Chia sẻ này được người đứng đầu ngành công thương nêu lên khi chủ trì buổi làm việc với các thành viên ban soạn thảo Nghị định quản lý hoạt động khai thác và kinh doanh khoáng sản diễn ra cuối tuần này.
Theo Bộ trưởng, những ngày qua, ông đã đọc tất cả các ý kiến đóng góp cho dự thảo Nghị định này từ Phòng Thương mai & Công nghiệp Việt Nam (VCCI), báo chí và doanh nghiệp… Cá nhân ông cảm thấy rất đau xót trước những ý kiến cho rằng Bộ Công Thương "vì doanh nghiệp lớn giết chết doanh nghiệp nhỏ" hay "Luật xây dựng trên cơ sở lợi ích nhóm"…
Ông cho rằng, mục tiêu xây dựng dự thảo là nhằm tạo cơ sở cho doanh nghiệp phát triển, bảo vệ môi trường, an toàn người lao động, bảo tồn tài nguyên quốc gia… Nhưng bị nhìn nhận sai như vậy có phần lỗi của Ban soạn thảo khi chưa công khai minh bạch thông tin, chưa rộng đường dư luận để mọi thành phần trong xã hội có thể đóng góp ý kiến hoàn thiện dự thảo Nghị định.
Bộ trưởng Bộ Công Thương - Trần Tuấn Anh khẳng định luật đặt ra là để bảo vệ, thúc đẩy phát triển chứ không phải tạo thêm rào cản. Ảnh: N.M |
"Khi vẫn còn những phàn nàn, ý kiến trái chiều chưa đồng thuận tức là vẫn còn vấn đề Ban soạn thảo cần tiếp thu cân nhắc chỉnh sửa. Chúng ta không sợ chậm ban hành. Tôi không ngại việc phải lên giải trình với Chính phủ vì sự chậm ban hành mà chỉ sợ quy định đưa ra không hợp lòng dân, không đúng mục tiêu về Chính phủ kiến tạo, xóa bỏ các rào cản để doanh nghiệp phát triển", Bộ trưởng nhấn mạnh.
Trước mắt, Bộ trưởng Tuấn Anh yêu cầu Vụ Công nghiệp nặng có văn bản trả lời VCCI về những ý kiến đóng góp cho dự thảo. Điểm nào chưa được thì tiếp thu chỉnh sửa hoặc bãi bỏ, quy định nào cần giữ phải có giải trình rõ ràng.
Bên cạnh đó, các Vụ, Cục thuộc Bộ Công Thương cần nhanh chóng gửi ý kiến đóng góp cho dự thảo trên cơ sở "đặt mình vào doanh nghiệp" để thấy rằng vướng mắc ở đâu, lỗ hổng chỗ nào, các tổ chức xã hội nhìn nhận đánh giá đến đâu. Bên cạnh đó, Ban soạn thảo cần tiếp thu những cách thức quản lý mà nhiều quốc gia trên thế giới áp dụng thành công để xây dựng dự thảo cho phù hợp với điều kiện của Việt Nam.
"Luật đặt ra là để quản lý có hiệu quả, tạo hành lang pháp lý bảo vệ và thúc đẩy doanh nghiệp phát triển chứ không phải đẻ ra một loại giấy phép con mới để hành doanh nghiệp, cần phải làm rõ mục tiêu quản lý của Nghị định này", ông nhắc nhở.
Nghị định quản lý hoạt động khai thác và kinh doanh khoáng sản qua 2 lần dự thảo với nhiều cuộc họp lấy ý kiến của Ban soạn thảo và các bộ, ban ngành liên quan. Theo đánh giá của Bộ Công Thương, khoáng sản là một nguồn lực của quốc gia và là nền tảng phát triển công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước. Số liệu từ Liên minh khoáng sản cho thấy, Việt Nam xếp thứ 15 trên thế giới về diện tích khoáng sản, đóng góp 2,3% tổng sản lượng thiếc và 1,8% tổng sản lượng xi măng.
Riêng trong khai thác dầu thô, Việt Nam đứng thứ 7 ở khu vực châu Á - Thái Bình Dương. Tuy nhiên, khoáng sản là loại tài nguyên không tái tạo nên cần có vai trò quản lý Nhà nước để hoạt động khai thác chế biến mang tính bền vững.
Theo Ban soạn thảo, thời gian qua, ngành công nghiệp này tăng trưởng nóng về quy mô với hơn 5.000 điểm mỏ và 60 loại khoáng sản khác nhau, với khoảng 170 doanh nghiệp Nhà nước hoạt động trong lĩnh vực này. Tuy nhiên, các quy định hiện hành chỉ mới điều chỉnh đến hoạt động thăm dò khai thác chứ chưa điều chỉnh đến hoạt động chế biến.
Trong khi đó, khai thác khoáng sản đặc biệt là khai thác hầm lò luôn tiềm ẩn nguy cơ cao về mất an toàn (sập hầm mỏ, cháy nổ, khí mê tan, bục nước, phụt khí, ngộ độc…) chiếm tỷ lệ cao về tai nạn lao động và bệnh nghề nghiệp trong cả nước, đặc biệt chiếm tỷ lệ cao nhất về các bệnh phổi, điếc nghề nghiệp…
Khai thác chế biến khoáng sản cũng tiềm ẩn nhiều yếu tố tác động xấu và nghiêm trọng đến môi trường và ảnh hưởng trên phạm vi sâu rộng như chiếm dụng nhiều đất, sụt lún, biến dạng bề mặt địa hình, biến đổi dòng thủy văn do đổ thải, ô nhiễm nước mặt, nước ngầm, không khí, bụi, ồn, phóng xạ, chất thải cực độc, thay đổi cảnh quan thiên nhiên, phá hủy hệ sinh thái… tác động trực tiếp và lâu dài đến sức khỏe cộng đồng và môi trường sinh thái. Việc phục hồi môi trường rất khó khăn, phải mất thời gian dài, chi phí thiệt hại khó lượng hóa…
Thực trạng khai thác và chế biến khoáng sản Ngành khai thác, chế biến khoáng sản những năm gần đây đã phát triển mạnh mẽ thu hút nhiều nguồn lực trong xã hội tham gia, đóng góp đáng kể cho nền kinh tế quốc dân, tạo việc làm, giúp địa phương nghèo nhưng giàu tiềm năng khoáng sản phát triển… song hoạt động này đang tồn tại nhiều vấn đề bất cập, Nghị định ra đời sẽ là cơ sở để: - Nâng cao năng lực của doanh nghiệp ngành khai khoáng đảm bảo phát triển bền vững, nhằm đẩy mạnh đầu tư chế biến sâu khoáng sản, cung cấp ổn định nguyên liệu cho cơ sở sản xuất gang thép, luyện kim trong nước, khai thác, sử dụng hiệu quả, tiết kiệm nguồn tài nguyên, tránh lãng phí nguồn lực đầu tư của xã hội. - Đẩy mạnh phát triển dự án khai thác, chế biến khoáng sản theo hướng tập trung với quy mô lớn, công nghệ hiện đại, giảm thiểu ô nhiễm môi trường, tiết kiệm tài nguyên và năng lượng. Tuân thủ triệt để việc áp dụng các quy trình kỹ thuật, quy chuẩn về an toàn khai thác, chế biến, sử dụng, tàng trữ, vận chuyển và kinh doanh khoáng sản do nhà nước ban hành. - Nâng cấp vai trò, trách nhiệm, quản lý nhà nước về khoáng sản từ khai thác đến sử dụng khoáng sản. - Tạo hành lang pháp lý công cụ hỗ trợ trong việc tham gia sáng kiến minh bạch hóa ngành khai khoáng tại Việt Nam… Nghị định tiếp tục được lấy ý kiến đóng góp xây dựng để hoàn thiện dự thảo lần ba dự kiến vào đầu tháng 10. |