Theo nguồn tin của KCNA, nhiều cuộc đua đã diễn ra tại Câu lạc bộ đua ngựa Mirim, một trung tâm giải trí phát triển hàng đầu được chủ tịch Kim Jong Un cho xây dựng, nằm gần Bình Nhưỡng. Câu lạc bộ này có tiền thân từ một trung tâm đào tạo kỵ sĩ quân đội với hơn 120 con ngựa. 67 con đến từ vùng Orlov Trotters, Nga.
Câu lạc bộ cưỡi ngựa Mirim có một cơ sở đào tạo trong nhà, trang thiết bị phục vụ 7 khóa học cưỡi ngựa ngoài trời, một sảnh đường, nhà hàng ăn uống và một phòng tắm hơi. Phí vào cửa là 35 USD với du khách và 10 USD cho người dân, gồm một giờ cưỡi ngựa với người hướng dẫn, sử dụng các thiết bị cưỡi ngựa và phòng tắm hơi. Tuy nhiên theo KCNA, số tiền này so với mức sống của người Triều Tiên vẫn còn rất cao.
Hãng thông tấn trung ương Triều Tiên cho biết, chính phủ nước này mới đây cũng cho phép công dân từ 12 tuổi đặt cược khi đến xem đua ngựa.
Một cuộc đua ngựa tại Câu lạc bộ Mirim, Triều Tiên. Ảnh: KCNA. |
Trước đó, Triều Tiên mở sòng bạc cho người nước ngoài ở thủ đô Bình Nhưỡng và vùng Rason, nơi Triều Tiên và Trung Quốc cùng điều hành một khu kinh tế đặc biệt.
Hồi tháng 3, chính phủ nước này gửi đề xuất đầu tư cho những sòng bạc mới tại Namyang, gần biên giới của Trung Quốc, và tại khu vực núi Kumkang, một khu du lịch danh lam thắng cảnh ngay phía bắc biên giới với Hàn Quốc. Tuy nhiên, các biện pháp trừng phạt gần đây nhất của Liên hiệp quốc đã cấm các dự án liên doanh với các công ty của Triều Tiên.
Các chuyên gia kinh tế cho rằng, việc cho phép đặt cược tại các cuộc đua ngựa là nhằm mục đích giúp Triều Tiên thu thêm ngoại tệ trong bối cảnh nước này đang bị ảnh hưởng bởi nhiều biện pháp trừng phạt từ quốc tế do chương trình vũ khí hạt nhân. Triều Tiên đang bị cấm xuất khẩu một số mặt hàng chủ chốt như than, đồ dệt may và thủy sản.
"Ông Kim đã cho thực hiện các dự án phù phiếm như công viên giải trí, khu trượt tuyết và câu lạc bộ cưỡi ngựa để cải thiện đời sống cho người dân, nhưng nhiệm vụ thực sự của những công trình này là thu ngoại tệ", ông Na Jeong-won, Viện trưởng Viện Nghiên cứu Kinh tế Công nghiệp Bắc Triều Tiên ở Seoul cho biết.
Hàng trăm khán giả đã tới xem và dùng điện thoại ghi hình lại khi những chú ngựa màu xám trắng và những tay đua bắt đầu vào cuộc. Ảnh: KCNA. |
Lee Sang-keun, nhà nghiên cứu thuộc Viện Nghiên cứu Thống nhất, Đại học Ewha Womans ở Seoul, cho biết mục tiêu hàng đầu của các cơ sở giải trí được mở ra là nhằm phục vụ giới thượng lưu ở Triều Tiên: "Người ta có thể sẽ nhạo báng Kim Jong Un vì xây dựng các cơ sở giải trí xa hoa trong khi cuộc sống của người dân còn khó khăn. Thực chất, những việc làm đó nhằm tạo ra nguồn ngoại tệ, do khi tới những khu giải trí này du khách phải trả phí dịch vụ bằng đồng đôla Mỹ hoặc nhân dân tệ".
"Một số người Triều Tiên kiếm được nhiều tiền từ kinh doanh buôn bán, họ có thể dùng bữa tại các nhà hàng hamburger và mua sắm. Những việc đó đều làm tăng ngân sách của quốc gia. Đây là một phần lý do Triều Tiên vẫn có nguồn tài chính dồi dào, dù đang chịu các biện pháp trừng phạt quốc tế".