Bí ẩn về Rosalia Lombardo - xác ướp gần trăm năm còn chớp mắt

Cô bé Rosalia Lombardo mới lên hai khi qua đời vì bệnh viêm phổi vào năm 1920. Quá đau buồn trước cái chết của cô con gái bé bỏng, người cha nhờ tới Alfredo Salafia, chuyên gia ướp xác kiêm thợ nhồi bông thú nổi tiếng thời bấy giờ của thành phố Palermo, Italy.

Alfredo thể hiện tay nghề chuyên nghiệp của mình với Rosalia, đến nỗi gần 100 năm sau cô bé trông như thể chỉ đang mơ màng sau tấm kính. Ảnh: Unknown.

Alfredo thể hiện tay nghề chuyên nghiệp của mình với Rosalia, đến nỗi gần 100 năm sau cô bé trông như thể chỉ đang mơ màng sau tấm kính. Ảnh: Unknown.

An nghỉ trong hầm mộ Catacombe Dei Cappuccini bên dưới một tu viện của Palermo, Rosalia vẫn giữ được những nét trẻ thơ với gò má nhỏ hơi phúng phính, hàng mi khép hờ và trên đầu cột một chiếc nơ lụa quanh búi tóc mây vàng. Người ta ưu ái gọi cô bé là "Người đẹp ngủ trong rừng" (Sleeping Beauty).

Nội tạng bên trong thi thể vẫn còn nguyên vẹn, khiến Rosalia trở thành một trong những xác ướp được bảo quản tốt nhất trên thế giới. Nổi bật giữa hàng nghìn xác ướp dưới hầm mộ Cappuccini, Rosalia thu hút đông đảo khách tham quan mỗi ngày.

Không ít du khách đã có những giây phút rợn tóc gáy khi chứng kiến Rosalia khẽ chớp mắt. Điều kỳ lạ nằm ở chỗ, đôi mắt của Rosalia, cũng giống như những phần khác trên cơ thể, cứng như hóa đá trong quá trình ướp xác.

Hiện tượng này trở thành chủ đề được bàn tán sôi nổi qua nhiều năm. Một số báo cáo lưu lại bằng chứng qua hình ảnh và video cho thấy đôi mắt của xác ướp Rosalia mở rồi lại nhắm nhiều lần trong ngày. Có người cho rằng nhiệt độ dưới hầm mộ thay đổi, tạo hiệu ứng đóng mở cho mi mắt của Rosalia.

Tuy nhiên, Dario Piombino-Mascali, người trông nom hầm mộ, đưa ra một giả thuyết hoàn toàn khác. Ông tin rằng đôi mắt biết chớp của Rosalia chỉ là một ảo ảnh quang học, được hình thành khi những tia sáng rọi qua cửa sổ và chiếu tới quan tài dưới một góc nhất định. Khi hướng của ánh sáng thay đổi, Rosalia trông như mở rồi lại nhắm mắt nhiều lần trong ngày.

Dario phát hiện ra điều này vào năm 2009. Khi đó, ông có cơ hội quan sát đôi mắt của Rosalia rõ hơn, do công nhân bảo tàng vô tình xê dịch thi thể của cô bé khi chuyển quan tài. Thực tế, đôi mắt của Rosalia chưa từng khép chặt.

Song khám phá lớn nhất của Dario chính là tìm ra công thức ướp xác bí mật mà Alfredo Salafia đã áp dụng với Rosalia.

Không áp dụng phương pháp tương tự những kỹ thuật ướp xác khác trên thế giới, Alfredo không loại bỏ hoàn toàn nội tạng và bơm đầy muối natron để làm khô thi thể Rosalia. Ông chích một vết nhỏ lên người Rosalia, tiêm hỗn hợp formalin, muối kẽm, rượu, axit salicylic và glycerin vào trong.

Mỗi thành phần trên đều có một vai trò đặc biệt: formalin tiêu diệt mọi loại vi khuẩn, glycerin duy trì độ ẩm nhất định còn axit sẽ ngăn chặn nấm mốc phát triển. Công thức thần kỳ này chứa muối kẽm, thứ khiến thi thể của Rosalia như hóa đá, ngăn phần má hay hốc mũi bị biến dạng.

Giả thuyết của Dario đã dập tắt nhiều lời đồn đoán hay những câu chuyện vô thực được thêu dệt xoay quanh xác ướp của cô bé. Tuy đã phần nào không còn mang màu sắc kỳ bí, xác ướp Rosalia vẫn luôn là tâm điểm với khách tham quan hầm mộ tại Palermo.

Hầm mộ Catacombe Dei Cappuccini đồng thời là viện bảo tàng xác ướp tại thành phố Palermo, Italy, lưu trữ khoảng 8.000 xác chết và hơn 1.250 xác ướp.

Vào thế kỷ 16, giới quý tộc, giáo sĩ, nghệ nhân hay người có quyền lực trong xã hội, chọn được ướp xác khi qua đời, với mong muốn bất tử. Trải qua hàng trăm năm, lượng xác ướp mỗi ngày một nhiều hơn khiến hầm mộ trở thành bảo tàng xác ướp lớn nhất thế giới.

Độc giả cân nhắc trước khi xem

Nguồn: Stivy TV.

Hầm mộ mở cửa tham quan hàng ngày 9 - 13h và 15 - 18h, bao gồm lễ tết. Lưu ý, khu hầm mộ sẽ đóng cửa vào các chiều chủ nhật từ cuối tháng 10 cho tới cuối tháng 3 năm sau. Vé vào cửa giá 3 euro.

Để bảo quản xác ướp và tôn trọng đạo đức sinh học, ban quản lý cấm du khách chụp ảnh hoặc chạm vào hiện vật. Do bảo tàng nằm bên dưới một tu viện, du khách cần nhã nhặn trong ứng xử, tránh dùng điện thoại hay đồ ăn, thức uống, gây mất trật tự và vứt rác bừa bãi khi tham quan.

Theo National Geographic

Let's block ads! (Why?)