Doanh nghiệp nội 'săn' dự án bất động sản Hà thành

Đa số thương vụ chuyển nhượng dự án trong thời gian gần đây tại Hà Nội đều có bên mua là các doanh nghiệp nội, trong đó có nhiều "tay chơi" mới. 

Công ty cổ phần Đầu tư Hải Phát vừa công bố việc chi khoảng 700 tỷ để mua lại 4,7 ha đất (tương đương khoảng 35% quỹ đất) của dự án Khu đô thị Phú Lương (Hà Đông). Đây là dự án do của Công ty cổ phần Đầu tư xây dựng Trung Việt làm chủ đầu tư. 

Khi triển khai dự án này, Công ty Trung Việt từng nợ hàng trăm tỷ đồng tiền sử dụng đất và bị cơ quan thuế nhiều lần nhắc nhở. Sau khi mua lại một phần dự án Phú Lương, Hải Phát đã thực hiện các thủ tục liên quan đến nghĩa vụ nộp thuế cho phần dự án đã mua lại. 

Đây không phải là thương vụ đầu tiên của Hải Phát trong thời gian gần đây. Trong vòng nửa năm qua, công ty này đã chi hàng trăm tỷ đồng để thực hiện các thương vụ mua dự án như tòa 102 - Tổ hợp Usilk City (Hà Đông), dự án Khu nhà ở N023B Long Biên và gần 7.200m2 đất đấu giá tại Vạn Phúc (Hà Đông).

doanh-nghiep-noi-san-du-an-bat-dong-san-ha-thanh

Một loạt dự án vừa được chuyển nhượng dự án bất động sản mới được công bố. Ảnh: Ngọc Tuyên

Một thương vụ chuyển nhượng khác ở khu "đất vàng" trên đường Nguyễn Trãi cũng vừa được công bố trong tuần qua. Tại Đại hội cổ đông thường niên của Công ty cổ phần Cao su Sao Vàng (SRC), cổ đông đơn vị này đã thông qua việc chọn Công ty cổ phần Tập đoàn Hoành Sơn là đối tác đầu tư cho dự án 231 Nguyễn Trãi. Đơn vị này trả giá 435 tỷ đồng cho lô đất và dự định sẽ đầu tư phát triển khu hỗn hợp, bao gồm trung tâm thương mại – dịch vụ, văn phòng – căn hộ cao cấp để bán và cho thuê.

Gần đây, một dự án khác tại Hà Đông cũng đang trong quá trình chuyển nhượng và dự kiến giá trị có thể lên tới hàng nghìn tỷ đồng. Mặc dù còn vướng một số thủ tục pháp lý trong quá trình mua bán, song bên mua cũng là một trong những doanh nghiệp nội có tiềm lực lớn và từng thực hiện nhiều thương vụ thâu tóm dự án.  

Không còn là gương mặt mới trên thị trường khi trong năm qua đã chi hàng chục nghìn tỷ đồng để mua các dự án, gần đây, Tập đoàn Vingroup tiếp tục theo đuổi chiến lược này khi công bố thông tin chi 5.680 tỷ đồng để mua 100% cổ phần của Công ty Hoa Hướng Dương. Với thương vụ này, Vingroup đã sở hữu 98,3% tỷ lệ biểu quyết trong Công ty cổ phần Phát triển đô thị Vinaconex-Viettel (công ty con của Hoa Hướng Dương).

Việc đầu tư vào hai công ty này được Vingroup lý giải nhằm phát triển các dự án bất động sản tiềm năng tại quận Hoàn Kiếm và Nam Từ Liêm mà Vinaconex-Viettel đang sở hữu. Vinaconex-Viettel hiện là chủ đầu tư dự án khu đô thị tại xã Tây Mỗ và Đại Mỗ, quận Nam Từ Liêm với quy mô 215ha.

Gần đây, tại đại hội cổ đông thường niên của một loạt doanh nghiệp cũng hé lộ nhiều thương vụ chuyển nhượng dự án có thể được thực hiện trong thời gian tới. Trao đổi với VnExpress, ông Nguyễn Xuân Cần, Chủ tịch Soho Việt Nam, đơn vị thường xuyên môi giới những thương vụ chuyển nhượng lớn cho hay, thực tế, trên đây chỉ là những thương vụ đã được công bố. Trong khi đó, theo ông Cần rất nhiều vụ chuyển nhượng mà dư luận không hề hay biết.

Theo ông Cần, mặc dù thời điểm thị trường khủng hoảng vẫn có giao dịch mua bán dự án, song đến nay hoạt động có phần sôi động hơn. Đồng thời, ông cũng cho biết thị trường có những diễn biến mới tích cực hơn. 

“Trước đây nếu doanh nghiệp mua bán chủ yếu là khối ngoại thì nay thị trường có thêm nhiều công ty trong nước tham gia. Hơn nữa, nếu như trước đây doanh nghiệp chủ yếu sử dụng phần lớn vốn tự có để mua thì nay nhiều đơn vị đã dùng đến đòn bẩy tài chính, vay vốn ngân hàng. Tôi cho rằng đây là tín hiệu cho thấy họ đã có những đánh giá khả quản về thị trường”, ông Cần cho hay. 

Cũng theo ông, vài năm trước, các thương vụ chủ yếu trong nội thành thì đến nay đã mở rộng địa bàn ra khỏi khu vực vành đai 3 vì quỹ đất có hạn. 

“Các dự án được mua nhiều chủ yếu nằm ở khu vực phía Tây thủ đô như quận Hà Đông, Nam Từ Liêm hoặc hướng cầu Nhật Tân vì được đánh giá có nhiều tiềm năng, hạ tầng ổn định, hiện đại. Mức giá chuyển nhượng ở những khu vực này cũng cao hơn thị trường từ 10-15%”, ông Cần cho hay. 

Ngọc Tuyên

Let's block ads! (Why?)