Bộ Công Thương dừng dán tem bia

Chia sẻ với VnExpress, lãnh đạo Cục Công nghiệp (Bộ Công Thương) cho biết sẽ dừng triển khai đề xuất dán tem bia. Theo vị này, đề án dán tem bia được Hiệp hội Bia, rượu, nước giải khát đưa ra năm 2011 với kỳ vọng hạn chế bia nhập lậu, giả. Tuy nhiên, thời điểm đó đề xuất này đã vấp phải ý kiến phản đối từ các doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh mặt hàng này với lo ngại sẽ phát sinh thêm chi phí. Vì thế, khi đó Bộ đã không đồng ý với đề xuất dán tem bia.

Tuy nhiên, trong một báo cáo hồi tháng 8 của Cục Công nghiệp về đề án Nâng cao năng lực quản lý Nhà nước với hoạt động sản xuất, kinh doanh bia, một lần nữa phương án dán tem bia để chống tình trạng nhập lậu bia, sản xuất bia giả, cũng như "trám" kẽ hở trong quản lý mặt hàng này lại được đưa ra. 

Đề cập tới đề án và đề xuất dán tem bia nêu trên, lãnh đạo Cục Công nghiệp trần tình, "đề án mới là từ phía Cục, nhưng chúng tôi sẽ có kiến nghị lên lãnh đạo Bộ Công Thương không xem xét phương án dán tem bia. Bộ sẽ tìm phương án khác phù hợp hơn". Ông cũng cho biết, hiện chưa có bàn thảo nào về phương án quản lý thay thế cho đề xuất ban đầu là dán tem trên tất cả sản phẩm bia.

Theo đề án này, Bộ Công Thương dự định tem bia sẽ được dán ở tất cả các sản phẩm bia sản xuất tại Việt Nam, nhập khẩu từ nước ngoài trước khi được lưu thông trên thị trường. Giá thành một tem bia giấy là 179 đồng, in phun trực tiếp là 145,44 đồng, đồng nghĩa mỗi chai (lon) bia sẽ tăng giá tương ứng. Đơn giá này được điều chỉnh hàng năm theo chỉ số lạm phát tăng của ngành công nghiệp. Doanh nghiệp sản xuất và kinh doanh bia sẽ thanh toán cho nhà cung cấp tem bia và được tính là chi phí sản xuất. Bộ này ước tính, việc dán tem bia giúp cho ngân sách tăng thu khoảng hơn 2.000 tỷ đồng, bù đắp phần nào số tiền thất thu do chênh lệch khai báo sản lượng nộp thuế và thực tế 7-10% mỗi năm.

Cũng theo Bộ Công Thương, cả nước hiện có 119 cơ sở sản xuất bia với sản lượng bình quân 20-25 triệu lít bia một năm mỗi cơ sở. Tổng sản lượng năm 2016 đạt 3,78 tỷ lít bia, tổng nộp ngân sách 30.000 tỷ đồng. Nhưng thị trường bia đang tồn tại nhiều vấn đề ảnh hưởng đến công tác quản lý với hoạt động sản xuất kinh doanh, dẫn đến có cả bia giả, bia lậu... khiến ngân sách bị thất thu mỗi năm lên tới 2.000-3.000 tỷ đồng.

Năm 2016 sản lượng bia của Việt Nam gần 3,8 tỷ lít, thu về cho ngân sách 30.000 tỷ đồng. Bình quân mỗi người Việt uống 34,3 lít bia trong năm ngoái, đứng thứ 52 thế giới. Dự kiến sản lượng này sẽ tăng lên mức 4,1 tỷ lít bia một năm sau 3 năm nữa và cán mốc 4,6 tỷ lít vào năm 2025; 5,6 tỷ lít vào 2035. Như vậy, trong 2 thập kỷ tới, lượng bia sản xuất sẽ tăng gấp rưỡi so với con số 3,8 tỷ lít năm 2016.

Anh Minh

Let's block ads! (Why?)