Bộ Công Thương vừa có cảnh báo về vấn đề vi phạm quyền lợi người tiêu dùng liên quan đến dịch vụ giá trị gia tăng trên điện thoại di động, lưu ý khách hàng cần chủ động tìm hiểu, nắm bắt thông tin để sử dụng các dịch này hiệu quả, tránh được những hành vi xâm phạm quyền lợi của mình... Cảnh báo này được đưa ra trong bối cảnh gần đây, nhiều chủ thuê bao tiếp tục bức xúc về việc nhà mạng tự động cài đặt hàng chục dịch vụ mà họ không hề hay biết.
Trường hợp của anh Đức (TP HCM) là một ví dụ khi đang sử dụng 4 số điện thoại của một trong 3 nhà mạng lớn. Anh cho biết tuy không đăng ký nhưng cách đây vài ngày, bỗng dưng nhận được một số tin nhắn "chúc mừng cài đặt thành công" một dịch vụ từ tổng đài. Anh lập tức nhắn tin theo cú pháp hướng dẫn để hủy dịch vụ nhưng phải mất nhiều lần mới thành công. Khách hàng này cũng phát hiện hằng tháng, anh đang bị trừ phí 10 dịch vụ đã bị nhà mạng tự động cài đặt mà thời gian có thể từ vài năm nay.
"Nhẩm tính, với các số điện thoại nêu trên, tôi bị móc túi hằng tháng gần 900.000 đồng", anh Đức cho biết. Khách hàng này cũng cho rằng với hàng chục triệu thuê bao, nhà mạng có thể thu về hàng chục tỷ đồng mỗi tháng với cách làm nêu trên.
Nhiều thuê bao tố nhà mạng tự động cài hàng chục dịch vụ giá trị gia tăng cho khách hàng. Ảnh: Anh Quân |
Không chỉ với các số thuê bao cũ mà một số khách hàng sử dụng các sim điện thoại mới mua cũng gặp tình trạng tương tự. Anh Tiến (Cầu Giấy, Hà Nội) mới mua một cái sim "nguyên kít" của một nhà mạng lớn. Ngay sau khi kích hoạt, anh nạp 100.000 đồng và nhận được khuyến mại 100%. Nạp thẻ được 30 phút thì anh nhận được tin nhắn thông báo một gói dịch vụ giá trị gia tăng đã được gia hạn thành công và bị trừ mất 70.000 đồng tiền cước.
"Tôi chưa kịp đăng ký gói dịch vụ, trong khi đó sim thì vừa mua, chưa từng sử dụng tại sao lại bị tự động gia hạn. Tôi có gọi điện lên tổng đài thì nhân viên giải thích qua quýt và đổ lỗi cho đại lý bán sim. Họ nói sim đã được đại lý kích hoạt từ nửa tháng trước, khi tài khoản hết tiền thì gói dịch vụ sẽ ngừng cung cấp. Khi tôi nạp thẻ vào thì nhà mạng sẽ tự gia hạn", anh Tiến kể lại.
"Nghi án" nhà mạng tự động kích hoạt các dịch vụ giá trị gia tăng cho khách hàng đã được đặt ra suốt từ nhiều năm nay. Các cơ quan quản lý trực thuộc Bộ Thông tin & Truyền thông cũng không ít lần nhận được thông tin phản ánh về tình trạng này. Tuy nhiên, lý giải với khách hàng cũng như báo chí, các doanh nghiệp viễn thông một mực khẳng định không thể có chuyện nhà mạng tự động đăng ký dịch vụ cho khách hàng trong mọi trường hợp. Hiện nay, đa số dịch vụ giá trị gia tăng, nhà mạng đều hợp tác với các công ty khác để cung cấp cho khách hàng, trừ những dịch vụ dữ liệu di động hoặc chuyển vùng quốc tế...
Đại diện MobiFone cũng từng lý giải, hiện ngoài hình thức đăng ký dịch vụ qua tin nhắn, khách hàng có thể thực hiện qua trang web, wap, ứng dụng trên điện thoại, tổng đài tự động, điện thoại viên hỗ trợ… Với hình thức đăng ký như truy cập web, wap, ứng dụng... đại diện nhà mạng thừa nhận do không cung cấp đầy đủ thông tin về dịch vụ cho khách hàng nên dễ dẫn đến phát sinh các tình huống ngoài ý muốn mà bản thân chủ thuê bao cũng khó kiểm soát.
Tuy nhiên, theo một chuyên gia trong ngành, việc nhà mạng đẩy hoàn toàn lỗi về phía công ty đối tác không hoàn toàn thuyết phục. Bởi ông cho rằng, doanh nghiệp viễn thông về nguyên tắc có thể chuẩn hóa quy trình đăng ký của khách hàng.
"Chẳng hạn, khi khách hàng thao tác nhầm, click vào banner hoặc đường link đăng ký thì bắt buộc phải có tin nhắn tới khách hàng để xác nhận lại việc đăng ký. Cùng với đó, nhà mạng cũng cần kiểm duyệt chặt chẽ các nội dung những công ty này cung cấp tới thuê bao", chuyên gia lý giải. Tuy nhiên, suốt từ nhiều năm nay, tình trạng này vẫn tái diễn cho thấy sự thiếu thiện chí của nhà mạng. Đại diện cơ quan thanh tra Bộ Thông tin & Truyền thông từng thừa nhận, dù rất sát sao song việc kiểm tra vẫn khó phát hiện các sai phạm của nhà mạng, trừ khi có những thông tin, bằng chứng xác đáng được chính người tiêu dùng cung cấp.
Hiện chưa có một con số thống kê đầy đủ nào làm rõ các doanh nghiệp cung cấp dịch vụ giá trị gia tăng cũng như nhà mạng đã thu về bao nhiêu từ việc "móc túi" khách hàng do tự động cài đặt các dịch vụ này. Tuy nhiên, gần đây, báo cáo kết quả thanh tra của SAM Media - một doanh nghiệp cung cấp dịch vụ giá trị gia tăng được công bố, khách hàng mới biết được một phần con số doanh thu khủng của các đơn vị này.
Cụ thể, từ đầu năm 2013 đến tháng 3/2016, thuê bao của 4 nhà mạng viễn thông Viettel, MobiFone, VinaPhone và Vietnamobile đã phải chi trả với với tổng số tiền là 230,5 tỷ đồng. Số lượng khách hàng sử dụng dịch vụ đến ngày 19/7 vừa qua là gần 94.000 thuê bao. Trong đó có nhiều khách hàng khi được hỏi đều không biết mình đang sử dụng dịch vụ bị trừ tiền. Ngay sau đó, cả 3 nhà mạng lớn đều cho biết đã dừng hợp tác với Công ty ACOM (đơn vị cung cấp dịch vụ của SAM Media trên các mạng di động ở Việt Nam).
"Tuy nhiên, có bao nhiêu công ty như vậy đang tồn tại và bao nhiêu dịch vụ mà khách hàng đang bị cưỡng ép sử dụng cũng như trừ tiền âm thầm mà chủ thuê bao không hề hay biết", một khách hàng bức xúc.
Đại diện Trung tâm Kinh doanh VAS – Viettel Telecom thừa nhận, mặc dù đã có rất nhiều biện pháp để quản lý việc hợp tác cung cấp dịch vụ nội dung, tuy nhiên do tính chất của các dịch vụ khá phức tạp và đa dạng nên vẫn chưa ngăn chặn được hoàn toàn những sai phạm.
Trao đổi với VnExpress, ông Nguyễn Mạnh Hùng - Phó tổng giám đốc MobiFone cũng cam kết trong thời gian tới sẽ xử lý nghiêm các đối tác cung cấp dịch vụ nội dung nếu phát hiện sai phạm. "Đến nay, chúng tôi đã quyết định dừng hợp đồng hợp tác cung cấp các dịch vụ nội dung trên mạng MobiFone với các đối tác có hành vi vi phạm", ông Hùng cho hay. Ngoài cam kết tăng cường kiểm tra đối tác, các nhà mạng cũng cho biết sẽ kiểm soát chặt chẽ hơn quy trình đăng ký những dịch vụ này trong thời gian tới.
Đại diện 3 nhà mạng khuyến cáo khách hàng kiểm tra các dịch vụ giá trị gia tăng đang sử dụng bằng cách soạn tin nhắn gửi tới tổng đài. Bên cạnh đó, khách hàng có thể sử dụng các dịch vụ My Viettel, My VinaPhone, My MobiFone để tra cứu danh sách các dịch vụ GTGT đang cài đặt. Ngoài ra, chủ thuê bao có thể nhắn tin theo cú pháp kiểm tra các dịch vụ Giá trị gia tăng đang sử dụng: + MobiFone: Soạn KT gửi 994 + Viettel: Soạn TC gửi 1228 + VinaPhone: Soạn TK gửi 123 |