakasone. Vì thế, Kawanabe được truyền thông Nhật gọi là “Hoàng tử taxi”.

uber-se-gap-kho-o-nhat-vi-hoang-tu-taxi-1

'Hoàng tử taxi' Nhật. Ảnh: Bloomberg.

Hiện tại, Kawanabe thuê một người về làm Chủ tịch Nihon Kotsu để ông tập trung vào phát triển Japan Taxi. Đây là startup do chính Kawanabe sáng lập nhằm xây dựng các ứng dụng trên smartphone và nhiều tiện ích khác.

“Hoàng tử taxi” cho biết đang dành 80% cho Japan Taxi. Bên cạnh đó, ông cũng giữ vai trò Chủ tịch Hiệp hội taxi để thúc đẩy lĩnh vực này.

Kawanabe dường như rất thoải mái vì Uber hiện không phải là một mối đe dọa nghiêm trọng với Nihon Kotsu và các hãng taxi truyền thống của Nhật. Uber có thể chèn ép các hãng taxi, tài xế và cơ quan quản lý tại Mỹ hay châu Âu, nhưng startup này phải chơi đúng luật tại Nhật.

Sau khi được Sparx Group đầu tư 500 triệu yen hồi tháng 6, Kawanabe cho biết đang tìm cách gọi thêm vốn trong năm tới để mở rộng phạm vi tiếp cận của Japan Taxi. Để nhiều khách hàng sử dụng dịch vụ hơn, Kawanabe tăng cường áp dụng mức giá cố định, không chỉ trên các tuyến đến và đi từ sân bay.

Hãng Nihon Kotsu đã bắt đầu một chương trình thí điểm cho phép hành khách biết trước giá khi đặt chuyến đi. “Chúng tôi muốn xóa bỏ những thứ không rõ ràng”, Kawanabe cho hay.

Ông còn rất nhiều ý tưởng khác như đăng ký dịch vụ taxi theo tháng. Theo Kawanabe, dịch vụ này có lợi hơn cho những người phải di chuyển thường xuyên. Thay vì phải trả tiền từng chuyến, họ sẽ trả tiền theo tháng và không bị giới hạn chuyến đi trong một khu vực cố định. “Bạn có thể đi bao nhiêu chuyến cũng được, chỉ với một khoản tiền cố định hàng tháng”, Kawanabe nói.

Ông chủ Nihon Kotsu cho rằng đây là những bước đi tốt nhưng chưa thực sự thích hợp với nhu cầu giảm giá của khách hàng. “Ứng dụng giúp việc di chuyển bằng taxi dễ dàng hơn nhưng khách hàng muốn giá cả phải chăng hơn. Ai cũng muốn bảo vệ lợi ích của mình. Đó là lý do không hãng taxi nào nói về việc giảm giá rẻ hơn”, doanh nhân này nhận định.

Kawanabe cho biết ông đang cố gắng để hạ giá taxi và mang mô hình chia sẻ chuyến đi như UberPool hay Lyft Line đến với khách hàng Nhật. Để điều này xảy ra, cựu cố vấn McKinsey cho rằng Kawanabe cần tăng lượng khách sử dụng ứng dụng của Japan Taxi. Vấn đề là 90% người Nhật vẫn thích vẫy xe hoặc gọi xe tại điểm dừng.

uber-se-gap-kho-o-nhat-vi-hoang-tu-taxi-2

Những chiếc taxi kiểu mới của Nihon Kotsu. Ảnh: Bloomberg.

Kawanabe cũng đang tân trang lại đội xe của mình bằng cách trở thành khách hàng lớn đầu tiên của “JPN Taxi” – một sản phẩm của Toyota. Dòng xe này sẽ tương tự những chiếc taxi màu đen tại London, với cửa rộng, khoang rộng… Nihon Kotsu sẽ tung 1.000 chiếc taxi loại mới ra đường phố trong 18 tháng tới. Hầu hết taxi tại Nhật đã hoạt động 30 năm, không có túi khí và khung chống trượt.

“Hình ảnh những chiếc taxi sẽ thay đổi đáng kể. Tôi không biết các hãng taxi có thể thay đổi ra sao. Nhưng ít nhất tại Tokyo, chúng tôi muốn phát triển hết mức có thể”, Kawanabe chia sẻ.

Uber đã từ chối bình luận về lệnh cấm Kawanabe vì doanh nghiệp có trụ sở tại San Francisco cho biết không bàn luận về các tài khoản cá nhân. “Uber có dịch vụ chia sẻ chuyến đi và vận chuyển đồ ăn tại Nhật. Chúng tôi sẽ phát triển cả hai dịch vụ này và đang nhanh chóng tuyển dụng để mở rộng hoạt động tại đây”, Brooks Entwistle – giám đốc kinh doanh của Uber tại châu Á cho biết.

Hiện tại, một trong những số ít những nơi mà Uber có dịch vụ tại Nhật là Tangocho, thị trấn xa xôi ven biển ở phía tây với 5.900 cư dân. Ở đây, Uber hoạt động như một hoạt động xã hội cho người già sau khi các tuyến xe buýt dừng hoạt động và hãng taxi duy nhất vùng phá sản. Hầu hết khách hàng của họ không có smartphone, thường phải nhờ đặt xe hộ.

Anh Tú(Theo Bloomberg)

Let's block ads! (Why?)