92 câu lạc bộ bóng đá tại các hạng đấu chính thức của nước này đã thu về hơn 4 tỷ bảng mùa giải 2014-2015, báo cáo của Deloitte cho biết.
Chi tiêu vốn của các câu lạc bộ là 305 triệu bảng - kỷ lục trong một mùa giải. Theo bản quyền truyền hình, riêng các câu lạc bộ tại Premier League - hạng đấu cao nhất - đã tạo ra 3,3 tỷ bảng doanh thu, tăng 3%. Các câu lạc bộ top đầu cũng đạt lợi nhuận trước thuế năm thứ 2 liên tiếp trong mùa giải trước, lần đầu tiên kể từ năm 1999.
Thu hút nhiều nhà tài trợ, bóng đá Anh luôn là một cỗ máy thương mại khổng lồ. |
"Tốc độ tăng trưởng tài chính trong lĩnh vực bóng đá trong hơn 20 năm qua là rất lớn", Dan Jones - Giám đốc mảng Kinh doanh Thể thao tại Deloitte cho biết, "Ảnh hưởng của các hợp đồng truyền hình tại Premier League rất rõ ràng. Lần đầu tiên, giải này dẫn đầu mảng bóng đá về cả 3 số liệu doanh thu chính - quảng cáo, tiền vé và bản quyền truyền hình. Đến mùa giải 2016-2017, các hợp đồng truyền hình mới có thể đẩy lợi nhuận hoạt động lên tới 1 tỷ bảng".
Hợp đồng phát sóng giúp các câu lạc bộ Premier League có lợi nhuận hoạt động cao gần kỷ lục - 546 triệu bảng và lợi nhuận trước thuế 121 triệu bảng. Trong đó, 14 có lãi trước thuế. Họ thường dùng nguồn thu từ truyền hình để cải thiện sân vận động và cơ sở hạ tầng.
Chi phí lương của các câu lạc bộ tăng 7%, lần đầu lên trên 2 tỷ bảng. Tổng tiền mua các cầu thủ cũng lên kỷ lục là 1,1 tỷ bảng.
Bản đánh giá Tài chính Bóng đá thường niên lần thứ 25 của Deloitte ũng cho thấy tổng doanh thu của 5 giải đấu lớn tại châu Âu - Anh, Đức, Tây Ban Nha, Italy và Pháp tăng 6% lên kỷ lục 9,2 tỷ bảng mùa giải 2014-2015. Trong khi Premier League, Bundesliga và La Liga đều có lãi, Serie A và Ligue 1 lại lỗ.
Hà Thu (theo BBC)