Nhật Bản, Hàn Quốc đang 'khát' hoa Đà Lạt

Từ đầu năm 2017 đến nay, nhiều hộ dân trồng hoa ở phường 11 (TP Đà Lạt) đã bắt đầu có những lô hàng đầu tiên xuất hoa chất lượng cao sang thị trường Hàn Quốc và Nhật Bản. Những thị trường mới này đang hứa hẹn nhiều tiềm năng, mở ra một hướng tiêu thụ mới cho nhãn hiệu “Hoa Đà Lạt”.

Anh Đỗ Ngọc Lâm (tổ Huỳnh Tấn Phát) đã có hơn chục năm kinh nghiệm trồng các loại hoa. Đến cuối năm 2016, khi nhận thấy hiệu quả từ hoa trồng trong nhà kính cao hơn rõ rệt, anh tìm hiểu kỹ nhu cầu của thị trường và mới quyết định chuyển hướng sang trồng hoa cúc trắng. Không bán xuống Sài Gòn như cách tiêu thụ truyền thống, anh Lâm quyết định chọn thị trường Hàn Quốc mặc dù yêu cầu về chất lượng hoa cao hơn, trong khi sự chênh lệch giá không quá nhiều (khoảng 10 triệu đồng một vụ).

Lý giải cho điều này, anh Lâm cho rằng, đầu ra tại thị trường Hàn Quốc khá ổn định, nông dân không phải lo chuyện hoa phải bán tống bán tháo mỗi khi hoa rớt giá. Chính vì vậy, anh chấp nhận đầu tư nhiều hơn về kỹ thuật trồng.

Hiện anh đã xuất 300.000 cành hoa cúc trắng mang nhãn hiệu “Hoa Đà Lạt” sang thị trường Hàn Quốc, chiếm 70% trên tổng sản lượng thu hoạch được trên diện tích 1 ha nhà kính của gia đình anh. Đây là những cây đạt tiêu chuẩn đã được chọn lọc kỹ Anh Lâm cho biết, hoa “xuất ngoại” phải đáp ứng được những yêu cầu, tiêu chuẩn nghiêm ngặt từ thị trường này.

nhat-ban-han-quoc-dang-khat-hoa-da-lat

Hoa cúc chất lượng cao tại Đà Lạt chuẩn bị  "xuất ngoại" sang thị trường Hàn Quốc, Nhật Bản. Ảnh: Báo Lâm Đồng

Đầu tháng 1/2017, anh Nguyễn Văn Trung (tổ Đa Phước 2) cũng đã xuất những lô cẩm chướng đầu tiên với số lượng 200.000 cành sang Nhật Bản, giải quyết sự thất thường vẫn thường xuyên gặp phải đối với thị trường Sài Gòn. Sau 6 năm gắn bó với cây hoa cúc truyền thống, năm 2009, anh Trung quyết định đầu tư đồng bộ hệ thống nhà kính công nghệ cao trên diện tích 1 ha với tổng kinh phí hơn 2 tỷ đồng để nâng cấp, chuyển đổi từ hoa cúc sang thâm canh hoa cẩm chướng.

Với mong muốn khẳng định chất lượng của nhãn hiệu “Hoa Đà Lạt” trên từng sản phẩm, anh Trung đặc biệt chú trọng đến việc chọn nguồn giống hoa cũng như kỹ thuật trồng. Tại vườn hoa cẩm chướng, anh lắp đặt hệ thống tưới nước tự động phun sương trên giàn cao và tưới nhỏ giọt chôn ngầm dưới đất, nhằm đảm bảo cây hoa được cung cấp đủ lượng nước thích hợp, hoa sinh trưởng tốt, thẳng đều, búp hoa không bị sâu bệnh… Với chất lượng hoa cẩm chướng luôn được giữ vững, các đối tác Nhật Bản đã tự tìm đến anh Trung để liên kết, bao tiêu dài hạn. Và những lô cẩm chướng đầu tiên đã được thị trường ngoại đánh giá cao, là cơ sở để anh tiếp tục xuất lứa hoa thứ 2 vào tháng ba này.

Vốn là vùng có truyền thống trồng hoa lâu đời, phường 11 từ lâu đã trở thành “tầm ngắm” của nhiều công ty, doanh nghiệp nước ngoài. Các công ty Hàn Quốc, Nhật Bản đang dần nhận thấy chất lượng đảm bảo của nhãn hiệu “Hoa Đà Lạt” nên có xu hướng chủ động tìm đến, liên kết với nông dân ngày càng nhiều. Theo đó, các công ty sẽ lựa chọn những hộ nông dân có nhiều kinh nghiệm trồng hoa để liên hệ. Sau khi các hợp đồng 5 năm được ký kết, nông dân nhận được sự hỗ trợ về giống, kỹ thuật trồng và chăm sóc hoa từ chính các công ty. Đến giữa năm 2016, những cành hoa đầu tiên được “xuất ngoại” đã tạo dựng được lòng tin cho các thị trường này về chất lượng sản phẩm.

Chủ tịch Hội Nông dân phường 11 (TP Đà Lạt) Hoàng Bá Bình cho biết, các thị trường nổi tiếng khó tính này sẽ đưa ra các tiêu chuẩn nhất định về độ cao của cây, hoa, lá… Trong khi tâm lý chung của đa số nông dân vẫn ngại việc không đáp ứng được các tiêu chuẩn nghiêm ngặt đó nên còn e dè trong việc liên kết.

Anh Bùi Văn Sỹ, một trong những nông dân đầu tiên liên kết với các hộ nông dân khác tại địa phương xuất hoa sang Hàn Quốc, đánh giá khá cao tiềm năng của thị trường mới này. Với 5 ha trồng hoa cúc trắng trong nhà kính, anh còn liên kết với các hộ khác với tổng diện tích gần 10 ha để đảm bảo số lượng 500.000 cành mỗi tháng.

Với hợp đồng kéo dài từ tháng 12/2016 đến tháng 4/2017, anh Sỹ cho biết: Mặc dù giá cả chênh lệch không nhiều (với giá 2.000 đồng/cành chưa qua xử lý) nhưng sự ổn định được đảm bảo hơn thị trường Việt Nam. Người trồng chỉ việc đảm bảo chất lượng, đúng yêu cầu thì không phải lo đầu ra. “Thị trường nước ngoài khá rộng mở và nhu cầu còn rất lớn nên hiện tại, chúng tôi vẫn đang vừa sản xuất, vừa đảm bảo chất lượng nhằm cố gắng tạo dựng uy tín nhằm tìm kiếm đầu ra lâu dài và rộng mở cho sản phẩm của mình”, anh Sỹ chia sẻ.

Các hộ trồng hoa cũng nhận thấy được những thách thức khi liên kết bao tiêu sản phẩm với nước ngoài. Hiểu được việc trồng hoa sẽ có những rủi ro nhất định, các doanh nghiệp cũng có sự thoải mái, nới lỏng trong một vài trường hợp, điều này giúp tạo điều kiện cho nông dân có hướng khắc phục, giải quyết phù hợp.

Hiện các hộ nông dân tại phường 11 chỉ mới xuất khẩu 2 loại là hoa cúc trắng và hoa cẩm chướng. Trong thời gian tới, các loại hoa khác vốn là thế mạnh của địa phương như cát tường, hoa ly… cũng sẽ được tiến hành sản xuất theo tiêu chuẩn để “xuất ngoại”. "Địa phương cũng đang có kế hoạch thành lập tổ hợp tác xuất hoa ra nước ngoài, cũng như khuyến khích bà con nông dân mở rộng diện tích trồng, mở rộng liên kết để tạo hướng tiêu thụ bền vững cho sản phẩm", ông Bình cho biết thêm.

Theo Báo Lâm Đồng

Let's block ads! (Why?)