Một món nghêu luộc có 5 mức thuế khác nhau

Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu Thủy sản Việt Nam (VASEP) vừa kiến nghị Bộ Tài chính tháo gỡ vướng mắc về 5 mức thuế suất giá trị gia tăng (VAT) cho cùng một sản phẩm thủy sản.  Theo VASEP, đơn vị này ghi nhận phản ánh của một số doanh nghiệp hội viên về việc nộp thuế trong mua - bán các sản phẩm thủy sản sơ chế phải qua công đoạn luộc, hấp (như nghêu, ghẹ thịt …) đang gặp phải một số vướng mắc. 

Cụ thể, với sản phẩm nghêu vỏ, thịt dạng hấp, luộc - sơ chế sản xuất trong nước và nhập khẩu có đặc điểm, quy trình sản xuất như nhau nhưng bị áp thuế suất VAT khác nhau. Thuế VAT đầu vào của nghêu luộc sơ chế với mục đích để tách vỏ, lấy thịt ra khi doanh nghiệp mua của các đơn vị trong nước sẽ không tính thuế. 

Tuy nhiên, với doanh nghiệp nhập khẩu nghêu luộc nói trên, hải quan tính thuế thuế VAT 10% theo biểu thuế nhập khẩu nghêu luộc xếp vào nhóm động vật giáp xác đã được chế biến hoặc bảo quản. Trong khi đó, theo hướng dẫn hiện hành của Tổng cục Thuế, nghêu luộc thuộc nhóm thủy sản, hải sản chưa chế biến thành các sản phẩm khác hoặc chỉ qua sơ chế thông thường và thuế suất thông thường là 5%.

VASEP cũng cho biết, với cách tính như trên, nghêu luộc sơ chế trên sau khi phân loại đóng gói, đơn vị bán nghêu luộc cho các doanh nghiệp, hợp tác xã khâu kinh doanh thương mại sẽ không kê khai tính thuế. Tuy nhiên, khi bán cho đối tượng khác thì thuế suất là 5%, không phân biệt nguồn gốc từ nhập khẩu hay trong nước. Tuy nhiên, cũng sản phẩm đó, nếu nhập khẩu, hải quan áp thuế đầu vào VAT 10% (do xếp vào sản phẩm đã qua chế biến) thì bán ra cũng phải tính 10%.  

Theo VASEP, với cách trên, cùng một sản phẩm là nghêu luộc, doanh nghiệp bán ra có thể bị áp 5 thuế suất khác nhau. Hiệp hội cho biết, khi thắc mắc vấn đề trên thì cơ quan thuế và hải quan cũng có sự giải thích không thống nhất. Cùng với đó, theo cơ quan thuế địa phương, nghêu luộc bán ra phải tách riêng nguồn nhập khẩu thuế VAT 10%, nguồn sản xuất trong nước 5%. Tương tự, siêu thị bán ra cùng một mặt hàng cũng phải tách nguồn để áp 2 thuế suất khác nhau trên.  

Cũng theo Hiệp hội, việc tính thuế trên vô cùng phức tạp dễ gây sai sót nhầm lẫn cho doanh nghiệp và người tiêu dùng.

“Với hướng dẫn và giải đáp khác nhau như trên của phía Cục Thuế và Hải quan, hiện các doanh nghiệp vô cùng bối rối với 'mê cung' thuế suất và sự không thống nhất nói trên”, VASEP cho biết.

Let's block ads! (Why?)