Kinh doanh 'chúa tể bầu trời' trên đỉnh LangBiang

Tuổi đời còn trẻ và cũng không phải là người nhiều tiền, nhưng Nguyễn Văn  Thái khá có tiếng trong giới chơi chim đại bàng.

Trong số nhiều dịch vụ du lịch trên đỉnh núi LangBiang, Đà Lạt, chụp hình với những chú chim đại bàng dũng mãnh rất được ưa chuộng, được điều khiển bởi ông chủ tên Thái, 29 tuổi, khá thân thiện.

Thái cho biết đến với thú chơi và huấn luyện chim đại bàng đã 7 năm và anh quyết định mở ra dịch vụ này ngoài để thêm phần phong phú cho sản phẩm du lịch trên núi LangBiang, mà còn là một hình thức lấy ngắn nuôi dài cho thú chơi nhiều đam mê nhưng khá tốn kém này.

Theo Thái, chơi và huấn luyện chim săn mồi (falconry) trên thế giới đã có từ lâu và được coi là một môn thể thao. Tại châu Á, ở các nước như Thái Lan, Ấn Độ, Mông Cổ..., phong trào falconry rất mạnh và phổ biến, riêng tại Ấn Độ có hẳn một festival về bộ môn này.

Ở Việt Nam phong trào chơi và huấn luyện chim săn mồi mới chỉ có vài năm trở lại đây, tập trung ở một vài thành phố lớn như Hà Nội, TP HCM, còn các tỉnh, thành khác chỉ lẻ tẻ vài người chơi vì đây là một môn chơi khá quí tộc. Một chú đại bàng có giá hàng chục thậm chí hàng trăm triệu đồng, và người chơi phải có những đồng môn thân thiết để học hỏi, trao đổi kinh nghiệm.

Hiện nay Nguyễn Văn Thái đang sở hữu 10 con chim đại bàng với các giống như đại bàng núi, đại bàng ưng và đại bàng đen, có trọng lượng từ 2 đến 2,5kg mỗi con, nhưng đủ sức để quật ngã những con mồi là loài chim nhỏ hơn, hay các con vật như sóc, chồn, thỏ…. Ban đầu Thái được một người quen chuyển nhượng cho một cặp chim nhập về từ Thái Lan, sau đó anh tự nhân giống bằng cánh lấy trứng gửi đi các lò ấp nở. Nhưng theo Thái, dòng chim này sinh sản rất chậm, một năm chỉ được một trứng, bù lại chim đại bàng có tuổi thọ trung bình từ 20 đến 25 năm.

kinh-doanh-chua-te-bau-troi-tren-dinh-langbiang

Nguyễn Văn Thái đang biểu diễn với chú chim đại bàng đã qua huấn luyện. Ảnh: Quốc Dũng

Huấn luyện một con chim đại bàng đòi hỏi khá nhiều công sức, vì đây là loài chim ăn thịt nên hàng ngày phải cung cấp dinh dưỡng cho chúng khá tốn kém và phải vệ sinh nơi nuôi thường xuyên. Thường những con chim được người nuôi nhân giống sẽ dễ huấn luyện hơn vì chất hoang dã đã bớt  đi rất nhiều, nó sẽ dễ nghe lệnh  của chủ hơn chim đưa về từ môi trường thiên nhiên.

Chim đại bàng không phải như những loại chim nuôi khác, mà đòi hỏi phải có sự huấn luyện ở một trình độ cao, người chơi phải rất có kiến thức với môn chơi. Có những người nhờ hẳn một người khác huấn luyện cho con chim của mình, nhưng khi rời tay người huấn luyện, không được tiếp tục huấn luyện thường xuyên thì chim sẽ bị “lụt nghề’.

Trong giới chơi chim đại bàng thì Thái được biết đến là người khá mát tay trong việc huấn luyện chim. Anh cho biết, khi chim được một năm tuổi là bắt đầu cho tập luyện và thường thì Thái mất 6 tháng để “học trò’’ thành thục các bài tập như bay tự do và nghe tiếng còi hoặc một loại hiệu lệnh sẽ bay về đáp nhẹ nhàng ngay trên cánh tay của người huấn luyện, hay bài tập bắt mồi giả, bắt mồi thật trên không. Quá trình huấn luyện chim của Thái đã 2 lần bị sự cố là con chim không nghe lời mà bay luôn vào môi trường hoang dã tự nhiên.

Thời gian huấn luyện một con chim đại bàng nhanh hay lâu tuỳ thuộc rất nhiều vào người huấn luyện. Theo Thái, tính khí mỗi con đều khác nhau, người huấn luyện trước tiên phải coi chúng như một người bạn, sẵn sàng lắng nghe và động viên kịp thời… Có những con chim đại bàng khi đưa ra tập thấy ngựa là rất sợ, hoặc có con thấy chó là co rúm  lại không thiết tha bài tập, thậm chí không nghe lời nữa. Điều đặc biệt mà tạo hoá cho con chim đại bàng là đôi mắt chúng rất sáng và đôi tai rất thính, có khi chim bay cao, xa nhưng chỉ một tiếng còi thổi nhẹ hay một hiệu lệnh đã qui định thì lập tức bay về xà cánh rất đẹp và đáp nhẹ nhàng trên tay chủ. Một con chim đã thuần thục thì đôi mắt hoặc tai của chúng luôn hướng về người chủ.

Sở dĩ nuôi chim đại bàng được ví là môn chơi quý tộc, là bởi người chủ phải sắm rất nhiều phụ kiện mà chủ yếu là nhập ngoại như: găng tay da, dây da để xích chân đại bàng, chuông lục lạc đeo ở chân đề phòng khi chủ và chim mất tín hiệu với nhau, còi điều khiển và thậm chí cao cấp hơn là bộ định vị phòng khi đại bàng bay quá xa hay theo mục tiêu là một con mồi nào đó mà không thể liên lạc.

Nguyễn Văn Thái tự hào vì bản thân không phải là giới quí tộc nhưng vẫn “sống’’ với thú chơi đại bàng. Từ gần một năm nay, Thái đưa bầy chim của mình lên đỉnh núi LangBiang vừa để chăm sóc và huấn luyện, cũng vừa để có thêm chi phí  bằng việc mở ra dịch vụ cho khách chụp hình chung cùng đại bàng với giá 10.000 đồng mỗi lượt. Còn một lần biểu diễn cho đại bàng đáp trên tay khách là 150.000 đồng.

Thái cho biết, mỗi ngày anh phải bỏ tiền mua 2kg thịt để nuôi bầy chim, rồi cả các loại vắc xin nhập khẩu, nên khá nặng chi phí. Một con đại bàng loại trung như của Thái hiện có giá tầm 15-20 triệu đồng. Có những đại gia nhập loại chim lớn đến 7kg từ nước ngoài có giá 250-300 triệu.

Quốc Dũng

Let's block ads! (Why?)