Chị Thy (quận 3, TP HCM) cho biết đang rất thích thú với mô hình trồng dưa lưới qua mạng. “Tôi bắt đầu biết mô hình này qua bạn bè giới thiệu. Cứ vào website gọi điện thoại, hoặc comment đặt mua cây con và gửi tại công ty. Quá trình chăm sóc cây cho đến khi ra trái được nhân viên cập nhật liên tục qua mạng. Nếu muốn xuống thăm vườn thì tôi có thể xuống bất cứ lúc nào, còn không trang trại sẽ gửi sản phẩm về khi đến vụ thu hoạch”, chị Thy nói. Vị khách này cho biết đã mua 3 cây với giá 750.000 đồng qua dịch vụ nêu trên và kỳ vọng mỗi cây sẽ cho trái nặng trung bình 2-3 kg.
Mới chỉ tham gia được một vụ, chị Hoa ở quận Bình Thạnh cho biết rất hài lòng về chất lượng sản phẩm. “Không những nắm bắt được cách canh tác mà còn biết rõ nguồn gốc sản phẩm. Nếu chia bình quân thì giá trồng khá rẻ”, chị Hoa chia sẻ.
Dưa lưới đang là sản phẩm được người tiêu dùng ưa chuộng khi trồng qua mạng. Ảnh: M.H. |
Là đơn vị chuyên cung cấp dịch vụ trồng cây qua mạng, một doanh nghiệp ở Củ Chi cho biết với mỗi đơn hàng 2 cây dưa lưới, khách sẽ được cung cấp các cây con với một mã số nhất định. Người trồng sẽ chịu trách nhiệm chăm sóc và định kỳ gửi các thông tin, hình ảnh cây đến địa chỉ e-mail khách đã đăng ký. Khi đến giai đoạn thu hoạch, khách có thể đến vườn hoặc công ty sẽ gửi sản phẩm (trái dưa lưới) đến địa chỉ nhà riêng. Nhờ dịch vụ tốt, lạ nên lượng đơn hàng tại đơn vị này tăng theo mùa vụ.
Không chỉ cung cấp dịch vụ trồng dưa lưới qua mạng, anh Nguyễn Hoàng Danh chủ trang trại ở Cần Thơ còn bán luôn rau xà lách. Anh Danh cho biết khách có thể đặt hàng theo cây hoặc kg. Thông thường, mỗi khách đặt khoảng 3-5 cây, một cây có giá 8.000 - 12.000 đồng. Vì là cây ngắn ngày nên chỉ khoảng 1-2 tháng là có thu hoạch.
Riêng với dưa lưới cũng có hai cách đặt hàng (theo cây và kg), song vườn nhà anh Danh mới chỉ nhận khách mua ở Cần Thơ. Mỗi cây giá cũng dao động 200.000-250.000 đồng. Tuy nhiên, lượng khách đặt theo cây ít vì nhiều khi cây trồng phát triển kém, trái còi... Trong khi đó, đặt theo sản phẩm cho kết quả ổn định hơn với giá 45.000 -50.000 đồng một kg. “Hiện nay tôi trồng khoảng 1.000 cây dưa cho dịp Tết Nguyên Đán và số lượng khách đặt cũng tương đối lớn, phần còn lại tôi sẽ mang ra cửa hàng bán vào dịp Tết”, anh Danh nói.
Cây xoài tại Đồng Tháp được gắn mã số cho khách mua qua mạng. Ảnh: Đ.T. |
Bên cạnh dưa lưới, xà lách thì dịch vụ trồng dưa lê qua mạng tại Nghệ An hay trồng xoài đang được đẩy mạnh ở Đồng Tháp. Ông Võ Việt Hưng - Giám đốc HTX xoài Mỹ Xương (Đồng Tháp) cho biết, việc hợp tác xã của ông cho ra dịch vụ “cây xoài nhà tôi” nhằm mục đích giúp khách hàng là người dân thành thị và doanh nghiệp hiểu được sự vất vả, lo toan của nhà vườn để cùng sẻ chia với họ. Mặt khác, người trồng xoài qua mạng còn được thu hoạch và mang hàng về sử dụng.
“Dù mới ra mắt đầu tháng 9 nhưng tới nay đã có 15 hộ trồng xoài trong hợp tác xã tham gia và có 30 khách hàng đặt hơn 50 cây xoài. Giá mỗi cây dao động 4-5 triệu đồng, tuỳ loại”, ông Hưng nói. Vị này hướng dẫn chỉ cần truy cập vào website, khách hàng có thể lựa chọn cây xoài mình ưng ý, với những thông tin về chiều cao, đường kính tán, năm tuổi, năng suất bình quân, chủng loại và giá cả... Mọi thao tác đăng ký được hướng dẫn và thực hiện trên website nên rất tiện lợi cho khách hàng dù ở bất cứ đâu. Khách hàng có thể là doanh nghiệp hoặc cá nhân khi có nhu cầu đều có thể trở thành chủ sở hữu của một hoặc nhiều cây xoài trong một thời gian cụ thể.
Theo ông Hưng, khi khách hàng đã đặt mua thì bên bán có nhiệm vụ chăm sóc; việc canh tác trong quá trình sản xuất sẽ thực hiện theo tiêu chuẩn VietGAP; toàn bộ trái khi thu hoạch sẽ thuộc về người mua trong thời gian hợp đồng (một năm). Để khách hàng tiện theo dõi quá trình canh tác và sinh trưởng của xoài, hằng tuần, hợp tác xã sẽ cập nhật thông tin về cây xoài của khách hàng tại website. Bên cạnh đó, doanh nghiệp kinh doanh xoài cũng có thể tham gia mô hình “Vườn xoài chúng tôi”, để quảng bá hình ảnh vườn xoài của mình với đối tác. Vườn xoài này có thể truy cập trên internet bằng những phương tiện camera giám sát trực tuyến (nếu doanh nghiệp có yêu cầu) và giới thiệu với đối tác đến tham quan.
Đến mùa xoài, khách hàng có thể dẫn bạn bè, người thân đến cùng nhau thu hoạch và cảm nhận không khí lao động, thành quả của mình. Ngược lại, nếu khách hàng không đến thu hoạch được, hợp tác xã sẽ thu hoạch, ủ chín khoảng 50–60%, đóng gói và giao hàng cho khách đúng theo yêu cầu.
Hồng Châu