1.Toshiba trên bờ vực phá sản
* Toshiba muốn bán mảng chip nhớ
Toshiba từng là nhà sản xuất tiên phong trong các lĩnh vực tivi, máy tính xách tay và nhiều thiết bị điện tử gia đình khác. Tuy nhiên, doanh nghiệp này hiện đang phải chật vật duy trì hoạt động nhờ sự hỗ trợ chính từ các ngân hàng.
CEO WisdomTree Investments Japan - Jesper Koll nhận xét Toshiba là doanh nghiệp "xác sống" cuối cùng - doanh nghiệp gần phá sản vẫn được cứu trợ để duy trì hoạt động, hoặc chỉ tạo ra đủ lợi nhuận trả lãi mà không giảm được nợ gốc.
Toshiba thua lỗ chủ yếu ở những lĩnh vực then chốt ở các công ty tại Trung Quốc và Hàn Quốc. Để cứu vãn tình trạng này, Toshiba đã chuyển trọng tâm sang các lĩnh vực khác, dồn tiền vào mảng điện hạt nhân bằng việc mua lại nhà máy Westinghouse Electric tại Mỹ với giá 5,4 tỷ USD.
Tuy nhiên, doanh nghiệp này gặp phải bê bối kế toán khổng lồ năm 2015, khi mà dự án điện hạt nhân chưa mang lại hiệu quả. Hồi tháng 2, Toshiba thông báo các mảng điện hạt nhân tại Mỹ chậm tiến độ và vượt chi phí dự toán sẽ khiến họ thiệt hại khoảng 6,3 tỷ USD. Ngay sau đó, Westinghouse đã nộp đơn xin phá sản.
Cổ phiếu của hãng đã giảm hơn một nửa trong vài tháng gần đây. Đồng thời, Toshiba đang đấu giá mảng chip nhớ và nhiều lĩnh vực khác để cố gắng duy trì sự tồn tại.
2. Sanyo bị Panasonic thâu tóm
Biển báo của Sanyo được đặt tại quảng trường Piccadilly Circus ở London (Anh) từ năm 1978. |
Sanyo từng là nhà sản xuất thiết bị điện tử tiêu dùng lớn thứ ba Nhật Bản. Đây là một thương hiệu đồ gia dụng nổi tiếng trên toàn cầu. Năm 1978, Sanyo bắt đầu đặt biển quảng cáo neon tại quảng trường Piccadilly Circus đắt giá - một trong những điểm du lịch hàng đầu thành phố London (Anh).
Những năm 2000, doanh nghiệp này phải đối mặt với những cuộc khủng hoảng kéo dài và sự vươn lên mạnh mẽ của các đối thủ từ Trung Quốc, Hàn Quốc. Trong khi đó, đồng yen mạnh lên khiến cho hàng hoá Nhật Bản xuất khẩu trở nên đắt hơn và gây áp lực phải hợp nhất lên các nhà sản xuất. Vì vậy, năm 2009, Sanyo bị Panasonic thâu tóm.
Chiếc biển quảng cáo neon của Sanyo tại quảng trường Piccadilly Circus cũng trở thành nạn nhân của thay đổi công nghệ như chính doanh nghiệp này. Sanyo được yêu cầu thay nó bằng một màn hình LED hiện đại để hiển thị ảnh động. Tuy nhiên, doanh nghiệp này cho rằng "cảm thấy không cần phải thay đổi vì lý do kinh tế". Vì thế, từ năm 2011, chiếc biển quảng cáo này không còn nữa.
3. Sharp bị bán cho Foxconn
Sharp từng là hãng đồ dùng điện tử nổi tiếng trên toàn thế giới suốt nhiều năm. |
Những năm 1980, Sharp nổi tiếng với những máy tính, đầu băng video và máy nghe nhạc cầm tay. Doanh nghiệp này mạo hiểm đầu tư lớn vào sản xuất tivi LCD và màn hình.
Các hoạt động này đã giúp họ ăn nên làm ra trong một thời gian dài. Tuy nhiên, sau đó, đồng yen mạnh và khủng hoảng tài chính toàn cầu đã khiến nhu cầu sụt giảm. Sharp đứng trên bờ vượt phá sản suốt nhiều năm. Các ngân hàng từng hai lần phải cứu trợ công ty này.
Năm 2015, Sharp thông báo lỗ nặng và cắt giảm khoảng 5.000 lao động trên toàn cầu. Đây có thể là một con số không lớn với doanh nghiệp tại các quốc gia khác. Tuy nhiên, theo Keith Henry - nhà sáng lập Asia Strategy tại Tokyo, 5.000 là một con số rất lớn tại một đất nước như Nhật Bản - nơi các công ty có truyền thống "duy trì hoạt động để nhân viên không thất nghiệp".
Cuối cùng, Sharp bị Foxconn - hãng công nghệ Đài Loan (Trung Quốc) mua lại hồi năm ngoái.
4. Olympus tồn tại nhờ kinh doanh thiết bị y tế
Olympus khởi đầu là một nhà chế tạo kính hiển vi. Sau đó, công ty này đứng đầu trong lĩnh vực sản xuất máy ảnh và cung cấp các thiết bị y tế. Tuy nhiên, những gian lận kế toán đã khiến Olympus gặp phải bê bối mất mặt.
Năm 2011, Michael Woodford trở thành CEO Olympus đầu tiên không phải người Nhật Bản. Ngay sau đó, ông đã phát hiện ra công ty này giả mạo những báo cáo tài chính nhằm che giấu thua lỗ từ những năm 90. Michael Woodford tiết lộ Olympus đã gian lận kế toán khoảng 1,7 tỷ USD trong 13 năm.
CEO Olympus - Woodford (phải) là người tiết lộ những gian lận kế toán của Olympus. |
Ông Woodford cho rằng văn hoá của Nhật Bản đã góp phần khiến những vấn đề của Olympus thêm trầm trọng. Sự tôn trọng những thành viên kỳ cựu tạo ra một môi trường khiến cho những quyết định quản lý yếu kém tồn tại suốt nhiều năm.
Tuy nhiên, công ty này đang trở lại với một đội ngũ nhân sự mới. Cổ phiếu Olympus đã tăng 10 lần so với mức thấp nhất hồi năm 2011, chủ yếu nhờ hoạt động kinh doanh thiết bị y tế.
Anh Tú(theo CNN)