Kết quả nêu trên vừa được Bộ Lao động, Thương binh & Xã hội công bố chiều nay (2/8) sau phiên họp lần thứ 2 của Hội đồng tiền lương quốc gia. Đây là phương án sẽ được Hội đồng đề xuất để Chính phủ xem xét, phê duyệt. So với lương tối thiểu vùng 2016, phương án năm nay được chốt sớm hơn một tháng, song tốc độ tăng thấp hơn khá nhiều (tăng bình quân 12,4%).
Cụ thể mức tăng đối với lao động ở các địa phương thuộc vùng I là 250.000 đồng, tương đương 7,1 %. Vùng II tăng 220.000 đồng (7,1 %), vùng III tăng 200.000 đồng (7,4 %) và vùng IV là 180.000 đồng (7,9 %). Các mức cụ thể như sau:
Vùng** | Lương tối thiểu 2016 | Lương tối thiểu 2017 * |
Vùng I | 3,5 | 3,75 |
Vùng II | 3,1 | 3,32 |
Vùng III | 2,7 | 2,9 |
Vùng IV | 2,4 | 2,58 |
(*): Dự kiến. Đơn vị: triệu đồng/tháng
(**) Các vùng áp dụng lương tối thiểu theo quy định hiện hành
Phiên họp lần thứ 2 bàn về lương tối thiểu vùng của Hội đồng lương quốc gia diễn ra khá căng thẳng, nhưng đã có sự nhượng bộ giữa đại diện các bên là Tổng Liên đoàn lao động Việt Nam và Phòng Thương mại & Công nghiệp Việt Nam (VCCI). Theo đó, Tổng Liên đoàn lao động Việt Nam đã hạ đề xuất tăng lương tối thiểu 2017 từ 11,11 % xuống 10 %. Trong khi đó, VCCI đã chấp nhận nâng mức đề xuất tăng lương tối thiểu từ 4 đến 5% ban đầu lên tới 6,5 %.
Trước đó, tại phiên họp lần thứ nhất diễn ra vào trung tuần tháng 7, Hội đồng tiền lương quốc gia từng xem xét đề xuất mức tăng lương tối thiểu thêm 11% với 4 vùng (tương đương 250.000-400.000 đồng một tháng), cao hơn khá nhiều phương án "chốt" cuối cùng. Mức đề xuất này dựa vào kết quả khảo sát lương tối thiểu hiện nay mới đáp ứng được 80% nhu cầu sống của công nhân, chỉ 8% người lao động có tích lũy, cũng như tình hình kinh tế, khả năng mở rộng và phát triển của doanh nghiệp...
Năm ngoái, sau ba phiên họp Hội đồng phải tiến hành bỏ phiếu mới thống nhất được mức tăng lương tối thiểu vùng. Trong đó vùng I từ 3,1 triệu đồng một tháng (năm 2015) lên 3,5 triệu. Mức áp dụng tương ứng cho các vùng 2, 3 và 4 là 3,1 triệu, 2,7 triệu và 2,4 triệu đồng.