Bên cạnh nỗi lo môi trường, nông nghiệp..., nguyên Thứ trưởng Vũ Trọng Hồng cũng quan ngại về khả năng "đứt gánh giữa đường" của siêu dự án đường thủy dọc sông Hồng với lý do thiếu vốn, sau khi chủ đầu tư đã thu được nhiều lợi ích.
Xoay quanh dự án trị giá 24.500 tỷ đồng cho tuyến đường thủy và thủy điện dọc sông Hồng do Công ty TNHH Xuân Thiện (thuộc Tập đoàn Xuân Thành) đề xuất gần đây, VnExpress đã có cuộc trao đổi với GS.TS Vũ Trọng Hồng – nguyên Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp & Phát triển nông thôn, Chủ tịch Hội Thuỷ lợi Việt Nam.
- Bộ Kế hoạch & Đầu tư vừa có văn bản trình Thủ tướng xem xét, phê duyệt dự án Giao thông đường thuỷ xuyên Á, bao gồm việc nạo vét luồng tuyến, xây dựng thủy điện. Ông nghĩ sao về dự án này?
- Đây là dự án có cả thủy điện, thủy lộ (đường giao thông trên sông) nên trước khi tính chuyện có khả thi hay không phải xem xét nó có trong quy hoạch chưa. Theo trình tự dự án xây dựng cơ bản, phải qua các khâu như: lập quy hoạch, đánh giá tiền khả thi, khả thi rồi mới lập kế hoạch xây dựng…
Theo tôi được biết, dự án thuỷ điện này không có trong Quy hoạch điện 7 đã được Bộ Công Thương, Chính phủ phê duyệt. Do đó, việc trình lên Thủ tướng là chưa hợp lý, không đúng trình tự quy định và nếu đưa vào tức là phá vỡ quy hoạch.
Cùng với vấn đề môi trường, sinh kế cho Đồng bằng Bắc bộ, ông Vũ Trọng Hồng còn lo ngại khả năng "đứt gánh giữa đường" của dự án do năng lực tài chính của chủ đầu tư. |
Thêm nữa, dự án lại nằm trên lưu vực sông Hồng, là mạch sống của đồng bằng Bắc bộ. Đó không chỉ là một dòng sông mà là cả một hệ thống sông. Nếu dòng chảy sông Hồng bị biến đổi, sẽ tác động tới cả hệ thống sông Hồng, sông Thái Bình và ảnh hưởng trực diện đời sống, văn hoá… của hàng chục triệu người dân suốt vùng thượng lưu rồi tới hạ lưu.
Đặc biệt với sản xuất nông nghiệp, “vựa lúa” sông Hồng sẽ mất nếu dòng chảy bị xáo trộn, nước bị xâm nhập mặn. Vì thế, khi xem xét dự án có khả thi hay không, phải xét tới đủ các khía cạnh: khoa học, kỹ thuật và tác động xã hội…
- Những khía cạnh về khoa học, kỹ thuật… mà ông thấy cần đánh giá đầy đủ, cụ thể là gì?
- Thứ nhất, riêng lựa chọn xây dựng thuỷ điện mà chủ đầu tư đưa ra, tôi cho là không khả thi. Bởi lẽ không ai xây dựng thủy điện trên lòng sông mà chủ yếu dòng dẫn của nó là những bãi bồi, đất trầm tích sâu hàng trăm mét. Chưa kể, làm thủy điện trên lòng sông như vậy sẽ dẫn tới biến đổi dòng dẫn và khiến phần hạ lưu lún sâu thêm.
Hiện lòng sông Hồng đã sụt một mét do quá trình khai thác cát diễn ra nhiều năm. Nếu triển khai thêm các dự án thuỷ điện này, mức sụt lún sẽ là 2m. Hệ quả là nước biển sẽ xâm nhập sâu, dẫn tới hiện tượng nhiễm mặn như tại khu vực đồng bằng sông Cửu Long. Phía hạ lưu như Ninh Bình, Thái Bình, Nam Định… là các tỉnh đang cần nhiều nước cho phát triển nông nghiệp, đời sống người dân, thì chúng ta lại “chặn” dòng, chứa nước ở thượng lưu. Nguy cơ mất cả vựa lúa đồng bằng sông Hồng là quá rõ. Như vậy, xét về mặt sinh thái, địa chất dự án này đã không khả thi rồi.
Thứ hai, ngay về kỹ thuật thuỷ điện là nếu nằm trên bồi tích thì sẽ bị xói. Nếu muốn xây thì phải cứng hoá lòng sông, nghĩa là biến dòng sông thành kênh đào. Điều này chắc chắn Uỷ ban Khoa học công nghệ & Môi trường của Quốc hội không cho phép.
Thứ ba, xét về quy hoạch kỹ thuật nước, tôi cũng không thấy sự hiệu quả của dự án. Theo thiết kế, chủ đầu tư dự kiến phát triển thuỷ điện tại vùng thượng lưu, tức là phát triển nước ở đó. Nhưng thực tế, trong quy hoạch thuỷ lợi, không có dự án nào cho phát triển nước ở thượng lưu, nhất là khu vực sông Hồng - nơi chủ yếu là các hồ chứa nhỏ do diện tích đất và nhu cầu nước không lớn.
Đáng nói, việc dâng nước lên cần phải đánh giá rất cẩn trọng, có nghiên cứu khoa học đoàng hoàng. Vì việc này luôn tồn tại 2 mặt, trong đó ảnh hưởng trực diện nhất là làm thay đổi môi trường. Theo thiết kế dự án, chủ đầu tư dự kiến nạo vét hơn 288 km dọc sông Hồng khi triển khai. Như thế, thuỷ sinh của dòng sông Hồng sẽ bị huỷ diệt và hạ du sẽ không có nước sinh hoạt.
- Nói tới tính hiệu quả của dự án, doanh nghiệp cho rằng mục tiêu chính là tạo thành đường giao thông đường thuỷ xuyên Á, nối liền giao thương với Trung Quốc… Ông đánh giá thế nào về điều này?
- Tôi không biết lợi ích của dự án này đến đâu, nhưng rõ ràng những tác động tới môi trường, sinh thái của sông Hồng là chắc chắn xảy ra. Nếu chỉ vì mục tiêu phát điện thì thêm vài nhà máy với công suất vài trăm MW một năm cũng không đáng kể trong cân bằng nguồn điện của cả vùng, đất nước.
Nếu một xã hội không có nước, xã hội đó không tồn tại. Tương tự, nếu chuyển đổi sông Hồng sang mục đích giao thông thuỷ, thuỷ điện có nghĩa là phần nông nghiệp và sinh thái ở hạ du phải hy sinh cho phát triển thuỷ điện, thì liệu vựa lúa của vùng đồng bằng Bắc bộ còn tồn tại?
Tôi muốn nhắc lại rằng, trong nghiên cứu, có một vấn đề tôi cho rằng cần phải làm rất kỹ, rất khoa học. Đó là vấn đề môi trường sinh thái, vấn đề biến đổi môi trường, thay đổi dòng chảy, rồi tác động tới đời sống, sinh kế của người dân.
- Ngoài vấn đề về môi trường, giao thông, dự án này liệu còn phải đối mặt với thách thức nào khác, thưa ông?
- Một điểm nữa tôi muốn đề cập là theo tính toán của chủ đầu tư, dự án này cần tới 24.510 tỷ đồng, trong đó 30% họ góp bằng vốn chủ sở hữu, còn lại sẽ được huy động vốn vay thương mại. Trong khi đó, số vốn của doanh nghiệp này hiện chỉ có hơn 1.000 tỷ đồng, dự án mà 70% dựa vào vốn vay thương mại thì tính bền vững sẽ ra sao?
Và biết đâu khi đang triển khai nửa chừng lại xảy ra khả năng doanh nghiệp xin rút với lý do hết vốn, dự án không khả thi… Tới lúc này, doanh nghiệp đã “đút túi” phần khoáng sản, sa khoáng bán được trong quá trình nạo vét 288km đường sông. Nếu tình huống này xảy ra thì chúng ta sẽ bắt đền ai khi sinh thái môi trường đã bị huỷ hoại?
Chưa kể, nếu thiếu vốn triển khai, doanh nghiệp phải bán lại dự án cho đối tác khác, không loại trừ khả năng là đối tác nước ngoài thì Việt Nam sẽ mất luôn quyền chủ động. Cho nên, chủ đầu tư nói sẽ vay bằng nhiều nguồn để làm dự án này nhưng về mặt kinh tế rõ ràng họ không đủ năng lực.
Theo tôi, dự án này không thể trao cho một doanh nghiệp nào, theo kiểu xây đường cao tốc rồi thu phí để thu hồi vốn như các dự án giao thông đường bộ khác, mà phải là dự án của Nhà nước. Trên cơ sở phân tích mọi mặt tác động, từ lợi ích người dân, tới lợi ích quốc gia, môi trường… với luận cứ khoa học rõ rang, chuẩn xác, lúc đó Nhà nước mới “quyết” làm hay không.
Anh Minh