Trung Đông - thị trường tiềm năng cho thương mại điện tử

Trung Đông thường được biết đến là các quốc gia vùng vịnh (gọi tắt là GCC - Gulf Cooperation Council). Nhóm này gồm 6 nước là Saudi Arabia, Kuwait, các Tiểu vương quốc Ả Rập Thống Nhất (UAE), Qatar, Bahrain và Oman.

Thị trường này trước nay vẫn được biết đến là nơi thương mại điện tử không phổ biến. Tuy nhiên, đầu năm nay, khu vực bắt đầu được chú ý khi Amazon mua Souq - trang bán hàng ở UAE. Một số trang thương mại điện tử mới cũng sắp ra mắt.

Các quốc gia Trung Đông nằm trong nhóm có thu nhập bình quân đầu người cao nhất thế giới. Tuy nhiên, thương mại điện tử tại đây chưa phát triển. Theo hãng nghiên cứu và tư vấn Gartner, thương mại số chỉ chiếm ít hơn 1% tổng sản phẩm quốc nội của khu vực năm 2016.

“Chỉ có 15% doanh nghiệp tại đây có trang web và 90% mua sắm trực tuyến đều từ bên ngoài khu vực. Tuy nhiên, với sự thâm nhập của các nhà đầu tư hàng đầu thế giới cũng như hỗ trợ của Chính phủ, trong vài năm tới Trung Đông sẽ cho thấy tốc độ tăng trưởng mạnh mẽ trong thương mại số”, ông Gene Alvarez, phó chủ tịch Gartner dự đoán.

Hiện 90% thị trường thương mại điện tử ở GCC chỉ tập trung vào các nhóm sản phẩm là điện tử tiêu dùng, thời trang, phong cách sống, sức khỏe và làm đẹp.

Công ty tư vấn quản lý A.T. Kearney từng ước tính thị trường này có giá trị 5,3 tỷ USD vào 2015. Trong đó, người tiêu dùng UAE đóng góp tới 44% tổng doanh số thương mại điện tử của khu vực. Dự đoán đến năm 2020, Saudi Arabia có thể sẽ vượt qua UAE, dẫn đầu GCC.

Hồi tháng 7, Amazon đã hoàn tất thương vụ mua Souq.com của UAE. Từ giờ, trang này sẽ trở thành một Amazon vùng vịnh với thị trường chủ yếu là nhóm GCC nhưng họ cũng có ý định mở rộng hơn nữa. Amazon dự kiến tăng thêm kho hàng tại đây nhằm mục đích rút ngắn thời gian giao hàng so với các nhà cung cấp nội địa, tạo thách thức mới tại thị trường thương mại điện tử mới nổi ở khu vực.

Đối thủ của Amazon có Wadi.com hoạt động ở UAE và Saudi Arabia, bán các mặt hàng điện tử, sản phẩm làm đẹp, trang sức, quần áo và các hàng gia dụng. Wadi ra đời năm 2015, thuộc tập đoàn Middle East Internet, một liên doanh đầu tư của Rocket Internet và MTN - một nhà cung cấp viễn thông ở Nam Phi. Trang này có hơn 150.000 sản phẩm từ 2.000 thương hiệu thế giới. Năm 2015, Wadi đã gọi được số vốn 67 triệu USD ở vòng series A.

Ngoài ra còn có Namshi.com của UAE hoạt động ở cả 6 quốc gia vùng vịnh. Trang này bán quần áo, giày dép và phụ kiện của các thương hiệu châu Âu. Cả hai trang thương mại điện tử đều có cả ngôn ngữ Ả Rập và tiếng Anh.

trung-dong-thi-truong-tiem-nang-cho-thuong-mai-dien-tu

Namshi.com là một trong những trang thương mại điện tử hiếm hoi ở Trung Đông.

Trong khi đó, Noon.com từng khẳng định là đối thủ của Amazon. Trang này đã gọi được vốn từ quỹ đầu tư nhà nước Saudi Arabia và một doanh nhân có tiếng tại UAE. Noon đã cho chạy bản chưa chính thức (beta) vào tháng một năm nay. Tuy nhiên, CEO và nhiều nhân sự đã rút khỏi công ty này và cho đến nay vẫn chưa có một thông báo chính xác nào về thời gian chính thức ra mắt thị trường.

Themodist.com lại nhắm đến đối tượng là phụ nữ có nhu cầu ăn mặc đơn giản vì mục đích tôn giáo và văn hóa. Có trụ sở tại London và UAE, trang này mang đến những mặt hàng quần áo và phụ kiện thiết kế xa xỉ. Công ty kỳ vọng một nửa doanh thu của họ sẽ đến từ thị trường Trung Đông.

Hiện sự thâm nhập của smartphone vào khu vực này ở mức trên 65%. Thêm vào đó, hơn 2/3 dân số tại đây sử dụng Internet. Con số càng ấn tượng hơn với UAE và Qata với hơn 90%.

Trung Đông có số lượng lớn những người giàu có với nhu cầu cao về các mặt hàng xa xỉ. Các phương thức thanh toán tại đây cũng dần được hoàn thiện để giúp ích cho những thay đổi mới của thị trường trong thời gian tới.

Chỉ 15% nhà bán lẻ truyền thống ở các quốc gia vùng vịnh có trang online. Chính vì vậy, đây là nơi tiềm năng cho những ai muốn dấn thân vào cuộc chơi thương mại điện tử ở khu vực, nhưng cũng đầy thách thức.

Theo A.T. Kearney, chỉ 35% người dùng Internet tại Saudi Arabia và 55% tại UAE biết đến mua hàng online. Người ta vẫn còn thiếu niềm tin về thương mại điện tử. Người tiêu dùng lo ngại hai vấn đề là bảo mật dữ liệu và lừa đảo. Khu vực này cũng còn nhiều khoảng trống trong hệ thống thanh toán và cơ sở hạ tầng về kho vận vẫn còn thiếu.

Cũng theo A.T. Kearney, 60-70% thanh toán thương mại điện tử ở Saudi Arabia và UAE là bằng hình thứ trả tiền mặt khi giao hàng. Trong khi đó, phụ nữ tại các nước Trung Đông không thể mở cửa cho nam giới vào nhà. Có nghĩa khi người giao hàng đến, nếu không có đàn ông trong nhà, những người phụ nữ này không thể nhận món hàng và thanh toán cho nhà cung cấp.

Ở GCC cũng thiếu mã bưu điện. Số lượng chuyển phát hạn chế cũng dẫn đến mức phí giao hàng cao nếu theo hình thức bưu điện. Các quốc gia vùng vịnh cũng áp thuế thương mại cao và hàng hóa khi qua hải quan rất khó khăn, ngặt nghèo. Những đơn đặt hàng bên ngoài biên giới thường mất vài tuần mới có thể cập bến.

Tuy nhiên, có thể trông đợi những tín hiệu khởi sắc hơn khi Amazon chính thức bước vào thị trường này, mở ra những cơ hội mới cho doanh nghiệp khu vực và quốc tế.

Trương Sanh (theo Practical Ecommerce)

Let's block ads! (Why?)