Công nhân thích vay tiền công ty tài chính dù lãi cao

Lãi vay cao hơn hẳn ngân hàng nhưng thống kê của Home Credit cho thấy, 50% khách hàng vay tiền công ty tài chính là công nhân và lao động phổ thông, trong khi tỉ lệ những người làm kinh doanh chỉ chiếm 11%.

Những thống kê gần đây về khách hàng vay tiền mặt từ công ty tài chính cho thấy nhóm công nhân và người lao động phổ thông khó tiếp cận vốn vay ngân hàng nên phải tìm đến các công ty tài chính, dù lãi suất đắt đỏ hơn.

Cụ thể, số liệu về nghề nghiệp dựa trên cơ sở khách hàng của Home Credit Việt Nam (PPF) cho thấy, 50% khách hàng là công nhân và lao động phổ thông trong khi tỉ lệ những người làm trong lĩnh vực kinh doanh chiếm 11%, dân văn phòng chỉ chiếm 8%, kỹ thuật viên 6%, nông dân khoảng 6%, còn lại là những người làm việc trong các ngành nghề khác…

Báo cáo mới công bố của Công ty cổ phần StoxPlus cho thấy dư nợ cho vay tài chính tiêu dùng của Việt Nam đã tăng trưởng 44%, từ 10,5 tỷ USD (năm 2014) lên 15,12 tỷ USD vào cuối năm ngoái. Hoạt động này đang chiếm 10,4% GDP và 6,8% tổng dư nợ của nền kinh tế.

Thống kê về trình độ học vấn cũng cho hay, 80% khách hàng vay tiền mặt có trình độ phổ thông. Độ tuổi trung bình của khách hàng vay vốn là 32,5 tuổi và 70% người vay đều đã có gia đình.

Home Credit cũng cho biết, dư nợ chủ yếu là các khoản vay nhỏ, phổ biến từ 7 đến 10 triệu đồng và đa phần khách hàng chọn vay dưới một năm trong lần đầu tiên. Trong khi đó, những khách từng có quan hệ tín dụng với công ty tài chính lại chọn mức vay từ 20 đến 30 triệu đồng với thời hạn vay trên 2 năm.

Ông Bruce Allan Butler, Tổng giám đốc Home Credit Việt Nam, nói thêm: “Đối tượng vay tại các công ty tài chính thường là lao động phổ thông có thu nhập trung bình và không thỏa mãn các điều kiện để vay tiêu dùng tại ngân hàng. Việc doanh số cho vay tiền mặt của Home Credit luôn tăng trưởng cao qua các năm cho thấy nhu cầu vay tiền mặt phục vụ mục đích chi tiêu của đối tượng trên là có thực và góp phần kích cầu tiêu dùng nội địa”.

cong-nhan-thich-vay-tien-cong-ty-tai-chinh-du-lai-cao

Mảng cho vay tài chính tiêu dùng đã tiếp cận với phần lớn khách hàng thuộc nhóm công nhân, thu nhập thấp. Ảnh: A.Q.

Trao đổi với VnExpress, một chuyên gia tài chính cho rằng dù lãi suất vay cao hơn hẳn ngân hàng nhưng công ty tài chính vẫn là lựa chọn hợp lý cho những người thu nhập thập muốn mua sắm, tiêu dùng. "Ngân hàng thương mại tuy lãi suất thấp hơn, có thể chỉ bằng một nửa hoặc thậm chí một phần ba, nhưng những đối tượng này rất khó lọt vào mắt xanh của các nhà băng. Vì vậy, thay vì tìm đến tiệm cầm đồ, nhiều công nhân, người thu nhập thấp đã vay các công ty tài chính cũng dễ hiểu", vị này nói.

Những thống kê của Home Credit dựa trên tất cả hợp đồng vay tiền mặt, gồm cả vay lần đầu và vay nhiều lần, còn hiệu lực trong 4 tháng đầu năm 2016. Hoạt động tại Việt Nam từ năm 2009, 5 năm qua, Home Credit luôn có mức tăng trưởng dư nợ cho vay tiền mặt ở mức hai con số với mức tăng trưởng bình quân là 57%. Chỉ trong 4 tháng đầu năm nay, doanh số cho vay tiền mặt đã bằng 80% cùng kỳ cả năm 2015.

Số liệu về lợi nhuận của công ty này từng được công bố cũng cho thấy có năm lãi tăng gấp 5 lần so với cùng kỳ trước đó. Cụ thể, hết năm 2013, PPF đạt hơn 1.800 tỷ đồng thu nhập lãi thuần từ cho vay. Lợi nhuận thuần từ hoạt động kinh doanh tăng gấp đôi so với 2012 khi đạt gần 1.100 tỷ đồng. Sau thuế, PPF lãi ròng gần 530 tỷ đồng.

Tương tự như Home Credit, một tên tuổi khác trong lĩnh vực tài chính tiêu dùng là FE Credit của VPBank cũng đạt mức tăng trưởng lợi nhuận ấn tượng. Năm 2015, VPB FC (Công ty sở hữu thương hiệu FE CRedit) lãi sau thuế gần 960 tỷ đồng nhờ hoạt động cho vay tiêu dùng. Bản thân Ngân hàng VPBank hợp nhất năm ngoái cán mốc lợi nhuận 3.000 tỷ đồng và lãi ròng sau thuế gần 1.600 tỷ cũng nhờ có sự đóng góp hai phần ba từ hoạt động cho vay tài chính tiêu dùng.

Let's block ads! (Why?)