Ngành nghề chính là kinh doanh, xuất khẩu gạo nhưng tới tháng cuối cùng của năm 2016, Công ty Thịnh Phát (Sóc Trăng) không bán nổi một hạt gạo trực tiếp sang các thị trường nước ngoài, mà chủ yếu tiêu thụ trong nước. Điều này được ông Lâm Anh Tuấn - Giám đốc Công ty lý giải là ngoài khó khăn về thị trường, nghịch lý giá trong nước ở mức cao trong khi giá xuất thấp khiến doanh nghiệp không thể bán được hàng.
Câu chuyện mà Thịnh Phát gặp phải trong năm qua cũng là mẫu số chung của nhiều doanh nghiệp kinh doanh, xuất khẩu mặt hàng này vấp phải. Theo đó, kim ngạch xuất khẩu gạo của Việt Nam năm 2016 giảm mạnh so với 2 năm liền trước đó.
Số liệu mới nhất của Tổng cục Hải quan cho thấy, tới hết tháng 12/2016 giá trị gạo xuất khẩu chỉ đạt 4,8 triệu tấn, với kim ngạch 2,1 tỷ USD. Con số “chốt” này thấp hơn 600.000 tấn so với kế hoạch đưa ra hồi đầu năm và giảm tới 1,8 triệu tấn so với năm 2015; giảm 1,4 triệu tấn so với 2014.
Trước đây khi thuận lợi, gạo Việt đã chiếm ưu thế tại nhiều thị trường, đặc biệt là khu vực châu Á. Tuy nhiên, nay “gió đã đổi chiều” khi loạt thị trường xuất khẩu truyền thống như Indonesia, Philippines hay Malaysia… đều giảm lượng hàng nhập, quay về với chính sách tự cung tự cấp gạo trong nước. Ngay cả với thị trường Trung Quốc lâu nay vẫn có tiếng là dễ tính, cũng đưa ra loạt chính sách mới gắt gao hơn trong kiểm soát chất lượng gạo nhập khẩu.
Năm 2017 được dự báo tiếp tục là năm khó khăn của gạo Việt xuất ngoại. |
Năm 2015 lượng gạo Việt xuất khẩu sang Trung Quốc đạt 2,1 triệu tấn, Phillippines là 1,1 triệu tấn thì sang năm 2016 con số này đã giảm tới 40% với thị trường Trung Quốc và 60% với Phillippines, lần lượt chỉ còn 1,7 triệu tấn và hơn 395.000 tấn.
Bàn về con đường xuất ngoại của gạo Việt, chia sẻ với VnExpress chuyên gia kinh tế Phạm Chi Lan không khỏi ngậm ngùi cho rằng nông nghiệp Việt Nam vẫn tự hào khi có thứ hạng cao trong xuất khẩu một số mặt hàng như gạo, cà phê… nhưng giá trị thực thu về cho nền kinh tế lại không như kỳ vọng. Bàn về xuất khẩu gạo bà Lan cho nói, dù đạt số lượng xuất lớn song phần lớn gạo xuất đi có giá trị kém hơn nhiều so với sản phẩm của các đối thủ cạnh tranh là Ấn Độ, Thái Lan….
“Những khoán 10, khoán 100 của thời kỳ hậu bao cấp đã giúp ngành nông nghiệp bật lên rất nhanh. Nhưng trong suốt những năm sau đó Việt Nam đã ham chạy theo thành tích, mải miết với số lượng xuất khẩu lương thực, mà không hề quan tâm đến giá trị mang lại”, bà buồn rầu và nhấn mạnh hệ quả của việc xuất khẩu kiểu thành tích này là người tạo ra hạt gạo không được thụ hưởng bao nhiêu từ dư thừa lúa gạo.
Cùng với chính sách thay đổi giới hạn hạn điền, giảm diện tích trồng lúa từ 3,8 triệu ha xuống còn 2,2 triệu và tái cơ cấu ngành lúa gạo thì thời điểm này buộc ngành lúa gạo ở tình thế phải thay đổi.
“Thay vì mải miết đi bán gạo cho các nước nghèo, sức mua không cao, giá bị chèn ép thì tại sao chúng ta không đẩy mạnh xuất những mặt hàng đem lại giá trị kinh tế, thị trường lớn hơn như con tôm? Bán ít nhưng thu nhập cao, còn hơn chạy số lượng mà giá trị èo uột”, bà Phạm Chi Lan đặt vấn đề.
Vị chuyên gia này đồng thời nhấn mạnh nút thắt lớn nhất là đất đai, phải đảm bảo tích tụ đất đai đến ngưỡng cho phép để ứng dụng mạnh công nghệ sạch, khoa học kỹ thuật vào sản xuất trong nông nghiệp theo quy mô lớn, chất lượng cao…
Giáo sư Võ Tòng Xuân - chuyên gia hàng đầu về nông nghiệp Việt Nam cũng cho rằng con đường xuất khẩu của gạo Việt không thể mãi theo lối mòn, nghĩa là để thương lái thu gom gạo rồi đem đi xuất khẩu, mà phải “chơi” với trung gian để biết được địa chỉ nơi đến của hạt gạo, chủ động trong cung ứng sẽ bán loại gạo gì, bán cho ai?.
Lâu nay Việt Nam vẫn sản xuất lúa gạo nhưng không biết xuất đi đâu. Khi có hợp đồng đấu thầu thì mới hối hả đi mua gom của thương lái để cung cấp cho khách hàng. “Chúng ta vẫn cần đến đội ngũ trung gian, họ biết nhu cầu khách hàng năm tới là gì, từ đó mới quay về “đặt hàng” nhà sản xuất trong nước. Khi khách hàng đã biết đến gạo Việt Nam thì họ sẽ mua thẳng. Ngồi một chỗ chờ thì lâu lắm, khó lắm, khó có thể chủ động được!”, Giáo sư Võ Tòng Xuân góp ý.
Trước những khó khăn nhìn thấy trước của gạo Việt trên con đường xuất ngoại năm 2017, chia sẻ với VnExpress Bộ trưởng Công Thương Trần Tuấn Anh cho hay, cơ quan này sẽ rà soát khuôn khổ pháp lý và thể chế để gỡ khó cho doanh nghiệp xuất khẩu gạo, nhất là về điều kiện kinh doanh để khai thác thị trường thế giới và các cam kết hội nhập quốc tế. Động thái rõ ràng nhất, cơ quan này đã lập Ban soạn thảo và tổ biên tập sửa đổi Nghị định 109, vốn được coi là “vật cản đường” lâu nay của doanh nghiệp kinh doanh, xuất khẩu gạo.
“Thị trường do người mua quyết định, chứ không phải người bán và cả tình trạng mất cân đối cung-cầu đang buộc chúng ta phải tính toán làm sao giải phóng lực lượng sản xuất, nhất là các doanh nghiệp xuất khẩu gạo”, Bộ trưởng Tuấn Anh nói.
Các giải pháp thị trường cũng được người đứng đầu ngành Công Thương nhấn mạnh gồm nhiều nội dung, từ điều hành trong xuất khẩu gạo, đến biện pháp bảo đảm ổn định về chất lượng sản phẩm và năng lực cạnh tranh, nhất là giá thành để phù hợp với tính đặc thù từng thị trường. “Cần có sự liên kết, phối hợp chặt chẽ giữa người nông dân với doanh nghiệp chế biến, cung ứng xuất khẩu và hệ thống logistic để hình thành chuỗi sản xuất, phân phối mới thúc đẩy được việc đưa hạt gạo Việt Nam đi xa hơn”, Bộ trưởng Tuấn Anh dứt khoát.
Vì thế cơ quan này sẽ cùng Bộ Nông nghiệp nghiên cứu, điều chỉnh lại cơ cấu sản xuất gạo nhằm xác định đúng vị trí thế đứng của hạt gạo Việt trên thị trường gạo thế giới.
Trong lúc chờ những chính sách và cơ chế mới, ông Huỳnh Thế Năng, Chủ tịch Hiệp hội Lương thực Việt Nam cho rằng, năm 2017 vẫn sẽ tiếp tục là năm khó khăn của hạt gạo xuất khẩu, bởi ngay cả thị trường Trung Quốc cũng khó đạt được sản lượng xuất khẩu như mong muốn. Dự báo lượng xuất khẩu tạo năm 2017 chỉ đạt quanh mức trên 5 triệu tấn, tăng nhẹ so với 2016.
Anh Minh