Trong khi Eurocham và nhiều doanh nghiệp kiến nghị bỏ các loại thuế quan cho ôtô, xe máy nhập khẩu, Bộ Tài chính vẫn giữ quan điểm cho rằng mức thu phí trước bạ cũng như thuế suất hiện hành là phù hợp.
Bộ Tài chính vừa chính thức trả lời hàng loạt những kiến nghị của các doanh nghiệp tại Hội nghị đối thoại với Thủ tướng vào tháng trước, trong đó có những đề xuất của Phòng Thương mại châu Âu (Eurocham) liên quan tới thuế, phí ôtô - vốn được tổ chức này nhận định là rào cản với sự phát triển của ngành ôtô, xe máy tại Việt Nam.
Mức thu lệ phí trước bạ hiện nay, theo Bộ Tài chính, góp phần hạn chế một phần việc gia tăng phương tiện giao thông cá nhân. Ảnh: Bá Đô. |
Như với xe gắn máy, Eurocham cho biết mức thuế tiêu thụ đặc biệt với dung tích xi lanh trên 125cc vẫn ở mức 20%. Tương tự, thuế và phí trước bạ với ôtô vẫn bị áp cao do những lo ngại về tình trạng kẹt xe. Do đó, tổ chức này kiến nghị phải đưa ra cam kết với mục tiêu loại bỏ tất cả các loại thuế quan cho ôtô (xe sản xuất hoàn toàn ở nước ngoài và xe lắp ráp trong nước bằng linh kiện nhập khẩu). "Nếu điều này không khả thi, chúng tôi kiến nghị giảm dần ngay lập tức và theo hình thức tương hỗ tất cả các loại thuế quan theo lộ trình rõ ràng", Eurocham cho hay.
Tuy nhiên, trả lời Eurocham, Bộ Tài chính cho rằng, Việt Nam đã và đang thực hiện đúng cam kết mức thuế nhập khẩu ưu đãi MFN và thuế suất ưu đãi đặc biệt theo các Hiệp định đã ký và có lộ trình cắt giảm rõ ràng.
Về thuế suất Tiêu thụ đặc biệt, cơ quan này cho biết chỉ có thể giảm cho dòng xe ưu tiên phát triển có dung tích xi lanh dưới 2.000 cm3. Ngược lại, các dòng xe sang, xe phân khối lớn (trên 3.000 cm3) vẫn phải áp mức thuế tiêu thụ đặc biệt cao vì đây là những dòng xe tiêu hao nhiên liệu, kích thước lớn chưa phù hợp với điều kiện hạ tầng giao thông và thu nhập người dân, lượng khí thải ra môi trường lớn.
Không chỉ vậy, phí trước bạ hiện nay Bộ Tài chính cũng cho là phù hợp do mức thu với ôtô chở người dưới 10 chỗ (kể cả lái xe) thấp hơn so với trước đây và có phân biệt đăng ký lần đầu và đăng ký từ lần thứ 2 trở đi. Phí nộp lần đầu là 10%, lần thứ 2 là 2%. "Quy định này là phù hợp, nhằm góp phần hạn chế một phần việc gia tăng phương tiện giao thông cá nhân, giảm ùn tắc giao thông, khuyến khích người dân làm thủ tục sang tên, đổi chủ, đảm bảo việc quản lý phương tiện giao thông", Bộ Tài chính giải thích.
Eurocham và nhiều doanh nghiệp rượu bia cũng nêu quan ngại thay đổi cách xác định giá tính thuế tiêu thụ đặc biệt có thể đẩy giá rượu tăng. Bên cạnh đó, các doanh nghiệp này cho rằng sẽ làm mất giá trị, ảnh hưởng đến lợi ích mà khoản cắt giảm thuế quan theo khuôn khổ Hiệp định thương mại tự do Việt Nam - EU (EVFTA) với rượu mạnh nhập khẩu mang lại.
Trong khi đó, ngành tài chính cho rằng, việc quy định giá tính thuế tiêu thụ đặc biệt đối với hàng nhập khẩu là giá nhà nhập khẩu bán ra không vi phạm cam kết khi gia nhập tổ chức Thương mại thế giới (WTO) và hoàn toàn phù hợp với thông lệ quốc tế.
"Nhiều nước áp dụng giá tính thuế tiêu thụ đặc biệt là giá bán buôn (giá do nhà sản xuất hoặc nhà nhập khẩu bán ra) hoặc giá bán lẻ tới người tiêu dùng cuối cùng như: Phần Lan, Chile, Australia, Hàn Quốc...", văn bản trả lời của Bộ cho hay.
Giá tính thuế của hàng nhập khẩu theo cách trước đây chỉ bao gồm giá tính thuế nhập khẩu (là giá thực tế phải trả tính đến cửa khẩu nhập đầu tiên hay còn gọi là giá CIF) cộng với thuế nhập khẩu, còn nay là được tính theo giá nhà nhập khẩu bán ra.