Bí đao hơn 50kg mỗi trái ở Bình Định

Năm nay, vườn bí đao với 100 gốc của gia đình ông Nguyễn Đình Giáo ở thôn Chánh Trạch 1 nặng trĩu trái. Nông dân này kể: “Nghề trồng bí đao này có từ lâu lắm rồi, chúng tôi không nắm rõ mốc thời gian ra đời nhưng nghe đâu từ khi lập làng đã xuất hiện giống bí này, rồi các thế hệ truyền nghề cho nhau. Tại thôn Chánh Trạch 1 và 2, nhà nào trồng giống bí này đều có hình dạng to lớn khác thường. Vườn nhà tôi hiện có 100 trái, trái nặng nhất lên đến 50 kg”.

Theo người dân trồng bí đao, kích thước loại nông sản đặc biệt này có được nhờ vùng đất có thổ nhưỡng kỳ lạ. Tại đây, ba bề núi bao bọc, hướng mặt ra biển, bên dưới mặt đất sở hữu mạch nước ngầm tốt.

bi-dao-hon-50kg-moi-trai-o-binh-dinh

Nông dân Nguyễn Đình Giáo (57 tuổi, thôn Chánh Trạch 1, xã Mỹ Thọ) ôm trái bí đao nặng gần 50 kg.

“Nhiều người dân vùng khác đến xin hạt về để trồng nhưng không hiểu sao trọng lượng bí đao lại không 'khủng' như ở đây. Vì vậy, họ 'đổ oan' rằng mình cho giống xấu. Hôm trước, có người ở TP HCM về đây mua bí để triển lãm với giá 15.000 đồng một kg, tôi may mắn bán được 3 trái (43 kg mỗi trái), kiếm được gần 2 triệu đồng”, ông Giáo cho hay.

Theo ông Nguyễn Tống, Phó thôn Chánh Trạch 1, giống bí đao khổng lồ được người dân trồng từ tháng 11 (âm lịch) đến tháng 3 là thu hoạch, mỗi năm chỉ duy nhất một vụ.

“Năm nay, gia đình tôi trồng 60 cây thu hoạch được 60 trái trọng lượng 30-50 kg. Tôi bán sớm nên giá chỉ được 4.300 đồng một kg, trừ chi phí cũng kiếm được hơn 5 triệu đồng”, ông Tống cho biết.

Sau khi thu hoạch trái, một đặc sản từ cây bí đao rất được ưa chuộng là nước bí. Nước được lấy từ thân cây bí sau khi thu hoạch, có cây thu được 1-2 lít nước, mỗi lít bán ra với giá 40.000 đồng.

Theo người dân, nước bí dùng để thanh nhiệt, giải độc và trị các loại bệnh thông thường như lang ben, hắc lào và cũng có thể để từ năm này qua năm khác mà không bị hỏng.

bi-dao-hon-50kg-moi-trai-o-binh-dinh-1

Những trái bí đao 'khủng' treo lủng lẳng trên giàn tại xã Mỹ Thọ (huyện Phù Mỹ).

Theo ông Võ Ngọc Bình, thôn Chánh Trạch 1, nghề trồng bí đao “khổng lồ” tốn rất nhiều công sức, đòi hỏi người nông dân phải tỉ mỉ trong từng công đoạn và làm đúng theo quy trình.

Để bí có trọng lượng 'khủng', chỉ nên chọn một trái mỗi gốc và chú trọng khâu làm phân. Nếu cẩn thận thì người trồng cần đào hố thật sâu rồi lấy phân xanh (lá cây) để dưới, lót lớp phân chuồng lên trên lấp lại ủ trong vòng 5-10 ngày. Sau đó gieo hạt, khi cây có 2 lá mầm và độ cao chừng 50cm thì mới đào xung quanh và đưa phân chuồng, xác bánh dầu, rải phân u rê xuống hố… Khi nách lá có rễ đâm xuống bắt phân sẽ tươi tốt rất nhanh.

Nhiều năm trở lại đây, người trồng bí “khổng lồ” đang có chút phấn khởi khi nhiều người thu mua từ TP HCM, Long An... tìm về tận nơi để mua bí triển lãm với giá cao. Không chỉ có ưu thế bởi trọng lượng khủng, bí đao tại đây sau khi thu hoạch có thể để trong thời gian dài mà không bị hư hỏng nên người mua rất ưa chuộng.

bi-dao-hon-50kg-moi-trai-o-binh-dinh-2

Ông Giáo lấy nước từ thân bí đao.

“Với 150 gốc bí thì phải tốn khoảng một tấn phân chuồng. Mỗi gốc có thể cho hàng chục trái bí, nhưng khi bí đạt trọng lượng chừng 3 kg một trái thì tôi hái bán và để duy nhất một trái trên dây. Toàn bộ chất dinh dưỡng sẽ dành hết để chăm trái này nhanh lớn”, bà Trương Thị Phương, thôn Chánh Trạch 1 vui vẻ nói.

Ông Phạm Công Hảo, Chủ tịch Hội nông dân huyện Phù Mỹ cho biết: “Giống bí đao này chỉ có duy nhất tại thôn Chánh Trạch 1 và Chánh Trạch 2 (xã Mỹ Thọ) với 60 hộ tham gia trồng và có trọng lượng đến hơn 60 kg một trái. Đây là nghề truyền thống lắm công phu, mỗi năm tại vùng đất này nông dân bán ra thị trường hàng chục tấn”.

 Quy Nhơn

Let's block ads! (Why?)