Một báo cáo của công ty góp vốn với Besra Việt Nam đã tiết lộ con số lỗ "khủng" của đại gia vàng lớn nhất Việt Nam lên tới 1.000 tỷ đồng, nợ ngắn hạn gần 2.500 tỷ.
Quảng Nam được mệnh danh là "miền đất vàng" từ thế kỷ trước khi người dân các nơi đổ về đây. Phía sau những mỏ vàng Bồng Miêu, Phước Sơn là khát khao đổi đời của rất nhiều thế hệ người dân nơi đây.
Trước việc khai thác trái phép tràn lan, những cuộc thanh trừng của thế lực ngầm trong cuộc chiến tìm vàng, Tập đoàn Besra Việt Nam (Canada) xuất hiện, khi đó người dân nơi đây đã rất kỳ vọng và mong chờ phát triển ngành khai thác kim loại quý một cách chuyên nghiệp, tạo việc làm, đưa kinh tế phát triển.
Nhà máy vàng Phước Sơn giảm lãi đột ngột dù giá vàng thế giới năm 2012 vẫn ở mức cao. |
Công ty vàng Bồng Miêu và Phước Sơn thuộc Besra Việt Nam. Đây là những công ty khai thác, sản xuất vàng lớn nhất Việt Nam với quy mô đầu tư hàng trăm triệu USD. Tập đoàn Besra nhận giấy phép khai thác mỏ Bồng Miêu từ năm 1997 và xây dựng nhà máy đưa vào hoạt động năm 2005. Năm 1999, mỏ Phước Sơn được cấp phép và tháng 6/2011 nhà máy chế biến vàng Phước Sơn đã cho ra mẻ vàng đầu tiên 11,1kg.
Tuy nhiên, đến nay Besra lại là nỗi thất vọng lớn của người dân khi hai nhà máy Bồng Miêu và Phước Sơn liên tục thua lỗ, khánh kiệt, nhiều thời điểm phải tạm ngừng hoạt động, hàng nghìn lao động mất việc làm.
Báo cáo quý I/2016, Công ty Kỹ nghệ Khoáng sản Quảng Nam - đơn vị đang nắm 10% vốn của Bồng Miêu - 300.000 USD và 15% vốn Công ty Phước Sơn - 750.000 USD tiết lộ hai liên doanh này lỗ luỹ kế gần 1.000 tỷ đồng và nợ nần chồng chất gây rủi ro cho các khoản đầu tư tại đây. Nhiều năm đeo đuổi, đầu tư từ những ngày đầu, đến nay Khoáng sản Quảng Nam đã "tan giấc mộng vàng" khi xác định mất trắng khoản đầu tư gần 17 tỷ đồng vào hai liên doanh này. Việc trích lập dự phòng cho khoản đầu tư đầy rủi ro này đã ăn mòn gần hết lợi nhuận của công ty năm 2015.
Trong đó, Bồng Miêu bị thua lỗ nặng trong năm 2014. Công ty gặp rất nhiều khó khăn trong hoạt động sản xuất, nhiều lúc ngừng việc và cho nhân viên nghỉ. Bồng Miêu đang tiến hành xin cấp các giấy phép đầu tư đã hết hạn vào tháng 3/2016.
Vốn điều lệ chỉ 3 triệu USD, song tại thời điểm tháng 6/2014, nợ ngắn hạn của Bồng Miêu lên tới 1.144 tỷ đồng và lỗ luỹ kế 674 tỷ đồng. Con số này đã vượt quá tổng tài sản ngắn hạn, vốn góp tương ứng khoảng 856 tỷ và 619 tỷ đồng.
"Do ngừng sản xuất và không có vốn để hoạt động nên năm tài chính 2014-2015 không được quyết toán. Đến nay vẫn chưa có số liệu chính thức về kết quả tài chính của niên độ 2014-2015", Khoáng sản Quảng Nam cho biết.
Số lỗ của Phước Sơn cũng lớn gấp bội, lũy kế lên tới 15,9 triệu USD và âm vốn sở hữu 10,9 triệu USD. Gặp nhiều khó khăn, thiếu vốn sản xuất, nợ thuế, nợ khách hàng do vậy Phước Sơn vẫn chưa thể quyết toán được số liệu cho niên độ 2014-2015.
Tổng cộng nợ ngắn hạn của hai liên doanh đạt gần 2.500 tỷ, lỗ luỹ kế 1.029 tỷ đồng. Khoáng sản Quảng Nam tỏ ra khá bi quan với khoản đầu tư vào đây nên đặt kế hoạch tìm kiếm đối tác để chuyển nhượng vốn khỏi 2 liên doanh này trong năm 2016. Để thoái được vốn, công ty sẽ tham gia vào quá trình tái cơ cấu, phục hồi hoạt động của hai nhà máy.
Besra Việt Nam từng cho biết đã bán được 6,22 tấn vàng tính đến tháng 6/2013 và phần lớn xuất khẩu ra nước ngoài. Việc thua lỗ của đại gia này khiến dư luận bất ngờ bởi đây là tập đoàn sản xuất vàng có kinh nghiệm, đang sở hữu và khai thác cánh đồng vàng ở Bau (Malaysia), Capcapo (Philippines).
Không dừng lại ở đó, hai liên doanh này còn nợ thuế chồng chất và từng nhiều lần bị tỉnh Quảng Nam cưỡng chế thu hồi. Theo thống kê, đến hết quý I/2016, Bồng Miêu vẫn nợ thuế 97 tỷ đồng trong khi số nợ thuế của Phước Sơn là 432 tỷ. Mặc dù nợ nần, song đại gia vàng này vẫn liên tục xin gia hạn khai thác vàng. Hiện giấy phép của Bồng Miêu đã hết hạn tháng 3/2016, phía công ty đang xin gia hạn thêm. Mới đây tỉnh Quảng Nam cho biết đang đau đầu giữa việc gia hạn hay không gia hạn vì hiện Bồng Miêu đang nợ thuế, lỗ lớn nếu không gia hạn sẽ thất thu thuế, công nhân thất nghiệp dễ dẫn đến chuyển qua làm "vàng tặc".
Đặc biệt, đại gia vàng này còn kéo được Ngân hàng Việt Á vào vòng xoáy thua lỗ. Theo tài liệu của Công ty Khoáng sản Quảng Nam, Phước Sơn đang thống nhất với Ngân hàng Việt Á - chi nhánh Đà Nẵng về việc thế chấp, cầm cố tài sản để vay vốn ngân hàng. Quá khó khăn, tháng 6/2015, Besra đã bán 35% vốn cho Công ty cổ phần vàng Việt Á (VACO). Sau thương vụ này, Besra nắm 50%, Việt Á 35%, Khoáng sản Quảng Nam 10% và Công ty Kiến Anh nắm 10%.
Trả lời VnExpress, cuối năm 2015, đại diện Besra cho biết, khi Việt Á mua lại cổ phần, họ sẽ tái đầu tư để đưa Phước Sơn quay lại hoạt động sản xuất tốt hơn, đồng thời xin thủ tục giãn nợ từ đợt nợ thuế kéo dài trước đó để trả trong một thời gian nhất định.