Vì sao nên làm nhiều nghề một lúc?

Chắc hẳn có những lúc bạn mong muốn làm một việc gì đó khác với chuyên môn hiện tại của mình. Tuy nhiên, việc chuyển hẳn sang một lĩnh vực khác, như từ lập trình viên sang nhà văn, hay biên tập viên sang nhà thiết kế thường kéo theo rủi ro khá cao.

Giải pháp ở đây là làm song song cả hai việc. Trên Harvard Business Review, tác giả Kabir Sehgal đã chia sẻ quan điểm của mình về vấn đề này: "Tôi đang làm đồng thời 4 nghề: chiến lược gia doanh nghiệp cho Fortune 500, sĩ quan Hải quân Mỹ, viết sách và nhà sản xuất âm nhạc. Khi mọi người hỏi lý do vì sao tôi lại làm nhiều nghề như vậy, câu trả lời là điều đó khiến tôi cảm thấy hài lòng và hạnh phúc hơn, từ đó làm việc hiệu quả hơn.

Phát triển kỹ năng

vi-sao-nen-lam-nhieu-nghe-mot-luc

Kabir Sehgal hiện làm tới 4 công việc khác nhau. Ảnh: Dartmouth

Tiền lương từ công việc văn phòng tạo điều kiện cho tôi bước chân vào ngành công nghiệp âm nhạc. Mới đầu tôi làm việc này không phải vì tiền, mà vì niềm đam mê dành cho nhạc cổ điển và jazz. Vì thế, tôi tình nguyện làm thêm không công sau giờ làm để tích lũy kinh nghiệm. Công việc cố vấn doanh nghiệp tuy không giúp tôi có đủ tiền để sản xuất đĩa hát, nhưng lại dạy cho tôi những kỹ năng mà một nhà sản xuất thành công cần có: tầm nhìn rõ ràng, biết dùng người, lên kế hoạch và huy động vốn. Sau khi cho ra đời một vài album và thắng vài giải Grammy, các nghệ sĩ bắt đầu tìm đến tôi.

Tôi cũng từng mời một vài khách hàng doanh nghiệp tới thăm khu vực thu âm. Với những người làm việc cả ngày ở văn phòng, họ cảm thấy vô cùng thú vị khi được gặp gỡ với các nghệ sĩ. Niềm vui của họ càng giúp cho công việc của tôi trở nên thuận lợi.

*7 thói quen khiến bạn mất chuyên nghiệp ở công sở

Mở rộng mối quan hệ

Hồi còn làm ở Phố Wall, mạng lưới quan hệ của tôi chỉ quanh quẩn trong lĩnh vực tài chính: nhân viên ngân hàng, môi giới, nhà phân tích, nhà kinh tế. Tất cả chúng tôi đều có chung một cái nhìn về thị trường, trong khi khách hàng lại luôn mong muốn một quan điểm mới lạ. Họ không để ý tới những gì gọi là ý kiến tập thể. Vì thế tôi muốn tìm kiếm những người có thể mang lại cho khách hàng một góc nhìn khác biệt.

Chẳng hạn, một trong những khách hàng của tôi muốn hiểu dân Trung Quốc nói gì với nhau. Là một tác giả sách, tôi có cơ hội quen biết với những nhà văn khác, nên đã tìm tới một người bạn là phóng viên cho một tạp chí tại Trung Quốc. Không bị hạn chế bởi những quy định ngân hàng, người này thoải mái đưa ra quan điểm của mình, và được khách hàng của tôi đánh giá rất cao. Nhờ đó, khách hàng được hiểu biết thêm, còn tôi có thêm mối làm ăn và bạn tôi có thêm một người yêu mến.

Tạo ra sáng kiến mới

Khi làm nhiều nghề cùng lúc, bạn sẽ biết cách kết hợp những ý tưởng để cho ra kết quả đột phá.

Năm 2005, cơn bão Katrina khiến nhiều nghệ sĩ rời khỏi New Orleans. Để giúp đỡ họ, tôi đã lập một trang web cho phép người dùng đặt nghệ sĩ tới biểu diễn tại các buổi tiệc. Trên đó còn có mục thêm tiền boa, số tiền đó sẽ được tự động chuyển tới một quỹ từ thiện tại New Orleans.

Như vậy, những người có nhu cầu (trong một vài trường hợp chính là khách hàng doanh nghiệp của tôi) có thể dễ dàng tìm được ban nhạc cho tiệc của mình, các nghệ sĩ có nguồn thu nhập và tổ chức từ tiện tại New Orleans có thêm một khoản đóng góp nho nhỏ.

Nói tóm lại, hãy nghe theo trí tò mò của mình, biến đam mê thành sự nghiệp. Rồi bạn sẽ cảm thấy hạnh phúc trọn vẹn hơn. Làm nhiều nghề cùng một lúc sẽ cho bạn nhiều bài học và giúp bạn làm tốt mọi thứ hơn trước rất nhiều.

Hà Tường(theo HBR)

Let's block ads! (Why?)