Blogger du lịch Jayne Gorman người Sydney, Australia, từng đi hơn 60 quốc gia. Dưới đây là những chia sẻ của Jayne trên trang Skyscanner Australia ngày 26/5 về các "bẫy du lịch" gặp phải ở Campuchia và Việt Nam, kèm lời khuyên.
"Xe bus của cô đã đi rồi"
Chuyến đầu tiên của tôi tới Việt Nam có chút khó khăn. Ngay từ khi mới đến đây, bạn đường của tôi đã gặp phải sự từ chối kiên quyết của những tài xế xích lô khi không đưa chúng tôi tới nơi theo yêu cầu. Ấn tượng đầu tiên đó đã theo suốt hành trình của chúng tôi.
Xích lô là một phương tiện được nhiều du khách tới Việt Nam lựa chọn để đi tham quan theo chặng ngắn. Ảnh: nguoilaodong. |
Chúng tôi đi từ Campuchia đến Việt Nam thông qua một du thuyền trên sông Mekong. Kế hoạch của chúng tôi là bắt xe bus đi TP HCM nhưng khi bước xuống du thuyền tới bến xe thì chuyện xảy ra. Hai phút sau khi lên xe xích lô chúng tôi yêu cầu được chở tới bến bus nhưng tài xế nói: "Bến xe đóng cửa rồi và bus của các cô đã đi". Chúng tôi biết rằng điều này không đúng và kiểm tra kỹ lại lịch trình với người dẫn tour trên du thuyền. Tôi nói lại chắc chắn với tài xế: "Làm ơn cứ đưa chúng tôi tới bến xe" nhưng ông ấy từ chối.
Mặc cho chúng tôi kiên quyết, tài xế dừng ở chỗ người quen của ông trên một con phố nông thôn vắng vẻ và chuyển chúng tôi qua ngồi lên chiếc ôtô cũ của người này. Chúng tôi vẫn cầu xin tài xế xích lô chở chúng tôi qua bến xe để bắt xích lô hoặc taxi khác nhưng vô ích. Cuối cùng chúng tôi bỏ cuộc và đi cùng bạn của ông ấy rồi tới thành phố sau 6 tiếng, muộn hơn so với dự tính ban đầu nhưng vẫn an toàn.
Cách tránh bẫy: Bây giờ tôi sẽ cố gắng đặt xe thông qua khách sạn hoặc những hãng dịch vụ nổi tiếng, đồng thời tham khảo lời khuyên từ những du khách khác. Có thể cách này tốn thêm kha khá tiền nhưng ít ra bạn có thể tin cậy tài xế hơn và yêu cầu họ chở tới nơi tới chốn.
"Khách sạn của cô không tốt đâu"
Ở Campuchia vài ngày trước đó, chúng tôi cũng gặp vấn đề với một tài xế khác. Khi lên tuk tuk và đưa tên khách sạn để ông ấy chở tới thì được hỏi:"Các cô đã trả tiền phòng chỗ này chưa?". Nghe câu hỏi lạ lùng nhưng tôi thật thà trả lời: "Chưa, nhưng tại sao?" Ông ấy đáp rằng: "Khách sạn này không tốt đâu, tôi sẽ đưa các cô tới chỗ tốt hơn".
Thế là tài xế thả chúng tôi ở một khách sạn mà ông nhận tiền lại quả nhiều hơn chỗ được đánh giá cao trong sách hướng dẫn du lịch. Khách sạn Lake View mà tài xế giới thiệu nghe có vẻ sáng sủa nhưng phòng chúng tôi lại không có cửa sổ để ngắm "cảnh hồ" như tên gọi của nó.
Cách tránh bẫy: Hãy cứ theo như kế hoạch của bạn và nói với các tài xế là đã trả tiền phòng khách sạn rồi. Nếu bạn chưa thanh toán, thì nên kiểm tra phòng nhanh trước khi đưa tiền, điều này giúp bạn tránh được "vấn đề phòng không cửa sổ" như của tôi.
Giá xe xích lô lên xuống
Mỗi lần bắt taxi ở Việt Nam, tôi đều dính phải rắc rối về giá cả. Một tài xế xích lô từng ra giá cao tới 10 lần khi chở xong chúng tôi và khăng khăng là tôi nghe nhầm lời ông ấy nói. Thực sự tôi không hề nghe nhầm bởi luôn giơ ngón tay để kiểm tra số liệu. Một bẫy khác cũng liên quan tới tài xế là họ nhận chở cả bạn và người thân bạn với một giá cố định, nhưng sau đó lại xuất hiện tài xế xe ôm khác tới thay thế. Và giá đột nhiên tăng gấp đôi giá ban đầu hai bên đã thỏa thuận.
Cách tránh bẫy: Nếu bạn tìm được một chiếc taxi trả tiền theo đồng hồ km thì sẽ đỡ gặp phải vấn đề này hơn. Đi xích lô những chặng ngắn ở Việt Nam thì vui nhưng phải chuẩn bị thêm tiền khi đi. (Tôi thường có boa thêm cho những ai trung thực).
Chưa từng có tour này
Chuyến đi "đầy gian lận" ở Việt Nam của chúng tôi cũng kết thúc như cách nó bắt đầu. Ngày cuối tôi và bạn ở TP HCM, chúng tôi đặt tour đi Địa đạo Củ Chi qua một công ty tour trong thành phố. Như hướng dẫn ban đầu chúng tôi đợi ở khách sạn, nhưng mấy tiếng liền mà xe trung chuyển không tới. Ngày hôm sau, chúng tôi đành bay về nước và thất vọng tràn trề.
Cách tránh bẫy: Thay vì tiết kiệm được chút tiền khi chọn bừa một công ty du lịch, chúng tôi ước đặt tour qua khách sạn hoặc một website uy tín hơn.