Người thông minh chưa chắc trở thành doanh nhân giỏi

Nguyên nhân đầu tiên là tâm lý "mình làm mọi việc tốt hơn người khác". Nếu đã biết rõ quy tắc 80/20 (80% công việc được hoàn thành bởi 20% thành viên), bạn nghĩ điều gì sẽ xảy ra khi làm nhóm? Những người thông minh và tài năng nhất sẽ lựa chọn làm phần việc nhiều nhất. Họ không muốn mạo hiểm với điểm số của mình bằng việc chia đều hay tin rằng những người thường thường xuyên vắng mặt hay ngủ gật trong lớp có thể làm tốt phần của họ.

Những người thông minh nhất sẽ làm mọi thứ tốt hơn so với hầu hết những người còn lại. Họ viết tốt hơn, lên kế hoạch tốt hơn và suy luận cũng tốt hơn. Tuy nhiên, đến khi bắt tay vào kinh doanh, họ lại chẳng làm được gì.

Một ngày chỉ có 24 tiếng và con người cần phải ăn, ngủ, tắm, làm một số việc khác. Vì vậy, nếu mỗi ngày người thông minh cố gắng tự làm hết tất cả các công việc, vì không chịu được cảnh người khác làm kém hơn mình, anh ta sẽ bị mắc kẹt với một điều duy nhất - công việc và kết cục là không thể phát triển hơn được.

nguoi-thong-minh-chua-chac-tro-thanh-doanh-nhan-gioi

Kinh doanh thành công cần sự kết hợp của nhiều thứ hơn là chỉ sự thông minh. Ảnh: Intelligent Office

Một điều nghe khá buồn cười là trên thực tế, những người vốn được coi là chểnh mảng lại phù hợp với công việc kinh doanh hơn là người thông minh. Đó là bởi họ phát hiện ra những người thông minh sẽ làm thay công việc của họ. Họ biết cách phân quyền và đôi khi, còn biết cách khiến người khác làm thay những điều mà họ không muốn làm.

Trong điều kiện lý tưởng, người thông minh có thể truyền đạt lại tài năng của mình cho người khác. Tuy nhiên, vì luôn tự làm mọi việc một mình, họ không học được những kỹ năng cần thiết nhằm giúp việc kinh doanh trở nên phát đạt, như quy trình tự động hay phân công công việc. Là người thông minh, lẽ ra bạn có thể sử dụng trí tuệ của mình tóm tắt lại kiến thức theo cách dễ học hỏi nhất cho mọi người. 

Người tài năng và thông minh thường rất tinh tế khi nhận ra những điều bất thường hay phức tạp. Họ không thích tuân theo quy tắc giữ cho mọi thứ đơn giản và bình thường - điều vốn rất cần thiết nếu muốn kinh doanh thành công.

Nếu bạn nghĩ tới dây chuyền lắp ráp tại một nhà máy sản xuất nổi tiếng hay sự hiện diện toàn cầu của McDonald’s, bạn có thể cho rằng chúng rất phức tạp. Nhưng trên thực tế, đó là sự tổng hợp của hàng loạt công việc vô cùng đơn giản. Mỗi công việc đều được chia thành các bước dễ làm theo. Các công nhân thực hiện lặp đi lặp lại những nhiệm vụ đã được xác định cụ thể. Đầu bếp, thu ngân hay nhân viên giao hàng ở McDonald’s cũng vậy. Họ không phải học quá nhiều, do mọi thứ đều đã được chuẩn hóa.

Đại đa số nhân viên của các công ty lớn và nổi tiếng trên thế giới đều không phải là những người thông minh nhất. Họ là những nhân viên bình thường, trung bình hoặc thậm chí là khá ngờ nghệch. Những công ty này chỉ có một số cá nhân đủ thông minh để chuẩn hóa quy trình cũng như phân chia công việc một cách hợp lý.

Vì vậy, thông minh hay tài năng cũng không giúp bạn được nhiều trừ khi bạn tận dụng chúng nhằm tìm ra cách tối giản hóa các nhiệm vụ phải làm để việc kinh doanh trở nên trơn tru hơn. Điều này không dễ dàng, bởi nó đi ngược lại những điều bạn đã từng làm và đối lập với những gì bạn đã từng được dạy trước đây. Tuy nhiên, việc làm trên là cần thiết nếu muốn kinh doanh thành công và nó cũng lý giải được vì sao người thông minh chưa chắc sẽ kinh doanh giỏi.

Một vấn đề khác là việc người thông minh thường có quá nhiều thứ để mất. Bạn càng giỏi thì lại càng có nhiều sự lựa chọn. Bạn có khả năng kiếm được nhiều tiền ở nhiều lĩnh vực khác nhau cũng như có cơ hội thăng tiến nghề nghiệp.  Điều nay có nghĩa rằng khi bắt đầu kinh doanh, bạn có nhiều rủi ro hơn những người ít cơ hội việc làm và tiền bạc. Điều này có nghĩa là bạn cần phải có một cơ hội kinh doanh mang lại giá trị lớn hơn rất nhiều, sao cho tương xứng với công sức mà bạn đã bỏ ra.

Bởi vì có quá nhiều thứ để mất cùng với rất nhiều sự lựa chọn có sẵn, cũng chẳng có gì ngạc nhiên khi rất nhiều người xuất sắc nhất khi còn đi học lại chỉ dừng ở việc làm nhân viên cho các tập đoàn lớn, còn những học sinh chỉ ở mức trung bình thì lại đạt được thành công riêng trong việc kinh doanh.

Ngọc Anh (theo Entrepreneur)

Let's block ads! (Why?)