Đầu tháng 10, Made Mangku Pastikasostienen, thống đốc Bali, tuyên bố du khách sẽ an toàn khi tới Bali, do núi lửa Agung chỉ tác động tới vùng có bán kính 12 km tính từ đỉnh núi nếu phun trào. Ông cũng yêu cầu các nước xóa bỏ lệnh cảnh báo công dân tới Bali du lịch, Express đưa tin.
Theo Hiệp hội Khách sạn và Nhà hàng Indonesia, lượng du khách tới Bali giảm 20 %, tương đương với khoảng 70.000 người trong tháng 10 sau khi cảnh báo cao nhất về khả năng núi lửa Agung phun trào được đưa ra.
Hồi giữa tháng 9, chính quyền Indonesia xác nhận, hoạt động của núi lửa Agung đang diễn ra như những gì đã xảy ra trước lần phun trào cuối cùng vào năm 1963, cướp đi sinh mạng của hơn 1.100 người.
Khoảng 140.000 người đã di tản đến các trại tập trung tạm thời, dù chính phủ thông báo chỉ có 70.000 người dân sống trong vùng ảnh hưởng. Video: Ruptly.
Mỗi tháng, có khoảng 200.000 khách nước ngoài tới thăm Bali, điểm du lịch nổi tiếng của Indonesia. Cuối tháng 9, mặc dù chính quyền Bali đã đưa ra lời cản báo cao nhất về núi lửa phun trào, vẫn có tới 60.000 du khách tới đây mỗi ngày. Hoạt động của sân bay ở Bali vẫn được duy trì, với khoảng 400 chuyến mỗi ngày.
Bộ Giao thông Indonesia mới đây đã lên phương án để chuyển hướng các chuyến bay tới các sân bay khác, phòng trường hợp sân bay Ngurah Rai không thể hoạt động khi núi lửa phun trào, theo EFE.
Nằm trong vành đai lửa Thái Bình Dương, với 127 ngọn núi lửa đang hoạt động, Indonesia thường phải ứng phó với các trận động đất và núi lửa phun trào. Agung ở Bali và Sinabung ở Sumatra là hai ngọn núi lửa duy nhất nằm ở mức báo động cấp 4, trong khi 17 núi lửa khác đang ở báo động cấp 2.