Paytm là ví điện tủ có thị phần lớn nhất ở Ấn Độ, ra đời năm 2010. Năm 2016, ứng dụng này có 1 tỷ lượt giao dịch, tổng giá trị hơn 5 tỷ USD. Tính đến quý I/2017, ứng dụng này có hơn 180 triệu tài khoản hoạt động thường xuyên. Ở Ấn Độ, Paytm có mặt khắp các cửa hàng tạp hóa, trạm thu phí, xe lam và thậm chí là những sạp bán rau vỉa hè. Nơi nào có treo mã QR của Paytm là người dùng có thể quét để trả tiền bằng điện thoại. Paytm đang có kế hoạch tăng gấp đôi số nhân viên và mở thêm 10.000 chi nhánh tại Ấn Độ để đạt mục tiêu 500 triệu người dùng.
Apple Pay là dịch vụ thanh toán do Apple phát triển và ra mắt vào tháng 10/2014. Ứng dụng này được cài trên iPhone và chỉ dùng được với các máy thanh toán có tích hợp công nghệ NFC. Apple Pay dùng được tại 13 quốc gia nhưng Mỹ là thị trường lớn nhất. Tuy nhiên, Apple không công bố các thông tin cụ thể về lượng người dùng và giá trị giao dịch thực hiện qua ứng dụng này. Thông tin gần nhất mà hãng xác nhận là giá trị giao dịch qua Apple Pay năm 2015 đạt 10,9 tỷ USD. Có khoảng 35% nhà bán lẻ tại Mỹ chấp nhận thanh toán bằng Apple Pay, với 4 triệu điểm bán. CEO Tim Cook từng tuyên bố số lượng giao dịch qua ứng dụng này năm 2016 tăng 500% so với năm trước đó.
Samsung Pay ra mắt sau Apple Pay gần một năm, với thị trường chính là Hàn Quốc. Tương tự Apple, Samsung không công bố cụ thể về tình hình phát triển của ứng dụng này. Samsung Pay giao tiếp với các máy quẹt thẻ (POS) bằng hai công nghệ là “truyền dữ liệu an toàn qua từ tính” (MST) và “giao tiếp không dây tầm gần” (NFC). Ứng dụng này đã được sử dụng chính thức tại Việt Nam từ 29/9 vừa qua. Các chủ thẻ ATM nội địa thuộc 6 ngân hàng: VietinBank, Vietcombank, BIDV, Sacombank, Shinhan Vietnam Bank, ABBank có thể thực hiện thanh toán bằng cách dùng điện thoại Samsung để chạm vào máy POS.
Android Pay được Google giới thiệu vào tháng 9/2015. Về cơ bản, đây là một bộ khung (framework) cho phép bên thứ ba sử dụng để phát triển ứng dụng thanh toán riêng. Đây chính là điểm khác biệt của Android Pay so với Samsung Pay và Apple Pay. Ứng dụng này hỗ trợ xác thực bằng vân tay và cũng giao tiếp với máy POS bằng công nghệ NFC. Android Pay được dùng nhiều tại thị trường Anh, Mỹ và hiện có 5 triệu người dùng thường xuyên hàng tháng.
So với các ứng dụng khác thì AliPay của Alibaba có bề dày hoạt động và quy mô khá “bề thế”. AliPay chính thức ra mắt từ tháng 8/2004 và hiện có mặt tại 110 quốc gia và vùng lãnh thổ. Thị trường chính của ứng dụng này là Trung Quốc, Hàn Quốc, Hong Kong và Thái Lan. Hiện tại, AliPay có hơn 450 triệu tài khoản hoạt động thường xuyên. Năm 2016, ứng dụng này có đến 91 tỷ lượt giao dịch.
PayPal là một cổng thanh toán trực tuyến trên internet, ra đời từ năm 1999. Cùng với xu hướng phát triển của di động, công ty cũng phát hành ứng dụng PayPal để khách hàng của mình thanh toán tiện lợi hơn trên điện thoại. Tính chung thị trường hoạt động thì PayPal có mặt ở 202 quốc gia và vùng lãnh thổ, với 197 triệu tài khoản hoạt động thường xuyên. Năm 2016, PayPal có tổng cộng 6,1 tỷ lượt giao dịch với tổng giá trị 354 tỷ USD. Các thị trường lớn nhất của dịch vụ này gồm có Mỹ, Anh, Đức, Australia & New Zealand.
Trước khi Apple Pay, Samsung Pay ra đời thì M-Pesa đã phổ biến tại Kenya, giúp người dân nước này chuyển tiền, gửi tiền, rút tiền và thanh toán các dịch vụ một cách dễ dàng bằng điện thoại di động. Ứng dụng này là sản phẩm của nhà mạng Safaricom tại Kenya, được giới thiệu vào năm 2007. M-Pesa giờ còn có mặt ở Afghanistan, Nam Phi, Ấn Độ, Rumani, Albania…Ứng dụng này hiện có 25 triệu tài khoản hoạt động thường xuyên. Năm 2016, chỉ riêng tại Kenya, M-Pesa có 328,6 triệu lượt giao dịch.
Phiên An (Tổng hợp)