Trần Việt Anh (Hà Nội) là blogger du lịch, phượt thủ từng đi xuyên Việt bằng xe đạp, du lịch bụi tới một số nước Đông Nam Á như Lào, Campuchia, Myanmar, Thái Lan... Dưới đây là lịch trình du lịch Sa Pa 3 ngày 4 đêm (khởi hành bằng xe ôtô) mà Việt Anh chia sẻ:
Bạn nên bắt xe ôtô chuyến cuối lúc 22h ở bến Mỹ Đình như Hưng Thành, Sao Việt hoặc ở khu phố cổ như xe Inter Bus Line. Các xe này chạy đến khoảng 4-5h sáng sẽ có mặt tại Sa Pa, tiện cho việc bạn nhận phòng nghỉ, tiết kiệm được một đêm.
Cánh đồng lúa ở Cát Cát kéo dài tới tận Lao Chải – Tả Van – Bản Dền – Thanh Kim… Ảnh: Trần Việt Anh. |
Ngày 1: Cát Cát (hoặc đi cáp treo Fansipan) – Thác Bạc – thác Tình Yêu – suối Vàng – Ngắm hoàng hôn ở đèo Ô Quy Hồ
5h: Lên tới Sa Pa check-in phòng khách sạn và gửi đồ. Bạn nên thuê phòng ở khu trung tâm phố Cầu Mây hoặc Fansipan vì hai địa điểm này yên tĩnh, gần chợ tiện cho việc đi ăn. Hoặc bạn cũng có thể thuê phòng ở đối diện hồ trung tâm Sa Pa, cũng gần quán ăn, cà phê nhưng đi bộ vào khu trung tâm mất một đoạn.
*Mẹo: thường xe khách sẽ dừng ở bến cách trung tâm thị trấn Sa Pa khoảng một km, bạn có thể bắt taxi để về khách sạn cho tiện nếu mang nhiều đồ, hay đi cùng gia đình có người già và trẻ nhỏ.
8h: Sau khi cất đồ, về sinh cá nhân và nghỉ ở khách sạn. Bạn nên thuê luôn một chiếc xe máy để tiện di chuyển, sau đó tìm chỗ ăn sáng. Có rất nhiều quán ăn sáng quanh Sa Pa (phở, bún, cháo giá trung bình 30.000 - 40.000 đồng/bát). Bạn có thể ăn ngay tại khu phố ẩm thực quanh quảng trường.
8h45: Lựa chọn đi Cát Cát hoặc đi cáp treo lên đỉnh Fansipan (giá 600.000 đồng/người).
Phương án đi Cát Cát: Đây là một ngôi làng nhỏ nằm ngay dưới thị trấn Sa Pa, nơi có người đồng bào dân tộc H’Mông Hoa sinh sống. Quang cảnh bản làng rất thanh bình, người dân ở đây ngoài đi nương, rẫy, hàng ngày họ dệt vải thổ cẩm và làm nến sáp ong. Bạn nên dành nửa ngày để đi một vòng quanh bản, ngắm nhìn, tìm hiểu về cuộc sống, văn hóa của người H’Mông ở đây. Nếu đi đúng mùa cấy hoặc gặt lúa bạn sẽ được hòa mình vào không khí lao động hăng say cùng người dân. Để đi xuống Cát Cát bạn nên thuê một chiếc xe máy sẽ tiết kiệm nhiều thời gian. Vé tham quan 50.000 đồng/người lớn, 20.000 đồng/trẻ em.
12h: Bạn trở lại trung tâm thị trấn ăn trưa, có thể là cơm, bún, phở tại khu ẩm thực, hoặc các nhà hàng trên phố Cầu Mây. Giá trung bình cho một phần cơm là 40.000 -50.000 đồng.
13h: Về lại khách sạn nghỉ ngơi.
14h: Lên đường đi Thác Bạc – thác Tình Yêu – đèo Ô Quy Hồ
Điểm đầu tiên trên hành trình mà bạn sẽ gặp là Thác Bạc. Nhìn từ xa dòng thác như dải lụa trắng ai vắt ngang đồi. Nước ở thác dùng để nuôi cá tầm và cá hồi ở trại cá ngay dưới chân thác. Giá vé 20.000 đồng/người lớn, 10.000 đồng/trẻ em.
Con đường vắng vẻ và thơ mộng dẫn tới suối Vàng và thác Tình Yêu. Thác này gắn liền với truyền thuyết về một nàng tiên, trong một lần cùng bạn bè xuống trần dạo chơi vô tình gặp chàng tiều phu tên Ô Quy Hồ, nàng đem lòng yêu thương chàng trai. Tuy nhiên tình yêu của tiên và người bị ngăn cấm, nàng buồn rầu hóa thành chú chim, cất tiếng kêu Ô Quy Hồ da diết. Ảnh: Trần Việt Anh. |
15h: Tham quan thác Tình Yêu và suối Vàng. Để đến được thác Tình Yêu bạn mua vé ở Trạm Tôn (giá vé cả tuyến 70.000 đồng/người lớn, 30.000 đồng/trẻ em) và đi bộ khoảng 2 km. Cảnh hai bên đường khá đẹp, đặc biệt là dòng suối vàng, khi có ánh nắng chiếu xuống dòng nước lấp lánh rất đẹp.
17h: Rời thác Tình Yêu đi lên điểm ngắm hoàng hôn trên đỉnh đèo Ô Quy Hồ. Mặt trời sẽ lặn xuống sau dãy núi vào khoảng 17h30. Đứng ở đây bạn sẽ nhìn thấy những con đường uốn lượn quanh co nối từ Lào Cai sang Lai Châu. Những ngày trời lạnh lên đây ngồi ngắm mặt trời lặn, ăn thịt lợn quấn cải mèo nướng, cơm lam, mân mê trong tay chén chè ngọt là một trải nghiệm thú vị.
18h30: Về lại trung tâm thị trấn ăn tối. Bạn có 3 buổi tối ở Sa Pa, nhất định phải thử một trong 3 món: đồ nướng, lẩu cá tầm và gỏi cá hồi. Ở Sa Pa lúc nào trời cũng mát mẻ, mùa đông rất lạnh, thích hợp với việc ăn lẩu. Rau ở Sa Pa cũng rất ngon. Giá nhà hàng ở Sa Pa ở mức trung bình, không quá cao.
20h30: Ăn tối xong, bạn nên dạo quanh trung tâm thị trấn, chụp ảnh check-in nhà thờ đá, quảng trường, hoặc đi bộ dọc phố cổ Cầu Mây - nơi có nhiều quán cà phê và pub nhỏ để thư giãn cùng bạn bè.
22h: Về lại khách sạn nghỉ.
Ngày 2: Trekking Lao Chải – Tả Van từ sáng đến chiều
Đây sẽ là ngày đi bộ nhiều nhất, cũng là ngày bạn được khám phá nét đặc trưng văn hóa dân tộc vùng cao nhiều nhất. Chỉ ở Sa Pa mới có những chuyến đi bộ dài mà thú vị như thế. Những bước chân sẽ dẫn bạn từ bản làng người H’Mông, tới bản làng người Dáy. Bạn nên mua tour trekking một ngày hoặc thuê người bản địa (như phụ nữ H’Mong bạn gặp trên thị trấn) làm hướng dẫn. Họ sẽ giới thiệu về những tập tục, nét văn hóa và con người ở đây. Hơn nữa cảnh ở thung lung Lao Chải – Tả Van đẹp mê hồn.
Trekking Lao Chải - Tả Van trong một ngày. Ảnh: Trần Việt Anh. |
Có rất nhiều tuyến đường, kiểu tour ghép, bạn có thể chọn tour 290.000 đồng/người, có người đón từ Sa Pa, đưa đến Lao Chải và bắt đầu đi bộ. Cả quãng đường khoảng 9 km, đi qua bản làng, các cánh đồng lúa chín, ăn trưa, sau đấy bắt đầu vào đoạn đường mòn khó đi. Tour này chỉ thích hợp với người trẻ thích khám phá, còn với những gia đình có trẻ nhỏ và người già sẽ có tour riêng, với đường dễ đi hơn.
Nếu không mua tour, không thuê người bản địa dẫn đường bạn cũng có thể tự lấy xe máy đi. Chiều về còn thời gian bạn tham quan bãi đá cổ, đi xe máy đến đoạn bản Dền (nơi có resort Topas Ecologe), không gian yên tĩnh và đường đi rất đẹp.
Ngủ lại Tả Van (có thể chọn Tả Van Ecologic Homestay) hoặc về trung tâm thị trấn. Ngủ homestay ở Tả Van vô cùng yên tĩnh, sáng thức dậy xung quanh là ruộng lúa, cỏ cây, cả đêm nghe tiếng suối chảy rì rào, chắc chắn ở trung tâm thị trấn Sa Pa không có.
Ngày 3: Leo núi Hàm Rồng – Trekking Tả Phìn và tắm lá thuốc người Dao Đỏ - Về lại Hà Nội
8h30: Ăn sáng.
9h45: Leo núi Hàm Rồng (dù đêm ngủ lại ở Tả Van hay Sa Pa bạn cũng nên dậy sớm để kịp giờ) ngắm nhìn toàn cảnh Sa Pa từ trên cao. Đây là góc nhìn cao nhất ở trung tâm thị trấn. Trên núi Hàm Rồng có sân mây, vườn hoa với rất nhiều loài hoa đẹp, cổng trời, tượng 12 con giáp… các bạn gái còn có thể thuê trang phục dân tộc để mặc chụp hình. Giá vé 70.000 đồng/người lớn và 20.000 đồng/trẻ em.
12h: Xuống núi ăn trưa và về nghỉ tại khách sạn.
14h: Đi tới bản Tả Phìn (nếu bạn thuê xe máy riêng). Tả Phìn cách trung tâm thị trấn khoảng 9 km, bằng đường đi Lao Chải. Đây là nơi sinh sống của người Dao Đỏ. Họ nổi tiếng với những bài thuốc lá chữa xương khớp, tiêu hóa… Ở đây có ngôi nhà thờ đổ với tường rêu đỏ và những thửa ruộng bậc thang rất đẹp sẽ khiến bạn phải dừng chân chụp ảnh kỷ niệm.
Các xiên đồ nướng là món không thể bỏ qua ở Sa Pa. Ảnh: Trần Việt Anh. |
16h30: Tắm lá thuốc người Dao Đỏ. Phụ nữ Dao Đỏ sau khi sinh tắm thứ lá thuốc này vài ngày có thể đi nương, rẫy. Trẻ em cũng được tắm ngay sau khi sinh. Họ đổ lá thuốc còn rất nóng vào thùng gỗ, bạn sẽ vào trong và ngâm mình cho tới khi cảm giác say say, lâng lâng thì đi ra. Không chỉ là một trải nghiệm thú vị, sau hai ngày đi bộ, leo nhiều, chân đau, người mỏi tắm lá thuốc xong sẽ thấy khỏe hẳn.
18h: Về lại Sa Pa ăn tối, dạo chơi ở trung tâm thị trấn, mua quà mang về.
21h30: Lên xe về lại Hà Nội. Đi xe Inter Bus Line (giá 220.000 đồng/người), gần 5h sáng là có mặt tại phố cổ Hà Nội.
Các lưu ý khi chuẩn bị chuyến đi
Ảnh: Hành trình 3 ngày 4 đêm ở Sa Pa
Trần Việt Anh