Mỗi năm, hàng trăm triệu con bướm Monarch từ Canada và Mỹ lại vượt chặng đường 4.000 km để tới rừng Michoacan, Mexico, tạo thành chuyến di cư của côn trùng có quy mô lớn nhất trên thế giới.
Vô số bướm tụ lại trên cây hoặc mặt đất, biến một diện tích lớn thành thảm màu cam và đen. Bất cứ ai khi nhìn thấy cũng phải trầm trồ trước cảnh thiên nhiên này.
Cuộc di cư của bướm Monarch được xem như một trong những bí ẩn thú vị nhất của thế giới tự nhiên. Chúng sinh ra ở những nơi như Toronto, Winnipeg hay Detroit, và không hiểu bằng cách nào đó tụ lại với nhau bay xuyên lục địa để tới trung tâm Mexico. Không ai biết chính xác vì sao chúng làm được điều đó, nhưng các chuyên gia tin rằng chúng được dẫn lối bởi từ trường.
Monarch bắt đầu đến rừng Michoacan vào cuối tháng 10 để trú ẩn trong mùa đông. Tại đây chúng sẽ dành 5 tháng tiếp theo để tụ lại với nhau tạo thành một quần thể lớn mà trông từ ngoài vào giống như những tổ ong nhiều màu sắc.
Rừng bướm của Mexico là khu bảo tồn thiên nhiên được pháp luật bảo vệ và cũng là một trong những điểm du lịch nổi tiếng nhất cả nước. Tuy nhiên điều này không giúp bảo vệ Monarch và khu rừng khỏi tầm ngắm của những kẻ tham lam.
Với những khách du lịch có niềm say mê với Monarch, họ không ngại đi hàng trăm km chỉ để được thưởng thức vẻ đẹp của chúng. Tuy nhiên, Monarch đang gặp đe dọa khi số lượng cây gỗ trong rừng đang dần biến mất. Khai thác gỗ bất hợp pháp tại trung tâm dự trữ sinh quyển của bướm Monarch đã là một vấn đề tồn tại từ lâu.
Tháng 11/2015, cộng đồng lên án đội khai thác gỗ ở Sierra Chincua Sanctuary, khu vực trung tâm của khu dự trữ sinh quyển, khiến 9 ha rừng hoàn toàn biến mất. Thế nhưng khi giao những kẻ phá rừng tới văn phòng công tố, chúng đã được tại ngoại chỉ sau vài giờ.
Chỉ một vài tháng trước, mối đe dọa với nơi ẩn náu của loài bướm Monarch đã tăng cao khi Group Mexico, công ty khai thác mỏ lớn nhất cả nước đã được cấp phép trở lại ở Angangueo, một thị trấn tại trung tâm khu dự trữ sinh quyển đã đóng cửa cách đây 25 năm. Nếu nó đi vào hoạt động, việc khu rừng cổ tích biến mất chỉ còn là vấn đề thời gian.
Trung tâm nghiên cứu đa dạng sinh học có trụ sở tại Washington. DC cho biết số lượng bướm chỉ còn 68% so với 22 năm trước đây.
Ảnh: Alamy Stock Photo.
Hải Thu |