Triều Tiên còn lại gì sau các lệnh trừng phạt

Triều Tiên hôm qua đã phóng tên lửa đạn đạo bay qua Nhật Bản. Giới chuyên gia cho rằng động thái này đã làm tăng khả năng Triều Tiên chịu thêm các lệnh trừng phạt về thương mại.

"Nó sẽ khiến Mỹ và các đồng minh thêm ủng hộ việc kiềm chế Bình Nhưỡng và các chính phủ, công ty còn làm ăn với họ", Scott Seaman - một lãnh đạo tại Eurasia Group cho biết.

Chỉ mới tuần trước, Ngoại trưởng Mỹ - Rex Tillerson cho biết ông rất mừng vì Triều Tiên đã kiềm chế đáng kể từ khi Hội đồng Bảo an Liên hợp Quốc thông qua vòng trừng phạt mới nhất ngày 5/8. Những biện pháp này sẽ chặn đứng cả tỷ USD hàng xuất khẩu của Triều Tiên, khi đánh vào hàng loạt ngành lớn, như than đá, quặng sắt và hải sản.

Tuy nhiên, giới phân tích cho rằng chúng chưa thể đủ khiến nước này nhượng bộ về chương trình vũ khí. Triều Tiên vẫn còn nhiều nguồn thu khác.

1. Hàng dệt may

trieu-tien-con-lai-gi-sau-cac-lenh-trung-phat

Công nhân Triều Tiên làm việc trong một nhà máy ở Đan Đông (Trung Quốc). Ảnh: Reuters

Trung Quốc đóng góp 90% thương mại quốc tế của Triều Tiên, là cầu nối quan trọng giữa quốc gia này và nền kinh tế toàn cầu. Lệnh trừng phạt mới nhất của Liên hợp quốc đã cấm Trung Quốc mua 3 trong 5 sản phẩm hàng đầu từ Triều Tiên. Tuy nhiên, nó vẫn còn để lại hàng dệt may và thời trang.

Vấn đề là không ai biết tình hình ngành dệt may của Triều Tiên ra sao. Các nhà phân tích thì trích các số liệu chỉ ra xuất khẩu ngành này năm ngoái giảm.

Tuy nhiên, một báo cáo gần đây của Reuters lại cho thấy, từ hoạt động biên giới Trung - Triều, có vẻ các doanh nghiệp Trung Quốc đang tăng sử dụng nhà máy Triều Tiên để làm ra sản phẩm mang nhãn "made in China". Sau đó, họ sẽ xuất khẩu chúng.

Quy mô dệt may của Triều Tiên đã biến ngành này thành mục tiêu tiềm năng cho các lệnh trừng phạt, giới phân tích cho biết. "Nếu tôi là doanh nhân Trung Quốc, tôi sẽ không muốn đổ thêm tiền vào Triều Tiên bây giờ đâu", Kent Boydston - nhà nghiên cứu tại Viện Kinh tế Quốc tế Peterson nói.

2. Dầu mỏ

Các chuyên gia cho rằng dầu thô cũng nên được đưa vào danh sách trừng phạt. Tuy nhiên, chưa ai thống kê được chính xác Trung Quốc bán cho Triều Tiên bao nhiêu dầu kể từ khi Trung Quốc ngừng công bố số liệu này cách đây vài năm.

Việc thiếu minh bạch đã khiến giới chuyên gia ngờ vực tuyên bố của Trung Quốc, rằng họ đang thực hiện nghiêm túc các lệnh trừng phạt của Liên hợp quốc lên Triều Tiên.

3. Các ngân hàng Trung Quốc

Những nghi ngờ về nỗ lực của Nga và Trung Quốc trong việc kiềm chế Triều Tiên đã làm dấy lên lời kêu gọi Mỹ nghiêm khắc hơn với các công ty làm ăn với Triều Tiên.

Chính quyền Tổng thống Donald Trump đã có biện pháp về vấn đề này. Tuần trước, họ đã trừng phạt nhiều công ty Trung Quốc và Nga vì tham gia vào các thương vụ với Triều Tiên. Hồi tháng 6, Bộ Tài chính Mỹ cũng cấm cửa một ngân hàng Trung Quốc tiếp cận với hệ thống tài chính Mỹ, vì có quan hệ mập mờ với Triều Tiên.

Dù vậy, cựu quan chức Tài chính Mỹ - Anthony Ruggiero cho rằng họ cần làm mạnh tay hơn, kể cả phải phạt tiền. Những người khác thì khẳng định Trung Quốc sẽ không bao giờ đẩy Triều Tiên đến bờ vực sụp đổ về kinh tế.

Trung Quốc vẫn muốn duy trì vị trí bộ đệm chiến lược của Triều Tiên, để ngăn ảnh hưởng của Mỹ tại Đông Á. Thậm chí, nếu gây sức ép quá lớn lên Trung Quốc, Mỹ còn có thể khiến các công ty nước mình tại Trung Quốc bị tẩy chay.

Hà Thu(theo CNN)

Let's block ads! (Why?)