Trong năm 2015, 100% doanh nghiệp đa cấp bị Sở Công Thương Hà Nội thanh tra đều vi phạm hành chính, thậm chí có dấu hiệu lừa đảo. Tuy nhiên đến nay, cơ quan này mới công bố thông tin xử phạt.
Sở Công Thương thành phố Hà Nội vừa công bố danh tính 17 doanh nghiệp đa cấp đã bị đơn vị này xử phạt trong năm 2015, trong đó có một số tên tuổi lớn. Cụ thể Công ty TNHH Thiên Ngọc Minh Uy (phạt tháng 12/2015) bị phạt 170 triệu đồng và tịch thu, tiêu hủy hơn 60 triệu đồng giá trị hàng do nước ngoài sản xuất nhưng không hóa đơn chứng từ chứng minh nguồn gốc hợp pháp. Các sản phẩm này bao gồm hàng nhập lậu, sản phẩm dùng để hỗ trợ chữa bệnh không rõ nguồn gốc xuất xứ...
Công ty TNHH Unicity Việt Nam cũng bị phạt 180 triệu đồng (tháng 1/2015) do bán thực phẩm chức năng không phù hợp quy định an toàn thực phẩm. Đơn vị này cũng phải tái xuất hơn 2 tỷ đồng hàng hóa. Rất nhiều doanh nghiệp khác bị xử phạt từ 80-100 triệu đồng chủ yếu do sai phạm do bán hàng đa cấp khi chưa có giấy phép hoặc không ghi nhãn hàng hóa.
Cuối năm 2015, Công ty Thiên Ngọc Minh Uy từng bị xử phạt do bán hàng không rõ nguồn gốc. Ảnh: N.T |
Liên quan đến hoạt động thanh tra các doanh nghiệp bán hàng đa cấp, từ giữa tháng 3/2016, Bộ Công Thương đã ra quyết định thanh tra tại 7 đơn vị gồm Công ty TNHH Thiên Ngọc Minh Uy, Công ty TNHH Unicity Maketing Việt Nam, Công ty TNHH Amway Việt Nam, Công ty cổ phần Tập đoàn Liên kết Việt Nam, Công ty cổ phần Liên kết Tri thức, Công ty cổ phần Liên Minh tiêu dùng Việt Nam, Công ty TNHH Nhượng quyền Thăng Long. Đại diện cơ quan này cho biết, đến giữa tháng 6, kết quả thanh tra mới được công bố.
Sở Công Thương Hà Nội cũng vừa có văn bản gửi các quận huyện trên địa bàn về việc tuyên truyền đến người dân và phối hợp giữa các đơn vị để ngăn chặn hoạt động biến tướng của bán hàng đa cấp. Theo đó, cơ quan này nhận định, hoạt động thanh kiểm tra giám sát hoạt động bán hàng đa cấp trên địa bàn trong suốt năm 2015 và quý I/2016 cho thấy 100% các công ty có vi phạm hành chính, nhiều công ty có dấu hiệu lừa đảo.
"Có một bộ phận người dân tham gia bán hàng đa cấp nắm rõ các quy định của pháp luật nhưng muốn theo đuổi lợi nhuận cao, phi lý đã được hứa hẹn nên vẫn chấp thuận điều kiện của doanh nghiệp đưa ra mà không có ý kiến phản hồi với cơ quan quản lý. Như vậy, người tham gia bán hàng đa cấp đang đi lừa nhau và trở thành công cụ để doanh nghiệp thực hiện các hành vi vi phạm, lợi dụng hình thức này để trục lợi, lừa đảo người dân", Sở Công Thương Hà Nội nhận định.
Cũng theo lãnh đạo Sở, hiện nay chưa có giải pháp quản lý hiệu quả để kiểm soát hoạt động bán hàng đa cấp bất chính, lừa đảo, trục lợi. Vì vậy, cơ quan này đề nghị Bí thư, Chủ tịch UBND các quận, huyện, thị xã có giải pháp hạn chế đối với hoạt động bán hàng đa cấp trên địa bàn nhằm tránh những biến tướng, lừa đảo.
Tuy nhiên, theo Sở Công Thương Hà Nội, với những thủ đoạn tinh vi của doanh nghiệp bán hàng đa cấp, bằng việc kiểm tra hành chính Nhà nước của cơ quan này chưa thể tìm ra các căn cứ pháp lý chứng minh dấu hiệu lừa đảo của doanh nghiệp, người tham gia bán hàng đa cấp. Hơn nữa, do nhận thức của một bộ phận người dân còn hạn chế về bán hàng đa cấp nên bị các doanh nghiệp lợi dụng.
Ngoài ra, theo Sở, do cách suy nghĩ của người dân và môi trường kinh doanh tại Việt Nam chưa hoàn toàn phù hợp với hoạt động bán hàng đa cấp nên đã xảy ra nhiều hiện tượng biến tướng, lừa đảo, người dân rơi vào "thảm cảnh" bị thiệt hại lớn về kinh tế. Do đó, cơ quan này đề nghị Cục Quản lý Cạnh tranh (Bộ Công Thương) dừng cấp phép mới Giấy chứng nhận đăng ký hoạt động bán hàng đa cấp để thực hiện rà soát, đánh giá việc thực hiện quy định của doanh nghiệp đang hoạt động.
Sở cũng đề nghị Bộ Công Thương, Bộ Công an vào cuộc điều tra, xác minh đối với các dấu hiệu lừa đảo người dân dựa trên phương thức bán hàng đa cấp của tất cả các doanh nghiệp bán hàng đa cấp tại Việt Nam. Đồng thời, các cơ quan này cần công bố kết quả xử lý vi phạm để cảnh tỉnh người dân. Ngoài ra, theo Sở cần phải nghiên cứu, xem xét trình Chính phủ các quy định quản lý của Nhà nước đủ mạnh để không xảy ra các hoạt động bán hàng đa cấp trá hình, lừa đảo.
Bên cạnh những doanh nghiệp bán hàng đa cấp, Sở Công Thương Hà Nội còn có văn bản gửi một số cơ quan, ban ngành nhằm giám sát, kiểm tra đối với những đơn vị lợi dụng mô hình kinh doanh này để huy động tài chính. Sở cũng công bố danh sách 54 doanh nghiệp bán hàng đa cấp trên địa bàn để người dân nắm bắt.