Tại ga Kichijoji, thủ đô Tokyo, Nhật Bản, có một tiệm bánh nhỏ chỉ rộng 6m2 tên là Ozasa. Tiếng tăm của tiệm bánh không chỉ trong nước Nhật mà còn thu hút hàng nghìn du khách nước ngoài tới mua mỗi năm. Tuy vậy, nhiều người phải ra về trong tiếc nuối vì không mua được bánh.
Tiệm Ozasa hay Kichijoji Ozasa mở từ năm 1951 và ban đầu có tên Yokan Saredo. Tới nay đã 66 năm và tiệm vẫn duy trì chỉ bán hai loại bánh monaka (bánh nhân đậu đỏ hoặc đậu trắng) và yokan (bánh thạch nhân đậu). Yokan là loại mang tới danh tiếng cho tiệm Ozasa dù monaka cũng có doanh thu cao.
Đường tới tiệm bánh Ozasa. Video: yu uchi.
Từ năm 1951 đến 2011, cửa tiệm quy định bán tối đa năm chiếc bánh cho mỗi người. Tuy nhiên sau khi quá nhiều người phàn nàn rằng chỉ cần 30 người là đã mua hết số bánh của tiệm, nên chủ hàng giảm xuống chỉ bán ba chiếc mỗi người. Quy định này nhằm tạo cơ hội được ăn bánh cho nhiều thực khách hơn. Bánh ở đây có thể bảo quản trong năm tháng.
Cảnh thường thấy là đám đông khách mua bánh bao quanh những nhân viên bán hàng. Ngày trong tuần số lượng bánh được bán hết chậm hơn. Nhưng vào thứ 7, chủ nhật mới sáng sớm 4h - 7h đã có tới 70 - 80 người xếp hàng để mua yokan, và hàng chục người đến sau chỉ còn có thể mua bánh monaka vì số lượng hạn chế.
Bánh monaka (màu vàng) và yokan. Ảnh: kknews. |
Trong khi các vị khách bận bịu xếp hàng thì nhân viên và chủ tiệm cũng luôn tay chuẩn bị. Quản lý tiệm là ông Sochi Furawa cho biết ông cùng chủ hàng và nhân viên phải thức dậy từ 3h sáng để làm bánh và đóng gói chuyển tới tiệm. Các mẻ bánh phải đảm bảo tươi ngon và làm đúng quy chuẩn.
Một du khách Mỹ may mắn xếp hàng cùng bạn là người Nhật cho biết: "Tôi đã đọc về tiệm bánh này trên internet và hiếm khi có dịp tới Nhật Bản nên tôi quyết tâm dậy thật sớm tới đây mua thử một lần".
Theo một phụ nữ Nhật quê ở Nara, anh trai bà mong muốn được ăn bánh của cửa hàng này 40 năm qua nhưng điều kiện kinh tế khó khăn, mà bà không có dịp lên thủ đô. Hiện họ đều lớn tuổi, anh trai bà không còn đi lại được nữa nên bà đã tự tới để mua cho cả hai.
Tiệm chỉ có 6m2 nhưng mỗi năm tổng thu tới 160 triệu yen, đây được xem như một ước mơ của nhiều doanh nghiệp Nhật Bản. Ảnh: Tabelog. |
Những người yêu thích bánh của tiệm Ozasa là dân địa phương và du khách, trong số đó có rất nhiều ông chủ của các tập đoàn lớn ở Nhật Bản, hay các chính trị gia. Tuy nhiên, tiệm bánh luôn làm việc theo quy định đã đặt ra. Kể cả Thủ tướng hay các thành viên Quốc hội cũng không được ưu tiên khi xếp hàng mua bánh.
Theo ILH Post