Theo số liệu từ Tổng cục Hải Quan, tổng giá trị nhập khẩu mặt hàng khăn tơ tằm và vải tơ tằm có xuất xứ Trung Quốc về Việt Nam trong 9 tháng đầu năm đạt hơn 1,2 triệu USD.
Dù con số này chỉ tương đương 50% tổng giá trị nhập khẩu của cả năm 2016, tuy nhiên số lượng sản phẩm nhập khẩu lại không giảm. Nguyên nhân do giá trị các mặt hàng ngày càng thấp.
Trong 9 tháng đầu năm, Việt Nam nhập khẩu 4.460 chiếc khăn tơ tằm "Made in China" với mã HS 621410 nhưng giá trị ghi nhận chỉ 5.878 USD, tương đương 1,3 USD và xấp xỉ 30.000 đồng mỗi chiếc. Con số này thấp hơn hẳn so với giá nhập khẩu khăn tơ tằm năm 2016 và 2015, với giá trị lần lượt 16,4 USD và 5,44 USD mỗi chiếc.
Với giá trị thấp, tuy nhiên số lượng khăn được nhập về Việt Nam lại tăng đột biến. Chỉ riêng 9 tháng đầu năm, số lượng khăn tơ tằm nhập khẩu về Việt Nam đã cao hơn số lượng khăn được nhập về trong cả 2 năm gần nhất 2015 và 2016.
Với sản phẩm vải tơ tằm, giá nhập khẩu mỗi mét có nguồn gốc Trung Quốc về Việt Nam trong 9 tháng đầu năm cũng chỉ gần 3,5 USD. Trong khi năm 2016, giá nhập mỗi mét vải tơ tằm gần 5,4 USD. Dù số lượng chỉ bằng gần một nửa cả năm 2016, nhưng số lượng vải tơ tằm nhập khẩu theo đơn vị Yards lại tăng đột biến.
Khăn lụa tơ tằm "Made in China" được nhập khẩu về Việt Nam trong 9 tháng đầu năm 2017 với giá chỉ gần 30.000 đồng mỗi chiếc. |
Gần đây, sự việc hệ thống Khaisilk bán hàng Trung Quốc nhưng gắn mác Việt Nam đã gây chú ý, đặc biệt là những khách hàng từng sử dụng sản phẩm này.
Tại buổi họp báo của Tổng cục Hải quan diễn ra sáng nay (31/10), trả lời câu hỏi về lượng lụa mà Khaisilk nói nhập từ Trung Quốc về Việt Nam, đại diện Tổng cục Hải quan cho biết vừa đề nghị Cục Công nghệ Thông tin truy xuất số lượng nhập khẩu lụa Trung Quốc về Việt Nam trong hệ thống dữ liệu điện tử của ngành.
Tổng cục Hải quan cũng cho biết, ngoài các số liệu về lượng nhập lụa từ Trung Quốc sẽ được công bố, song lượng nhập từng đơn vị, doanh nghiệp riêng rẽ sẽ không được công khai. Cơ quan này lý giải vì đây thuộc về bí mật của doanh nghiệp cũng như nghiệp vụ của ngành hải quan và chỉ trong trường hợp cơ quan điều tra yêu cầu, số lượng nhập của từng doanh nghiệp mới được bóc tách. Tuy nhiên, theo đại diện Tổng cục Hải quan, cũng không loại trừ có doanh nghiệp khác nhập về cho Khaisilk.
Bộ trưởng Công Thương Trần Tuấn Anh mới đây cũng đã có văn bản yêu cầu Cục Quản lý thị trường phối hợp với Cục cạnh tranh và bảo vệ người tiêu dùng kiểm tra, xem xét và làm rõ các thông tin liên quan tới việc Tập đoàn Khaisilk bán khăn nhãn mác "made in China". Lực lượng Quản lý thị trường kiểm tra cửa hàng của Tập đoàn này trên phố Hàng Gai chiều 26/10 và cho biết đã phát hiện gian lận thương mại, làm giả nguồn gốc xuất xứ của sản phẩm.
Báo cáo của Cục Quản lý thị trường sau đó cho biết, chủ hộ kinh doanh Khaisilk 113 Hàng Gai giải thích, do sơ suất trong quản lý trước nhu cầu hàng tăng đột biến dịp 20/10, nhân viên cửa hàng đã tự ý mua sản phẩm khăn lụa tơ tằm trên thị trường về cắt bỏ mác gốc Trung Quốc và gắn mác "Khaisilk - Made in Vietnam" để bán.
Minh Sơn