Trung tuần tháng 9, khoảng 15 doanh nghiệp công nghệ tại Việt Nam, với một số cái tên nổi bật như: Microsoft, ODS, Vonline, Nhân Hoà, BKNS, ESC, Hostvn, Mắt Bão… đã cùng bắt tay để thực hiện một chương trình kích cầu lớn trong lĩnh vực cho thuê bản quyền phần mềm. Theo đó sẽ miễn phí cho doanh nghiệp thuê bản quyền Windows Server trong 6 tháng khi sử dụng dịch vụ tại các nhà cung cấp này. Theo nhiều chuyên gia, đây là một trong những cú bắt tay lớn mà các công ty hợp tác tổ chức để doanh nghiệp có nhu cầu cân nhắc về việc dùng phần mềm bản quyền.
Thực tế, nạn vi phạm bản quyền phần mềm tại Việt Nam vẫn còn phổ biến. Thống kê mới nhất của Liên minh phần mềm thế giới (BSA) cho biết, tỷ lệ sử dụng phần mềm không bản quyền tại Việt Nam hiện là 78%, giảm 3% so với năm 2013. BSA cho rằng, đây là mức giảm đáng kể nhưng vẫn còn rất cao. Trong suốt nhiều năm qua, cùng với các vụ thanh kiểm tra của cơ quan chức năng thì BSA cũng đã từng kiện 2 doanh nghiệp tại Việt Nam ra tòa vì dùng phần mềm lậu.
Các doanh nghiệp công nghệ đang đẩy mạnh cho thuê bản quyền phần mềm để hạn chế vi phạm. |
Tuy nhiên, khi các biện pháp “cứng” chưa đủ thì nhiều doanh nghiệp phát triển phần mềm và đại lý phân phối bắt đầu tự thực hiện các giải pháp “mềm”, với hy vọng tìm kiếm thêm doanh thu từ lực lượng sử dụng phầm mềm lậu đang vô cùng “hùng hậu” . Đó là cách cho thuê phần mềm trên nền tảng điện toán đám mây. Một số cái tên đã triển khai mảng kinh doanh này trong nhiều năm nay có thể kể đến như: Vietsoftware, CMCsoft , MISA, FAST, Lạc Việt… Những đơn vị này chủ yếu tập trung vào các giải pháp quản trị nguồn lực doanh nghiệp, từ giải pháp ERP tổng thể tới các phân hệ riêng như: văn phòng, nhân sự, kinh doanh, kế toán… Đại diện Lạc Việt cho biết, hiện nay, ngoài trọng tâm là cung ứng các giải pháp tổng thể theo nhu cầu thực tế của khách hàng thì công ty này cũng đã có một số dịch vụ phần mềm cho thuê được nhiều khách hàng sử dụng.
Hay như lĩnh vực hosting, hiện đang có khoảng 10.000 server được bán ra hàng năm tại Việt Nam. Với con số này, thị trường cho thuê máy chủ, cho thuê bản quyền phần mềm server đang khá triển vọng. Theo phân tích của một số đại lý, chi phí để mua bản quyền trọn gói Windows Server đâu đó hơn 1.000 đôla. Với các doanh nghiệp nhỏ hay mới thành lập thì con số này cũng rất phải cân nhắc. Đó là chưa kể việc đầu tư phần cứng còn lớn hơn rất nhiều. Vì vậy, các dịch vụ cho thuê máy chủ có sẵn phần mềm bản quyền đang bắt đầu nở rộ, với chi phí chỉ vài chục USD. Ví dụ như dịch vụ cho thuê bản quyền License SPLA đang được các đại lý chào giá 35 USD mỗi tháng cho cPanel, hay 20 đôla một tháng cho Window.
“Thay vì phải bỏ ra một lúc cả nghìn đôla để mua bản quyền thì các giải pháp cho thuê giúp những doanh nghiệp, nhất là doanh nghiệp nhỏ hoạt động được đến đâu thì thuê đến đó chỉ với vài chục đôla. Cái lợi của giải pháp này là họ luôn được dùng phiên bản phần mềm mới nhất. Tôi hy vọng giải pháp này sẽ kích thích thêm nhu cầu sử phần mềm bản quyền tại Việt Nam”, ông Huỳnh Trọng Văn - CEO của ODS, một nhà phân phối bản quyền phần mềm của Microsoft, chia sẻ.
Theo VentureBeat, doanh thu quý IV năm tài khóa 2016 của Microsoft đạt 22,6 tỷ đôla, vượt dự đoán 22,1 tỷ đôla của giới tài chính. Kết quả này đạt được nhờ vào xu hướng điện toán đám mây và đăng ký thuê bao các dịch vụ và phần mềm. Cụ thể, bộ phận Intelligent Cloud đóng góp 6,71 tỷ đôla vào tổng doanh thu, tăng trưởng 6,6%. Trong đó, nền tảng Azure, hệ cơ sở dữ liệu MS SQL 2016, SQL Server… giúp hãng này kiếm bộn tiền. Đơn cử như doanh thu của Azure tăng gấp đôi (102%) so với quý liền trước.
Cùng với đó, bộ ứng dụng văn phòng Office và Office 365 góp 7 tỷ USD vào doanh thu của Microsoft, tăng 5%. Riêng bộ Office 365 (dịch vụ ứng dụng văn phòng cho thuê) tăng trưởng doanh thu đến 54%, gia tăng lượng người dùng lên 23,1 triệu.
Viễn Thông